Thấy con còi cọc, quấy khóc, bỏ bú…, nhiều người nghĩ rằng trẻ mắc đẹn nên đã mua “thuốc đẹn gia truyền” cho uống, thậm chí mời thầy lang về nhà “lể đẹn” khiến con rơi vào tình trạng nguy kịch.
Gặp họa vì chữa bệnh theo kiểu truyền miệng
Sau gần 1 tháng nhập viện điều trị, bé P.N.K.Đ. - 4 tháng tuổi, quê huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - đã qua nguy kịch, song lượng chì trong máu vẫn còn rất cao so với ngưỡng an toàn. Người thân của bé gái cho hay, khi được gần 3 tháng tuổi, bé bắt đầu ít chơi, quấy khóc nhiều. Cho rằng bé mắc đẹn nên gia đình đến nhà một người dân trong vùng mua “thuốc đẹn gia truyền” dạng viên nén về pha loãng cho bé uống.
|
Những biển quảng cáo bán thuốc đẹn xuất hiện khá nhiều trên các tuyến đường làng ở Nghệ An |
Sau khi uống loại thuốc này được vài ngày, bé Đ. càng quấy khóc nhiều hơn, da xanh tái, co giật, hôn mê nên phải đưa đến bệnh viện. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy lượng chì trong máu của bé vượt hàng trăm lần so với ngưỡng an toàn, được xác định nhiễm chì nặng.
Bác sĩ Nguyễn Hùng Mạnh - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An - cho biết: bé Đ. không phải là trường hợp duy nhất bị ngộ độc chì do uống “thuốc đẹn gia truyền”. Gần 2 tháng qua, khoa này đã tiếp nhận 4 bệnh nhi dưới 6 tuổi bị ngộ độc chì nặng. Trong đó, 2 bệnh nhi quá nặng, phải chuyển tuyến ra Hà Nội điều trị, 2 bệnh nhi còn lại hiện vẫn đang được điều trị tại bệnh viện. Cả 4 bệnh nhi này đều được gia đình cho uống “thuốc đẹn gia truyền” để bớt quấy khóc, lớn nhanh…
Ở nhiều vùng quê Nghệ An, Hà Tĩnh, không khó để bắt gặp những biển quảng cáo bán “thuốc đẹn gia truyền” dọc các tuyến đường làng. Nhiều người dân vẫn quan niệm rằng, trẻ mắc đẹn sẽ khó nuôi, chậm lớn. Bởi thế, từ khi người phụ nữ mang thai, nhiều người đã mua thuốc đẹn về để các bà bầu uống. Trẻ sơ sinh khi quấy khóc nhiều, vặn mình, biếng ăn… thường được nhiều phụ huynh mặc định bị đẹn rồi tự mua thuốc cho con uống.
|
Sau gần 1 tháng nhập viện điều trị, lượng chì trong máu của bé Đ. vẫn còn rất cao so với ngưỡng an toàn - Ảnh: Hoàng Yến |
Chị Nguyễn Thị P. - 32 tuổi, quê xã Nghi Đức, TP Vinh, tỉnh Nghệ An - cho biết phải đến khi nhập viện điều trị do bị ngộ độc chì, chị mới bỏ kiểu chữa bệnh theo truyền miệng. Ít năm trước, khi con gái chị P. chào đời được vài tháng thì thường xuyên quấy khóc, đêm vặn mình ngủ không ngon giấc. Nhiều người bảo bé bị đẹn, chỉ cách cho chị P. đến nhà một thầy lang trong vùng mua thuốc chữa đẹn về uống.
“Họ bảo có thể cho con uống, hoặc mình uống rồi cho con bú cũng được. Nhưng hiệu quả đâu chưa thấy, bản thân tôi lại phải nhập viện điều trị do ngộ độc, cũng may con không bị gì” - chị P. nhớ lại.
Mất hàng chục năm để đào thải chì
Không chỉ uống thuốc, một số trẻ còn được người thân mời thầy lang về nhà “lể đẹn” để trị chứng quấy khóc. Bác sĩ Trương Lệ Thi - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An - cho biết khoa từng tiếp nhận nhiều trẻ bị suy gan, nhiễm trùng bởi những vết “lể đẹn” khắp người.
“Việc lể đẹn cho trẻ sơ sinh là phương pháp chữa bệnh không được y học hiện đại ủng hộ và không có bằng chứng khoa học, nó không giúp trẻ ăn nhiều, khỏe mạnh hơn. Khi trẻ khóc đêm, vặn mình khó chịu… có thể là do sức khỏe có vấn đề, cần được bác sĩ thăm khám tìm ra nguyên nhân để có phương pháp điều trị thích hợp” - bác sĩ Trương Lệ Thi nói.
Bác sĩ Bùi Thanh Hải - Trưởng phòng Chẩn trị Hội Đông y tỉnh Nghệ An - cho biết: trong đông y, bệnh đẹn được hiểu là do nhiễm 2 loại khí cơ bản gồm phong và hàn. Từ xa xưa, các cụ đã có nhiều kinh nghiệm dân gian để chữa trị cho trẻ bị đẹn. Tuy nhiên, đến nay chưa có bài thuốc gia truyền chữa trị đẹn nào ở Nghệ An được cấp phép lưu hành.
“Nghệ An hiện chỉ có 7 bài thuốc gia truyền được cấp phép, trong số này không có thuốc đẹn. Ngoài điều trị đẹn, hiện nhiều người còn sử dụng các loại thuốc hoàn chữa còi xương, tăng cân cho trẻ em. Nếu không tìm hiểu kỹ và mua ở những người không có uy tín thì rất nguy hiểm” - ông nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Hùng Mạnh, chì là chất rất độc hại cho sức khỏe, gây tổn thương nhiều cơ quan như thần kinh, xương, hệ huyết học, máu, gan, thận, hệ tiêu hóa, tim mạch… Kim loại này đặc biệt nguy hại với trẻ nhỏ. Chì tích lũy trong xương lâu dài sẽ khiến trẻ còi cọc, chậm phát triển thể chất, gây thiếu máu. Trường hợp nặng có thể khiến trẻ tổn thương não dẫn tới các di chứng nặng nề như chậm phát triển trí tuệ, co giật.
Ngoài các nguyên nhân do tiếp xúc với môi trường ô nhiễm từ các khu công nghiệp; nguồn nước nhiễm chì; pin, đồ chơi bằng nhựa có sơn chì; đồ hộp đựng thức ăn có hàn chì… thì việc uống các loại thuốc nam vẫn thường được dân gian gọi là thuốc đẹn không rõ nguồn gốc là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị ngộ độc chì. Khi vào cơ thể, chì có thể tích lũy lâu trong nội tạng, đặc biệt là xương, phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần cân nhắc kỹ khi cho trẻ uống các loại thuốc nam, thuốc không rõ nguồn gốc. Đặc biệt là không nên chữa đẹn cho trẻ nhỏ theo các phương thức truyền miệng chưa được kiểm chứng.
Phan Ngọc