Con nghe nhạc nhảm, mẹ chịu khó lèo lái

12/07/2017 - 16:34

PNO - Mẹ không cấm, không áp đặt, chỉ giải trí cùng con, bình luận cái hay cái dở với con. Mẹ vẫn “vui chơi hài nhảm” y như con, rồi thỉnh thoảng gợi ý những tác phẩm theo mẹ là hay và ý nghĩa.

Nhà có con trai vào tuổi teen nên mẹ được cập nhật bao nhiêu xu hướng giải trí “trẻ trâu”. Mẹ không ngờ có ngày mình lại nghe Sơn Tùng, Soobin Hoàng Sơn lắc lư lên đồng với Alan Walker một cách... nhập tâm thế này.

Con nghe nhac nham, me chiu kho leo lai
 

Nhớ hồi đầu nghe con nghêu ngao: “Em của ngày hôm qua, ú u...” mẹ thầm nghĩ “con nít biết cái gì mà em út qua đồ”, nhưng mẹ không buông những lời đó, vì biết nói ra là xung khắc, mâu thuẫn xuất hiện. Mẹ hỏi xa hỏi gần: “Con có hiểu con hát gì không? Sao con không hát những bài trường dạy?”. Con trả lời: “Mẹ nghĩ sao mà lớp 4 rồi còn hát Chú voi con ở Bản Đôn”. Hóa ra con lớn rồi, biết để ý bạn gái rồi, những bài con không thấy đồng cảm thì không thể “nạp”. 

Không còn cách nào khác, mẹ chủ động mở nghe những bài hát đang “nổi như cồn” của tụi “chíp hôi”. Tụi mình là bạn, lâu lâu mẹ bổ sung một hai bài tre trẻ mà mẹ thấy hay và ý nghĩa, con thì cập nhật liên tục những bài hit: Faded, Lạc trôi, Cô gái tháng Tư, Có em chờ, Nơi này có em, Phía sau một cô gái... Có hôm cao hứng, mình cùng nhau hát nhép trên phần mềm Muvik. Nhờ chơi với con, mẹ mới biết diễn đàn hát nhép này. Lên đây mới thấy bọn trẻ làm trò khùng điên dễ sợ và cũng sáng tạo vô cùng. Xàm nhảm hay sáng tạo tùy vào góc nhìn của mỗi người, riêng mẹ của con thì thấy vui.

Hè này, mẹ giật mình thấy con vừa nhảy nhót vừa luôn miệng: “Quằng tào cài boòng, quăng tao cái boong”, rồi cái gì mà “phê cho quên hết đường về nhà”... Mẹ phát hoảng, muốn lập tức cấm con hát bậy bạ, nhưng mẹ chợt “thắng lại”: mình cấm được ở nhà, chứ ra đường hoặc những lúc không có mình thì sao? 

Mẹ hỏi: “Con biết cái boong là gì không? Con có biết cỏ là chất kích thích không?”. Mẹ choáng toàn tập khi con trả lời tỉnh bơ là con biết hết, con lên mạng tìm hiểu rồi. Mẹ hỏi tiếp, con biết bài hát viết về cái gì, sao con vẫn hát? Con thích gì ở bài đó? Con nói: “Con thấy giai điệu nó vui, mà MV cũng vui nữa”.

Thỉnh thoảng, mẹ thấy người ta lo âu trước một thế hệ giải trí bằng truyện ngôn tình, xem phim Hàn Quốc, nghe nhạc Sơn Tùng mà không đọc triết học và nghe Trịnh Công Sơn. Vài người bạn của mẹ hoảng sợ khi con cái không xem-nghe-đọc đúng lứa tuổi. Mẹ thì khác, mẹ không lo lắng khi con tiếp xúc với những thứ văn hóa phẩm thiếu thẩm mỹ, bởi mẹ tin rồi con sẽ sàng lọc.

Bài hát giải trí thì nghêu ngao theo phong trào cho vui, năm bữa nửa tháng sẽ qua thôi. Thời của mẹ, đứa trẻ nào không nghe các ca sĩ Đan Trường, Phương Thanh, Cẩm Ly... Khi ấy người lớn cũng phản đối, chê dở ầm ầm, nhưng thế hệ của mẹ vẫn trưởng thành và vẫn có những gu thưởng thức thẩm mỹ đó thôi. 

Mẹ không cấm, không áp đặt, chỉ giải trí cùng con, bình luận cái hay cái dở với con. Mẹ vẫn “vui chơi hài nhảm” y như con, rồi thỉnh thoảng gợi ý những tác phẩm theo mẹ là hay và ý nghĩa, để mẹ con ta thưởng thức. Đó là một cách lèo lái “mỏng nhẹ” thôi, nhưng mẹ thấy hiệu quả. 

Nguyệt Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI