- Coi con nhỏ thảm gớm chưa. Đến cái quần cũng chẳng có phéc-mơ-tuya!
- Ai biểu đầu thai vô nhà đó chi.
|
Bốn tuổi đã không còn ba mẹ. Ảnh minh họa |
Lại là những xầm xì khi người ta thấy nó lủi thủi trên đường. Vì vậy, cứ đi qua chỗ đông người là nó lấy tay kéo tà áo trước xuống, cúi gằm mặt ra bộ không nghe không thấy. Người lớn đúng là nhiễu sự thiệt, cứ chăm chăm vô chỗ đau của người khác mà bàn tán.
Nó có làm gì họ đâu mà cứ thấy nó là họ hằn học, đay nghiến, bảo tại ba mẹ làm nó khổ. Bốn tuổi nó đã không còn ba mẹ rồi, thì cách gì ba mẹ làm khổ nó được? Ý họ là tại mẹ dính vòng lao lý, ba lao lực chết nên nó mới bầm dập thế này chớ gì?
Hiểu rồi! Nhưng ngoại nói, chuyện tan nhà nát cửa của mẹ là cái giá phải trả cho những sai lầm. Mẹ nó phần nhẹ dạ cả tin, phần không biết nhiều về pháp luật, bị người ta xúi bậy nên mới tanh bành ra vậy.
Còn chuyện một hai bảo nhà nó ngày xưa giàu nứt đố đổ vách, chó ăn kỹ hơn người thì giờ nói với nó làm gì? Chỉ như kể chuyện sơn hào hải vị để dày vò cái bao tử của kẻ khốn cùng sắp chết đói vậy! Ngày xưa ngày xửa nào nó không biết, không nhớ, chỉ biết bây giờ nó nghèo tới mức khạc ra tro, ho ra bụi.
Mà không cần ho cũng có bụi. Hai bà cháu rúc trong căn nhà xiêu vẹo, nền đất lở lói, chỗ nào cũng bám lớp lớp bụi. Giường chõng, xoong nồi chén bát, nhất là bộ đồ nó mặc, chắc thảm hại nhất, không phải phủ bụi mà là… bùn; chắc còn thảm hơn miếng giẻ ở nhà người ta. Đồ người ta càng mặc càng mỏng, nó thì càng mặc càng dày.
Không dày sao được. Đồ dính đầy đất cát mà bỏ vô thau, đổ nước rồi giẫm giẫm đem phơi thì càng giặt càng dày thôi; phơi nắng một chặp là đơ ra như bánh tráng sượng, mặc vào đất cát cứ rơi vãi. Nhìn nó bần cùng không thể tả nổi. Đầu tóc chơm bơm, bết thành cục. Bàn tay lúc nào cũng đầy mủ cây mủ củ. Với nó, xà phòng là cái gì đó rất xa xỉ…
Bà ngoại bị bệnh gì không biết, chỉ thấy đêm nào cũng nghe bà rên rỉ. Chắc là đau khủng khiếp lắm nên tiếng bà ư ử thiệt tội. Nó chỉ chực khóc theo những cơn đau oằn người của bà. Nó chỉ là một đứa nhỏ bấu víu vào bà, thì còn có thể làm gì khác hơn ngoài việc… khóc mếu. Những lúc hiếm hoi cơn đau lặn xuống, bà thường kể chuyện xưa cho nó nghe. Bà xác nhận ngày xưa ba mẹ nó sống rất đủ đầy. Trên cả sung túc. Áo quần xênh xang, ăn uống thừa mứa, chi tiêu không cần tính.
Ba nó là chủ một cửa hàng lớn. Mẹ nó là cán bộ trên huyện, kiêm chủ huê (bí mật). Chẳng hiểu tính toán làm sao mà đang phong lưu xa xỉ thì ầm một cái vỡ nợ. Nhà cửa bị tịch thu. Mẹ ngồi tù. Ba phệch phạc đi cuốc cỏ gấu kiếm ăn. Đâu được một hai tháng thì chết ngoài đồng cỏ, giữa trưa. Một năm sau, có người tới nhà báo với ngoại, mẹ nó trong tù không bệnh nhưng ngủ rồi…đi luôn.
Bà ngoại nói, may trời cũng thương hai bà cháu, có người họ xa cho ở nhờ căn nhà hoang dột nát. Hồi nó còn bế trên tay bà cũng còn chút sức để chăm cháu, trồng rau trồng bí trong vườn kiếm tiền lẻ. Nó càng lớn bà càng yếu. Lúc đầu ráng lướt bệnh để làm, giờ thì gần như nằm một chỗ.
Một con bé lớp 6 vừa đi học, vừa mót mì, ăn xin - là nó bây giờ. Thương tình cảnh, cô bác trong xóm thường cho chén cơm, trái chuối, gói mì tôm… Có người vừa cho vừa lầm bầm những lời cũ rích “đời cha ăn mặn đời con khát nước”; nó tỉnh bơ hỏi: - Ăn mặn là sao, khát nước là sao?
- Là cha mầy ăn muối nhiều quá nên giờ mầy không được ăn mà chỉ lo uống nước cho đỡ khát chứ sao!
- Ba khát mắc mớ gì con uống?
- Tối quá!
Tối đâu mà tối. Nó vặn vẹo vậy chỉ là cố tình làm khó người nói thôi, chứ nó đi học luôn được thầy cô khen sáng bụng sáng dạ. Nó hỏi cũng không phải do quan tâm những lời đó. Rảnh đâu mà nghĩ chuyện đời cha đời con. Giờ nó chỉ có duy nhất một ý nghĩ là không biết ngày mai có xin được cái gì bỏ vào miệng không. Mì thì mót mấy bữa mùa thôi, giờ người ta xuống giống rồi còn gì mà mót. Đi xin ăn thì nhọc lắm, không dễ mà xin được vài đồng tiền lẻ. Với lại bây giờ ăn xin đã thành nghề rồi.
Dưới phố có hẳn một đội quân ăn xin; lại chẳng phải ai cũng nghèo ho ra bụi như nó, nên người ta cũng ngần ngại khi cho tiền. Mới nghĩ đến chuyện ngày mai lấy gì ăn là bụng nó đã réo lên. Cái bao tử nhà nghèo làm việc sao mà cực kỳ mẫn cán. Nhiều khi nó ước, giá mà con người chỉ cần uống nước là… mà, không cần phải lo nữa! - nó lẩm bẩm.
Không xin được thì cứ đến nhà cô Luyến. Cô tốt bụng lắm, xem nó như con cháu của cô vậy. Lần nào tới nhà nó cũng được cô ép ăn ép uống, còn cho thêm mang về. Cô luôn gọi nó là “con gái”. Cô tận tình nên nó đâm… ngại. Chẳng biết sao nó có nhiều nỗi ngại lắm. Ngại vì cứ xách mỏ tới nhà cô ăn! Mà cái nỗi ngại đó cũng không bằng nỗi ngại tới nhà cô là nó chỉ muốn khóc. Nó thèm đi học.
Nếu không phải bỏ ngang thì năm nay nó đã là học trò lớp 7. Vì ngoại trở bệnh nặng hơn nên cái lẽ đương nhiên là nó vào lớp 7 lại thành chuyện trong mơ. Càng buồn là chỗ nó với ngoại ở lại sát trường. Chiều nào nó cũng đi ngang qua trường, đưa mắt nhìn cánh cổng khép kín. Rồi nhìn với vào trong, thấy cây phượng chỉ sót lại vài chùm hoa cuối mùa.
Sắp vào năm học mới rồi, nó rầu rĩ đem chiếc cặp cũ cất vào xó nhà. Không nỡ vứt. Nó muốn để cặp ở góc nhà cho giống những đứa trẻ khác. Đứa trẻ nào ở tuổi nó mà chẳng có cặp trong nhà. Chưa hết, thỉnh thoảng nó lại đeo khăn quàng, mang chiếc cặp cũ lảng vảng ở sân trường giữa trưa; đứng ngoài cửa nhìn vào các phòng học.
Nó ước mình được ngồi bàn thứ hai, dãy bàn từ cửa lớp tính vào. Nó nhỏ con, ngồi như thế để nhìn bảng cho rõ, để nghe thầy cô giảng bài cho gần. Nghĩ đến đó là nó khóc. Nó muốn tâm sự quá. Nó đi thẳng đến nhà cô Luyến.
Đến nơi, nó không bước vào mà dừng trước gian hàng của cô. Lúc định đến nhà cô để tâm sự, nó đã không nghĩ tới tình huống này. Ai đời muốn tâm sự chuyện thèm đi học mà lại đến nhà cô giáo, trước cửa nhà còn có một gian hàng bán đồ dùng học tập.
Thật là ngốc! Nó ngẩn ngơ nhìn những quyển vở thơm mùi giấy, thèm thuồng sờ cây bút, rón rén lật lật quyển sách, tròn mắt sững người ngắm nghía chiếc cặp có in hình con chim tung cánh. Nó không thể rời mắt khỏi chiếc cặp được. Chợt nó giật mình quay lại khi nghe giọng nói quen thuộc: - Con gái thích chiếc cặp đó hả? Cô Luyến đến chỗ chiếc cặp, tháo xuống.
Nó ấp úng:
- Đừng cô! Em chỉ nhìn con chim thôi!
- Chuẩn bị khai giảng rồi, đằng nào em cũng cần cặp để đi học mà. - Nè, cô tặng em! - Cô vừa nói vừa ấn chiếc cặp vào tay nó.
Nó đưa tay đỡ, đẩy ngược về phía cô:
- Em…em không đi học nữa!... - nó ngập ngừng, giọng nghèn nghẹn.
- Sao vậy?
- Ngoại bệnh, mà em thì không có tiền…
Cô xoa đầu nó, lặng yên nghĩ ngợi. Một lúc sau, cô đổi giọng vui hẳn lên: - Em có biết, đây là con gì không? - cô chỉ tay vào bìa cặp.
- Dạ, con gà. - Không phải.
- Con công. - Cũng không phải luôn.
- Vậy là con gì hả cô? - Con phượng hoàng.
- Em không biết con đó! - Phượng hoàng có cái đầu của con gà, cái cổ cao của chim hạc và bộ đuôi rực rỡ của loài công. Theo truyền thuyết, một con phượng hoàng có thể sống hơn 500 năm. Khi đã quá mệt mỏi, phượng hoàng thu nhặt những nhánh cây thơm, chất thành một cái tổ lớn ở nơi cao đến mức không ai có thể đến được. Nằm trong cái tổ đó, phượng hoàng nổi lửa lên tự thiêu chính mình. Ba ngày sau, phượng hoàng sẽ tái sinh từ đống tro tàn.
- Chuyện hay quá, em chưa bao giờ được nghe chuyện hay như vậy! - Ừ, đi học nữa, em sẽ biết được nhiều điều mới lạ khác.
- Nhưng … - Mọi chuyện cứ để cô lo!
- Bằng cách nào ạ? - Có cách hết, em chỉ cần học giỏi.
Cô nói xong, lại đẩy chiếc cặp vào tay nó. Ban đầu nó có vẻ hoài nghi, không biết cô sẽ lo bằng cách nào; nhưng nhìn vào mắt cô nó hoàn toàn tin tưởng. Nó đưa tay ôm chặt chiếc cặp.
Nguyễn Thị Bích Nhàn