"Con người hỡi ôi": Những biến đổi cảm thụ mang tính thời đại

08/06/2021 - 15:23

PNO - Với 8 truyện ngắn, tập truyện "Con người hỡi ôi" (Nhà xuất bản Trẻ) của nhà văn Hàn Quốc Song Sok Ze đã phản ánh những vấn đề của con người đương đại, từ di dân, đến môi trường; những xã hội đô thị hóa và những con người hoài nhớ quá khứ, thế giới dường như mất cân bằng hơn trong làn sóng toàn cầu hóa…

Dịch giả Khánh Lan hiện sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Độc giả Việt Nam yêu thích văn học Hàn Quốc không xa lạ với những tác phẩm dịch của chị như: Tôi có quyền hủy hoại bản thân (Kim Young Ha, Nhã Nam & NXB Lao Động), Bút chì đỏ (Shin Soo Hyeon, Trí Việt & Nhà xuất bản Tổng Hợp TPHCM), Chàng trai vườn nho (Kim Rang, Nhã Nam & Nhà xuất bản Lao Động)...

Chị vừa chuyển ngữ tác phẩm Con người hỡi ôi (Nhà xuất bản Trẻ) của nhà văn Song Sok Ze. Tác phẩm đã phản ánh những vấn đề của con người đương đại, từ di dân, đến môi trường; những xã hội đô thị hóa và những con người hoài nhớ quá khứ, thế giới dường như mất cân bằng hơn trong làn sóng toàn cầu hóa…

Tác phẩm mới nhất của nhà văn Song Sok Ze
Tác phẩm mới nhất của nhà văn Song Sok Ze vừa được phát hành tại Việt Nam

* Phóng viên: Cơ duyên chị đến với tác phẩm Con người hỡi ôi của Song Sok Ze như thế nào?

- Dịch giả Khánh Lan: Trong một dịp tham khảo danh mục sách văn học nhiều năm trước, tôi đã bị ấn tượng bởi tựa đề quyển sách. Sau đó, tôi sang Hàn Quốc học tập và bắt đầu dịch quyển sách này. Nhờ vào tài trợ dịch thuật từ Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc và Nhà xuất bản Trẻ mà bản dịch quyển Con người hỡi ôi đã đến được với độc giả Việt Nam.

Tác phẩm gây ấn tượng bởi những mảng hiện thực được trào phúng hóa, có đoạn tôi đọc xong bật cười, dịch lại vẫn còn cười và đau đầu vì phải tìm ra lối diễn đạt nét hài hước ấy bằng tiếng Việt, sao cho gần gũi nhất với nguyên tác. Nói một cách dễ hiểu là khi đọc văn Song Sok Ze, chúng ta sẽ nhớ đến giọng văn trào phúng của nhà văn Vũ Trọng Phụng, một cây bút kinh điển của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930-1945.

* Trong tác phẩm này, chị thích nhất truyện nào? Vì sao?

- Mỗi truyện ngắn trong tập truyện này đều có sức hút riêng. Trong số đó, truyện ngắn Con người hỡi ôi gây ấn tượng mạnh mẽ nhất bởi đây là tác phẩm lột tả được nét châm biếm và thủ pháp nghệ thuật của Song Sok Ze. Truyện mô tả một bữa tối trong buổi gặp gỡ đầu tiên của đôi trung niên độc thân, tại một nhà hàng sang trọng. Anh trai này sẽ khiến cho người phụ nữ và độc giả đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác...

Nhà văn Song Sok Ze từng chia sẻ: “Những kỷ niệm cũ thời thơ ấu, mối tình đầu, thời thanh xuân vốn đang nằm lẩn khuất sâu bên trong hàng trăm tỷ tế bào thần kinh. Khi nào ta vẫn còn tìm về được nơi đó thì cuộc sống vẫn còn đáng sống”.

Khám phá tác phẩm của ông, bạn đọc sẽ tự tìm thấy cho mình những điều đáng sống, thú vị.

Dịch giả Khánh Lan
Dịch giả Khánh Lan

* Nhà văn Song Sok Ze có ảnh hưởng như thế nào trong văn học Hàn Quốc đương đại?

- Song Sok Ze là một trong số những nhà văn hiện thực danh tiếng mà bất kỳ ai khi yêu thích, nghiên cứu văn học Hàn Quốc đều phải biết đến. Ông đã sáng tác văn chương trên 20 năm, tác phẩm đầu tiên Nơi đó lũ ngớ ngẩn đang sống, được xuất bản lần đầu vào năm 1994.

Theo nhận xét của nhà phê bình Seo Young Chae, điều đáng chú ý trong khoảng trước và sau khi Song Sok Ze xuất hiện chưa hề tồn tại một lối đả kích nào như trong những câu chuyện cười do ông kể. Suy cho cùng, những bản phác họa đặc trưng mà Song Sok Ze đã đăng đàn giữa thập niên 1990, hơn ai hết đã sớm vẽ nên những biến đổi cảm thụ mang tính thời đại.

* Độc giả đón nhận và dành tình yêu cho tác phẩm của ông như thế nào?

- Độc giả bị cuốn hút bởi những cung bậc cảm xúc mới mẻ khi đọc tác phẩm của ông đúng như nhận định của nhà phê bình văn học Seo Yeong Chae: “Đọc một Song Sok Ze như thế mà không yêu thì quả thật độc giả ấy quá đỗi hoang đường”.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Học theo mô hình quảng bá văn học của Hàn Quốc

Trong nhiều năm, Hàn Quốc đã tổ chức dịch và quảng bá văn học ra nước ngoài, theo chị, những thành tựu mà nền văn học Hàn Quốc thu được từ việc quảng bá văn học là gì?

- Năm 2011, tôi có dịp thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ về số lượng đầu sách dịch Hàn Quốc tại Việt Nam. Khi đó số lượng sách chỉ vài trăm, đa phần là sách nghiên cứu, giảng dạy và một số lĩnh vực tương đối hạn chế. Đến nay, sách Hàn Quốc tại Việt Nam phải tính đến hàng ngàn đầu, lĩnh vực đa dạng vô cùng và đa số là sách được mua bản quyền trực tiếp giữa các nhà xuất bản.

Chỉ với riêng trường hợp của Việt Nam, chúng ta có thể thấy rằng Hàn Quốc đã rất thành công trong việc quảng bá văn học của họ đến bạn bè quốc tế. Hàn Quốc hiện có nhiều quỹ hoạt động, mỗi quỹ sẽ tài trợ theo tiêu chí riêng như tài trợ xuất bản, tài trợ dịch thuật, tài trợ chương trình giao lưu kết nối các nhà xuất bản quốc tế…

Tôi nghĩ Việt Nam bước đầu cần chuẩn bị tốt phần dịch tác phẩm ra tiếng Anh, một ngôn ngữ thông dụng trên toàn thế giới. Sau đó, chúng ta nên tận dụng các chương trình giao lưu quốc tế để mang bản dịch đi quảng bá hình ảnh văn học nước nhà.

Huỳnh Trọng Khang (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI