Con nhà nghèo, tự bước vào đời làm thuê từ nhỏ

16/07/2017 - 16:33

PNO - 13 tuổi, Thảo có thể đi phụ rửa ly quán cà phê được rồi. Vậy là Thảo chính thức vào đời bên những thau nước ngập bong bóng xà bông, hăng hắc mùi thuốc tẩy.

- Họp nha! Sáng sớm nào cũng vậy, khi tụi nhỏ đứa lau nền, đứa xếp ly, đứa cho đá vào thùng xong là hai chữ lảnh lót đó của bà chủ sẽ vọng ra từ phòng thu ngân. Không sớm không muộn một giây; không trễ tràng một công việc nào, cứ đều đặn như bánh mì điện ra lò vậy.

Con nha ngheo, tu buoc vao doi lam thue tu nho
 

Thằng Kha chọt chọt cây lau nhà vào chân thằng Tân “họp kìaaaa…”. Bao đá viên khá nặng so với sức vóc thằng con trai 16 gầy gò; thêm cú thọt chân của thằng Kha, Tân lập tức vuột tay, mấy viên đá rơi ra ngoài.

Con Thảo đang xếp mớ ly vào sọt cũng vội vội vàng vàng để kịp sang khu D - khu ít khách nhất, mà “họp”; miệng lầm bầm: “Họp gì mà họp, chỉ có mình bả nói, còn tụi này gục mặt nghe. Sai đúng gì cũng phải nghe, có được ý kiến ý cò gì đâu mà gọi là họp!”.

Rồi ba đôi chân trẻ trung theo nhau nhanh bước đến chiếc bàn 12 ghế ở khu D. Bà chủ đã ngồi sẵn với ly sinh tố bơ bà yêu thích, đằng hắng: - 5 giờ 15 phút hôm qua thằng Tân làm đổ một ly cà phê, sao không ghi vào sổ?

Ba đứa nhìn nhau lấm lét. Giờ đó là còn 15 phút nữa hết ca chiều. Bà chủ đã về rồi, trời thì mưa rất to, khách ngồi đâu không ngồi, lại chọn lầu bát giác, khuôn lầu cao, cách sân tám bước chân và phải qua một cái hồ cá. Bậc thang lên lầu là những bệ đá đủ hình thù làm kiểu.

Con nha ngheo, tu buoc vao doi lam thue tu nho
 

Cả ngày mỏi mệt, thêm đá trơn trợt nên ly cà phê chưa tới tay khách đã tặng cho lũ cá dưới hồ. Anh pha chế nói, anh sẽ “xí huề”, coi như chỉ có trời biết đất biết và bốn anh em mình biết chứ bà chủ không sao biết được. Chỉ ba muỗng cà phê, một gói đường và ít đá là sẽ thành ly khác thôi mà. Vậy sao hôm nay…

Tân ấp úng: Dạ… tại chiều qua mưa lớn quá, mắc chạy dọn dẹp nên con quên ghi sổ, con xin lỗi cô.

Bà chủ nhẹ nhàng múc từng muỗng sinh tố bơ cho vào miệng, ậm ừ ra chiều thông cảm: Thì cô có nói gì đâu, quan trọng là các con có lỗi thì phải nhận lỗi, vậy mới nên 
người được.

“Có lỗi nhận lỗi”, con Thảo ứ nghẹn trong đầu. Nói nghe nhẹ hều vậy đó, chứ người ngoài đâu biết, ly cà phê đá tính cho khách giá có hai mươi ngàn, nhưng nếu nhân viên làm đổ sẽ bị tính ba mươi ngàn, trừ vào lương. Mười ngàn đội lên là “tiền kinh nghiệm” để lần sau không làm đổ bể, rơi rớt nữa.

Thảo nghe như có giọt nước mắt khô nào đó đang chạy ngược vào lòng. Mười ngàn, với người khác chỉ là hộp xôi nho nhỏ chẳng đáng gì, nhưng với tụi nó, là phải chạy bàn cả tiếng đồng hồ với đủ hỉ, nộ, ái, ố của không chỉ bà chủ mà còn của khách. Chân nhảy như cào cào, mắt thì con bên trái để ngoài nhà xe, con bên phải để trong dãy bàn khách.

Con mắt ngoài nhà xe là “canh” có mấy người khách tới để kịp lấy tẩy trà. Con mắt để trong dãy bàn là “canh” khách ngồi bàn nào hoặc di chuyển tới bàn nào để chút nữa mang thức uống cho chính xác.

Chưa hết, tai phải luôn dỏng lên nghe xem khu A khách gọi gì, khu B khách cần gì, khu C khách nói gì. Tay thì hết xúc đá, dọn ly đến châm trà… bao nhiêu là việc! Nếu là con cái gia đình khá giả thì bọn nó đâu phải cực khổ vậy; chỉ tại chúng nghèo, mỗi đứa một hoàn cảnh nên phải vào đời từ cái tuổi còn ăn chưa no.

- Thằng Kha, lại mất hộp quẹt nữa phải không?

- Dạ… thưa cô, không phải tại con, tại ông “cà phê ống hút” mượn mà không trả.

- Con lại đổ thừa! Mượn không trả là chuyện của khách, nhưng đòi cho được là chuyện của con. Nếu không đòi được, con phải mua đền hoặc bị trừ lương, giá năm ngàn một cái quẹt gas. Con xem lại nội quy đi!
-…
- Còn Thảo, sao sáng nay đi trễ mười phút?
- Dạ… xe con bể bánh. Con sẽ làm bù hai mươi phút!
- Tốt, thuộc nội quy vậy là tốt!

Sau chữ “tốt” đó, cuộc họp kết thúc.

Thảo thẫn thờ bưng ly sinh tố mà bà chủ chỉ mới múc hai muỗng xuống. Nó tiếc hùi hụi. 16 tuổi, thâm niên ba năm phục vụ quán cà phê từ quán nhỏ tới quán lớn, nó chưa bao giờ dám “thưởng” cho mình một ly sinh tố như thế. Số tiền tương đương với mười hai tiếng đồng hồ lao động của nó. Thảo còn phải mang tiền về nuôi bà ngoại già bảy mươi tuổi nay đau mai ốm và người mẹ ngơ ngẩn vì chồng bỏ.

Con nha ngheo, tu buoc vao doi lam thue tu nho
 

Mẹ Thảo lấy chồng muộn nên 34 tuổi mới sinh ra Thảo. Không may, mẹ bị tai biến sản khoa, không thể sinh được nữa. Thảo gầy gò, lại có bệnh tim bẩm sinh nên ba Thảo nói, một là vợ phải sinh được một đứa con trai, hai là ông cưới vợ khác, chứ không thể sống với một người vợ “không biết đẻ” và đứa con gái đau yếu không biết sống chết lúc nào. Vậy là khi Thảo sáu tháng tuổi, ba bỏ đi. Từ đó mẹ Thảo sinh ra ngơ ngẩn, chạy chữa bao nhiêu thuốc thang không khỏi.

Học hết lớp 5, Thảo phải nghỉ ở nhà phụ bà. Mít non, sả, chuối… hai bà cháu đi khắp xóm mua từ nhà vườn rồi mang ra chợ bán. Hàng khi có khi không. Trái mít có khi nhìn bên ngoài đẹp vậy mà luộc xong cắt ra thì đầy sâu. Sả, chuối vô vườn mua “chết giá” nhưng “đụng chợ” là phải bán đổ bán tháo. Giật gấu vá vai được bốn mùa chợ thì bà ngoại Thảo… hết vốn.

Thảo nói, ngoại cứ ở nhà trông chừng mẹ, 13 tuổi, Thảo có thể đi phụ rửa ly quán cà phê được rồi. Vậy là Thảo chính thức vào đời bên những thau nước ngập bong bóng xà bông, hăng hắc mùi thuốc tẩy. Rửa ly một năm, hết tám đôi bao tay bị ăn mòn cũng là lúc các móng chân, móng tay Thảo… mọc nấm do tiếp xúc quá nhiều với nước rửa chén.

Mười lăm tuổi hơn, dáng con gái đã thấy tròn đẹp nên Thảo tự “nâng cấp” mình lên công việc chạy bàn, không ngồi ôm thau nước xà bông nữa. Có mỏi chân, có bể ly đổ thức uống bị trừ lương, nhưng tiền công cao hơn rửa ly, lại còn có khoản “tiền bo” từ những tờ bạc lẻ nhăn nheo. Thảo vui hơn.

Thằng Tân cao như con sếu. Nhưng, con sếu có cái đầu đỏ, còn thằng Tân thì đầu vàng, nặng có ba mươi tám ký trên thân thể 16 tuổi. Nó nói, cái đầu vàng là do từ hồi sáu tuổi nó đã dang nắng theo mẹ đi bán vé số rồi. Nhà Tân “siêu lạ” với người ta, vì mẹ nó sinh một lèo ba thằng con trai, bà nội nó buộc phải sinh thêm đứa con gái. Con một đám mà ba nó chỉ ăn rồi đi đánh bài.

Mẹ nó bao nhiêu lần năn nỉ, khóc lóc, hờn giận; bà nội nó đều bênh con trai: “Tiền nó nó chơi, hết tiền thì lấy tiền của tao. Có lấy tiền của mày đâu mà mày nói! Bổn phận của mày là phải sinh cho má đứa cháu gái. Nhà này mẹ con mày ở, cơm tự làm tự ăn. Đỡ tốn tiền nhà trọ, sướng muốn chết còn đòi hỏi gì nữa?”.

Mà mẹ thằng Tân có đòi gì đâu, chỉ muốn một người chồng chịu làm việc nuôi con. Xe ôm, bốc vác gì cũng được. Rồi còn phụ vợ dạy ba thằng con trai. Mấy tờ vé số của vợ làm sao con đủ ăn đủ mặc. Đã vậy, mẹ chồng quái thai còn bắt đẻ thêm con gái. Cuối cùng là mẹ con Tân dọn ra nhà trọ ở cho khỏe.

Hai thằng em nhỏ còn đi học, Tân đã xong lớp 9 nên phải đi làm phụ mẹ. Thằng em kế của Tân đã biết coi em và dọn dẹp, nấu cơm. Thằng nhóc 13 tuổi đó còn biết dẫn thằng em bảy tuổi qua hàng xóm phụ lặt cuống ớt, lột vỏ hành tỏi, xem như vừa có chỗ chơi, vừa có chút tiền quà bánh.

Gần đây mẹ Tân phát bệnh. Bệnh gì không biết, bởi chưa một lần đi khám. Mẹ chỉ than mệt, đi vài chục bước là mệt, giặt thau đồ cũng mệt, quét cái phòng trọ mười sáu mét vuông cũng kêu mệt. Tân nói mẹ cứ nghỉ ít hôm, nó sẽ đi làm cả “ca ba”, nghĩa là làm suốt từ 6 giờ sáng tới 10 giờ đêm. Mệt lắm nhưng được hai bữa cơm chủ quán nuôi và có một trăm ba mươi ngàn. Chắc cũng mua được cho mẹ ít thuốc bổ.

Kha 17 tuổi, “cao tuổi” nhất nhóm nhưng lại ít “tuổi nghề” nhất vì mới đầu quân vào quán được hơn tháng. Lý do, theo mẹ Kha nói, là: “Đi làm để học hỏi kinh nghiệm chứ suốt ngày chỉ ăn với học thì biết chừng nào khôn”. Vốn là con ngoan nên Kha không cãi mẹ.

Rồi hình như đi làm cũng sẽ vui hơn ở nhà dán mắt vào chiếc màn hình mà oánh game. Đi làm rồi Kha mới biết, lau nhà cũng là một nghệ thuật; phơi ly, phơi phin cà phê cũng cần học hỏi; rửa ly cũng phải có người hướng dẫn mới không bị bể, nứt.

Quan trọng là học cách nói năng và kiềm chế trước sự mắng mỏ, phiền hà của khách. Thế nhưng, ba Kha lại điện thoại gầm thét: Dẹp ngay! Dẹp chuyện làm mọi thiên hạ ngay! Tưởng mẹ mày nuôi con nên ông nên bà gì, ai ngờ cho thằng nhỏ đi bưng cà phê!

- Bưng cà phê là xấu hả ba?

- Xấu tốt không tới phiên con ý kiến! Quan trọng là mỗi tháng ba gửi một triệu không đủ cho anh em con ăn bánh hay sao mà phải đi bưng cà phê!

- Mẹ nói…dạ…mẹ nói đi làm để học hỏi kinh nghiệm sống chứ không phải là vì tiền. Mà con cũng lớn rồi, con cần phải đi làm để biết cực mà chia sẻ với mẹ. 

- Nói hay hén? Vậy từ nay tao “cúp” một triệu của hai anh em mày luôn!

Tưởng ông nói vậy thôi, hóa ra cúp thật. Hai tháng rồi Kha không nhận được “tiền cấp dưỡng” của ba, dù chút tiền đó không đủ cho hai anh em nó ăn sáng. Mẹ Kha nói, tám năm rồi mẹ nuôi con được, giờ sá gì. Nếu con thấy mẹ đúng, con muốn học hỏi kinh nghiệm sống thì cứ làm cho hết hai tháng hè. Kha gục gặc cái đầu đinh. Nó đã biết giá trị của đồng tiền vì cả tháng nay nó cũng nhiều phen lên bờ xuống ruộng lắm rồi.

“Rảng”. Lại một cái ly nào đó vừa bể. Kha biết chắc bàn tay kết thúc cuộc đời cái ly đó chính là thằng Tân, vì hai hôm nay nó cứ than hay bị chóng mặt bất chợt. 

- Trời đất ơi! Cái đồ ăn hại nè trời! Tiếng bà chủ lanh lảnh từ phòng thu ngân.
Kha đẩy nhanh nhát chổi lau để vào “cứu bồ” thằng Tân. 

Đào Phạm Thùy Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI