PNO - Càng lúc càng xuất hiện nhiều bạo lực ngay tại tiệm net. Có ông bố đã đánh con, đập phá tiệm net. Có ông bố đánh con và đã bị con đánh trả tơi tả.
Con cái nghiện game đang là chuyện khá nan giải và là chủ đề bàn tán, than thở của các phụ huynh nhất là trong dịp hè. Một ông bố đã đập nát hàng loạt máy tính tiệm net ở một quán Internet ở phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) vì con trai trốn học và ông tìm thấy con đang ngồi ở quán net. Sau đó, người cha đã kéo con ra khỏi quán đánh tới tấp và bắt về nhà.
Chưa hết, ông bố nóng tính này đã tuyên bố: "Từ ngày mai, thằng nào để cho nó chơi thì tao xóa sổ game này luôn" hay "Hết bao nhiêu tiền tao trả... Đầu độc con tao à!".
Ông bố đi tìm thì thấy con đang ngồi ở quán net đã kéo con ra khỏi quán đánh tới tấp và bắt về nhà.
Cũng trên mạng, càng lúc càng xuất hiện nhiều bạo lực ngay tại tiệm net. Một ông bố cũng đã đánh con 'liên hoàn'; có ông bố đã bị con đánh trả tơi tả.
Nhiều cư dân mạng và các phụ huynh đều cho rằng, hành vi của các ông bố trên là không đúng. Bạo lực xuất phát từ bất lực của các bậc làm cha mẹ.
Ông bố đập đồ 'dằn mặt' các nhân viên tiệm net vì đã cho con trai chơi game.
Trước câu chuyện gia đình nhức nhối này, PV báo điện tử Phụ nữ đã có cuộc trò chuyện với những phụ huynh trước hoàn cảnh khi con nghiện game.
Chọn game giá trị cho con, và cùng chơi với con
Đây là giải pháp của anh Nguyễn Duy Tuấn, 42 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội. Anh Tuấn hiện có con trai 11 tuổi rất hiếu động và cũng rất thích chơi game.
Theo anh Tuấn, từ trước tới nay, trong tư duy của không ít phụ huynh cho rằng, việc chơi game của con cái họ đều là một hành động tốn thời gian và vô bổ. Bản thân anh đã nghe rất nhiều bạn bè có con mê chơi game phàn nàn rằng, không hiểu sao các con suốt ngày chẳng chịu học hành gì, cứ cắm đầu vào ba cái trò chơi bạo lực vô bổ như thế. Họ tìm mọi cách cấm đoán, chửi mắng con khi thấy con quá ham hố chơi game.
Tuy nhiên, theo phụ huynh này, trò chơi điện tử đôi khi còn có thể đem lại những giá trị hữu ích hơn cả một số chương trình truyền hình. Thực tế, có không ít game với mục đích giáo dục cho trẻ nhỏ và cho trẻ những trải nghiệm vừa học vừa chơi khá thú vị. Chúng giúp cải thiện những kỹ năng mà bình thường có thể phụ huynh phải ném cả đống tiền cho con theo học các chương trình kỹ năng mềm rồi mà chẳng thể đạt được kết quả như mong đợi.
“Tôi luôn nghĩ như thế nhưng tất nhiên vì con còn nhỏ nên khi cho trẻ em chơi game, phụ huynh phải kiểm soát việc chơi game của các bé. Phụ huynh còn phải chơi game cùng bé. Nếu không kiểm soát được bé chơi game thì phải cấm con được chơi game cho đến tuổi trưởng thành”, anh Tuấn nhận định.
Bé Nguyễn Hoàng Việt - con trai của anh Tuấn cũng rất thích chơi game nhưng luôn có bố theo sát.
Cũng theo ông bố này, phụ huynh phải kiểm soát hay chơi game cùng con vì như vậy phụ huynh sẽ là người giám sát bé trong lúc chơi game như: ngồi đúng tư thế hay không vì nếu ngồi không đúng thì sẽ ảnh hưởng đến xương khớp sau này; chơi game nhiều hay ít vì chơi quá nhiều sẽ không tốt cho bé, bé có thể bị cận thị sớm, mệt mỏi, không có thời gian cho các hoạt động thể thao, thể chất, vui chơi cùng bạn bè đồng lứa; bé đang chơi game gì bởi không nên cho bé chơi những game không hợp với độ tuổi do dễ gây nghiện, bạo lực, sex, có tính chất cá cược cờ bạc...
“Tôi thường tải các game của các nhà phân phối như Bigfish, Gamehouse, Popcap rất hợp với lứa tuổi nhỏ của các con. Và ngoài giờ học, vui chơi, tôi vẫn cho con chơi game 30 phút hoặc 1 tiếng. Tôi chỉ cấm tuyệt đối con chơi những game không hợp với độ tuổi vì như vậy sợ con sẽ bị nhiễm game gian lận, chửi tục, nghiện nặng”, anh Tuấn nói.
Hãy kiên nhẫn và chịu khó giải thích cho con hiểu
Đây là cách của chị Nguyễn Thu Hương, 38 tuổi và là bà mẹ của 2 cậu con trai sinh đôi năm nay đều 11 tuổi.
Theo bà mẹ trẻ này, hiện nay các phụ huynh không thể không cho con hay cấm con chơi game được vì bọn trẻ sẽ tìm đủ mọi cách để chơi. Chưa kể, bố mẹ bận đi làm nên dù có theo sát con đến mấy cũng không thể kiểm soát được con 100%. Vì thế, các phụ huynh nên áp dụng chiến dịch mưa dầm thấm lâu, chịu khó mày mò với con, giải thích và giáo dục con từ từ.
Chị Hương cũng cho biết, 2 con trai chị ngoài các hoạt động ngoại khóa cũng rất thích chơi game. Ở nhà, chị cấm các con chơi game.
Chị Nguyễn Thu Hương luôn giải thích cho 2 con trai nhỏ hiểu tác hại của game
Nhưng mỗi khi đi sang nhà bạn, con lại cắm đầu vào chơi. Từ ngày phát hiện ra điều này, chị Hương không cấm đoán con nữa mà yêu cầu chồng chị chơi game với con.
“Bố của con cứ vừa chơi game với con vừa giải thích từ từ cho con hiểu rằng, ngày trước vì chơi nên mắt bố bị cận và suýt bị ở lại lớp vì học dốt và đưa ra nhiều hậu quả khác. Có lần mình còn thấy chồng dẫn con ra cả quán net để cho con quan sát nữa. Sau 1 thời gian chơi game với bố, con không trốn sang nhà bạn chơi game nữa mà đã tự giác chơi trong thời gian quy định”, chị Hương kể lại.
Theo chị Hương, bà mẹ này chỉ nghĩ đơn giản rằng, trẻ con thời nào cũng như nhau. Càng cấm đoán thì càng chơi. Và tất nhiên, trò nào vui hơn con sẽ chọn. Vì thế nếu không muốn trẻ chơi thì bố mẹ phải đầu tư thời gian để đem đến cho con niềm vui từ những lời động viên, những hoạt động gia đình, bè bạn, hay ngoại khóa ngoài trời hấp dẫn hơn. Nếu không, trẻ sẽ rất dễ dàng lựa chọn giữa việc bị mắng mỏ, hoặc cô đơn với việc giải trí, hoặc kết nối và thỏa chí trong game.
Bên cạnh đó, phụ huynh phải chịu khó theo sát, giải thích cho con hiểu dần lợi ích cũng như tác hại của game và cách chơi game sao cho đúng đắn.
Cố gắng hướng con tới các trò chơi khác trong nhà thay vì xem tivi hay chơi game nhiều quá
Anh Thủy, 38 tuổi ở Thanh Liệt, Hà Nội, có con trai lên 10 tuổi. Mỗi khi vợ chồng anh đi làm, con trai anh Thủy nếu không đi học thì cũng chủ yếu chơi ở trong nhà với ông bà dịp hè này. Một tuần bé chỉ được ra ngoài chơi vào chiều thứ 7 và ngày chủ nhật.
Anh Thủy luôn hướng con chơi các trò chơi vận động trong nhà hoặc ngoại khóa.
Tuy nhiên, thay vì để con trai xem tivi hay chơi gam nhiều quá, vợ chồng anh và ông bà luôn cố gắng hướng cho con chơi các trò chơi trong nhà khác. Chẳng hạn như làm đồ chơi bằng cách xếp giấy hình nổi, cắt dán hình, lắp ráp các mảnh, làm đồ chơi bằng các vật dụng xung quanh hay chơi các trò chơi vận động, trò chơi trí não, đọc sách khám phá…
Bên cạnh đó, tuần 3 buổi, ông bà sẽ dẫn con đi học các hoạt động ngoại khóa khác như học ngoại ngữ, đàn, võ hoặc học bơi.
Nhiều lúc, anh Thủy cũng cho con ngồi chơi game nhưng anh cũng chỉ cho con chơi game giáo dục phù hợp với lứa tuổi.
Tình yêu của chồng đã sưởi ấm trái tim tưởng chừng nguội lạnh của chị. Chị viết: “Tôi nhìn mọi thứ trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn sau những chuyến đi...".