Cơn nghiện ngọt ngào

08/04/2023 - 06:20

PNO - “Nghiện gì còn cố gắng mà cai, chứ nghiện này là ngày càng nặng và cũng không bao giờ muốn cai nữa”.

“Trẻ nuôi con, già chăm cháu”, nói là nói vậy chứ không phải cụ ông, cụ bà nào cũng đủ sức lực, hiểu biết để chăm cháu, chơi với cháu thật đúng cách. Đôi khi chính vì khoảng cách thế hệ, khác tư duy nuôi trẻ, mối quan hệ gia đình thiếu sự cân bằng, hòa hợp đã khiến những bậc ông bà giữ khoảng cách với những đứa cháu nhỏ.

Tuy nhiên, một khi những rào cản đó được tháo gỡ thì hầu như bất cứ người ông, người bà nào cũng trở về sống thật với chính mình, ai ai cũng nghiện cháu.

Kết hôn năm 1984, ông Nguyễn Văn Tiến và bà Nguyễn Huyền Linh (TP Đà Nẵng) sinh được 3 người con gồm 2 gái đầu, 1 trai sau. Tháng 11/2022, đại gia đình vỡ òa hạnh phúc khi cậu út cùng vợ ở Nhật đón chào con trai đầu lòng nặng 3,2kg, khóc to và… nhiều tóc. Tên ở nhà của bé là Hare.

Mỗi ngày ông Tiến đều dành rất nhiều thời gian để chơi với cháu nội Hare ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Mỗi ngày ông Tiến đều dành rất nhiều thời gian để chơi với cháu nội Hare - Ảnh: NVCC

Kể từ khi Hare ra đời, đêm nào, ông Tiến và bà Linh cũng sắp xếp ăn cơm tối thật sớm, chờ đợi đến giờ được nối máy để trông thấy mặt đứa cháu nội cưng yêu. Đôi mắt nai trong veo ngơ ngác, những chúm tóc mềm mượt vàng nâu, vành môi xinh khóc cười chúm chím… là những chất gây nghiện khiến ông bà ngày nào cũng nhớ, cũng mong. Thế rồi, cuối tháng 2/2023, ông bà sắp xếp thời gian, công việc lên máy bay sang Nhật, đi về phía yêu thương.

Mỗi ngày trôi qua, trong ngôi nhà nhỏ tại thành phố Kawagoe, bà dành thời gian phụ con dâu làm bữa sáng, chăm chút nhà cửa, chơi với cháu. Riêng ông Tiến thì cứ như “con nghiện” thật sự. Lúc Hare thức, ông hôn hít, chuyện trò. Lúc Hare ngủ, ông ngồi bên cạnh chờ… cháu dậy để chơi.

Bạn bè thấy ông bà mỗi ngày đều đặn đăng ảnh chơi với cháu lên Facebook cùng những nội dung ngập tràn yêu thương nên trêu: “Coi chừng nghiện cháu quá rồi không muốn về nước nữa cũng nên”. Bà trả lời: “Nghiện gì còn cố gắng mà cai, chứ nghiện này là ngày càng nặng và cũng không bao giờ muốn cai nữa”.

Người già, trẻ con chơi với nhau, tiếng cười nói, bi bô vỡ òa như một thước phim về tình cảm gia đình ngập tràn yêu thương, trìu mến. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những ngôi nhà có đầy đủ ông bà và cháu nhỏ mà các thế hệ lại xa cách, chọn lui vào một cõi tách biệt thiếu thốn, cô đơn.

Đó là khi ông bà vì tuổi cao sức yếu, muốn chơi với cháu nhưng đành lực bất tòng tâm. Đó là khi đâu đó, có những người ông, người bà vì mê ti vi, điện thoại hơn những giây phút được tương tác, trả lời những câu hỏi ngô nghê. Đó là những lần, người con trong gia đình không muốn con mình đến gần ông bà vì cho rằng ông bà có cách nói chuyện, cư xử chưa khoa học, hợp ý. 

Thanh Thúy - bạn tôi - mỗi lần gặp lại không ngừng than thở về mẹ chồng. Cô không trách bà không dành thời gian phụ cô chăm cháu, nhưng cô buồn vì cảm nhận mẹ không đủ ấm áp, yêu thương. Thúy kể, năm nay bà 65 tuổi, có nhiều thời gian vì đã nghỉ hưu, sức khỏe còn rất tốt. Nhà ông bà rất gần nhà vợ chồng Thúy. “Tự mẹ có thể đi chợ, nấu ăn, chạy xe máy đường dài, tham gia hầu hết những cuộc vui mà bạn bè, khu phố tổ chức. Thế nhưng, từ ngày vợ chồng mình sinh con, bà chưa một lần sang nhà phụ con dâu chăm sóc, thể hiện tình yêu thương, kết nối với các cháu. 2 đứa nhà mình vì thế mỗi lần gặp  bà cũng rất hời hợt, thờ ơ” - Thúy buồn bã.

Tôi nói với Thúy, có thể sâu xa vì một lý do nào đó về tâm sinh lý tuổi xế chiều hoặc do môi trường, điều kiện sống vất vả, khó khăn trong quá khứ dẫn tới hành động của bà hiện tại. Tôi khuyên bạn nên dành thời gian để tìm hiểu, khắc phục bởi trong cuộc sống này, nếu có những người già luôn bao dung, mở lòng, vô tư, thích hòa mình bầu bạn cùng cháu con thì cũng có những cụ ông, cụ bà vô tình trở nên khó ăn, khó ở, khó chịu, rất cần được con cháu thấu hiểu, cảm thông.

Trẻ con là những thiên thần. Đôi mắt to tròn, má hồng phúng phính, miệng nói bi bô, người thơm mùi sữa, chỉ cần thấy bóng dáng ông bà từ xa đã lập cập dang tay đòi bế, thì ai mà chẳng nghiện, chẳng yêu.

Mọi khúc mắc, rào cản trong gia đình từng được dựng lên, nhưng nếu đủ yêu thương và quyết tâm thì sẽ luôn có cách tháo gỡ và cần được tháo gỡ. Bức tranh về gia đình luôn là bức tranh đẹp nhất. Ông bà nghiện cháu rõ ràng là một cơn nghiện rất sung sướng, ngọt ngào. 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI