"Con ngoan đi rồi ba thương"

19/02/2025 - 11:20

PNO - Lúc này, tôi mới hiểu ra tình yêu thương, quan tâm con để ba mẹ có thể cùng con vượt qua giai đoạn ẩm ương của tuổi dậy thì.

1

Càng lớn, con càng hay bắt bẻ câu chữ mỗi khi tôi giảng giải hay nhắc nhở điều gì.(ảnh minh họa-Shutterstock)
Càng lớn, con càng hay bắt bẻ câu chữ mỗi khi tôi giảng giải hay nhắc nhở điều gì (ảnh minh họa - Shutterstock)

Làm ba mẹ, phần đông ai cũng nghĩ mình yêu con vô điều kiện. Muôn đời nước mắt chảy xuôi. Trên đời này, chỉ có tình thương của ba mẹ là không toan tính, không vụ lợi, dù đứa con có thế nào, ba mẹ vẫn bảo bọc, nâng niu. Tôi đã từng tin như thế, cho đến một ngày vấp phải câu hỏi của đứa con trai 12 tuổi.

Bảo, con trai đầu của tôi, năm nay tròn 12 tuổi. Từ nhỏ, Bảo đã khá trái tính trái nết. Nhà có 2 đứa con thì tôi hợp tính với con gái nhỏ hơn, còn đứa con trai lớn này dường như khắc khẩu. Càng lớn, con càng hay bắt bẻ câu chữ mỗi khi tôi giảng giải hay nhắc nhở điều gì. Điều đó khiến tôi phát cáu, thậm chí nổi điên mà không biết làm sao. Càng gần đến mốc dậy thì, mối quan hệ giữa ba và con trai càng căng thẳng. Biết bao nhiêu lần, tôi tự nhủ phải mềm mỏng, ngọt ngào với con hơn, nhưng chưa làm được.

Một lần, Bảo lại không làm bài tập, quần áo vật dụng thì để bừa bộn và 2 cha con lại sa vào tranh cãi. Như nhiều lần khác, thằng bé lại hứa là sẽ sửa đổi để không phải chịu phạt. Tôi không chấp nhận thì con gào lên: “Tại sao ba không tin con? Ba có yêu con không?”. Tôi nghiêm giọng: “Con chứng minh bằng hành động cho ba thấy kết quả thì ba sẽ tin con, sẽ yêu con”. Bảo vặn lại: “Ba nói ba luôn yêu con vô điều kiện, nhưng lần nào ba cũng đòi con phải ngoan, phải nghe lời thì ba mới tin con, yêu con. Ba toàn nói xạo”. Nghe tới đây, tôi chợt phát hiện mình đuối lý.

Nghĩ kỹ lại, tôi thường xuyên bực mình với Bảo, đơn giản vì con ít chịu nghe lời, không như đứa con gái út ngoan ngoãn. Tình yêu con vì thế mà cũng thiên lệch nghiêng về con gái nhiều hơn. Rõ ràng, tôi đã không thực hiện đúng điều mình vẫn nói và vẫn tin, rằng “ba mẹ yêu con vô điều kiện”. Đứa trẻ thông minh, nhạy cảm sẽ nhận ra điều đó. Nó sẽ nghĩ: muốn ba mẹ yêu thì phải nghe lời, phải làm ba mẹ vui, dù có khi nó không muốn. Ba mẹ yêu cái sự dễ bảo, dễ thương, chứ không phải yêu chính bản thân con với tất cả sự ngỗ nghịch, trái tính trái nết của nó. 2 cha con tôi cứ quẩn quanh trong sự tranh cãi: “Con ngoan đi, rồi ba thương” hay là “Ba cứ thương đi, rồi con sẽ ngoan”, cuối cùng không ai chịu ai khiến quan hệ ngày càng xấu.

Kể từ lần đó, tôi thay đổi cách nghĩ. Khi Bảo làm gì sai, tôi không la rầy, không bắt con làm theo ý mình ngay, mà tự nhiên trò chuyện với con, từ từ tìm hiểu coi tại sao thằng nhỏ lại làm như vậy. Thấy ba vẫn quan tâm, yêu thương, dù mình chưa ngoan, Bảo đã thân thiết với tôi hơn và dần dần 2 cha con đã có thể nói với nhau nhiều hơn. Lúc này, tôi thực sự hiểu ra tình yêu thương, quan tâm con vô điều kiện có tác dụng níu gần khoảng cách, để ba mẹ có thể cùng con vượt qua giai đoạn ẩm ương của tuổi dậy thì.

Lê Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI