Ngày anh chị cưới nhau còn ở trong phòng trọ 16 mét vuông, căn nhà chủ cho thuê chuyên nghiệp, bao nhiêu người đến rồi đi như một xã hội tạp nham tạm bợ thu nhỏ. Vác cái bụng bầu bốn tháng, người mẹ trẻ là chị khi ấy chỉ mong có mái nhà của mình, nhỏ xíu cũng được, để sinh con và nuôi con mà không sợ chủ trọ dọa đuổi ra khỏi nhà.
20 năm sau, con trai, con gái đã lớn, vợ chồng cũng có được căn nhà nho nhỏ trong một hẻm phố bình yên. Ước mơ của chị đã được thỏa mãn, có phần còn nhiều hơn cả hồi trẻ. Anh chị đều biết ơn cuộc đời. Không mong muốn gì hơn, nên cả hai cũng không cố gắng bon chen, chỉ mong các con học hành nên người.
Con trai, con gái có phòng riêng, nhỏ thôi nhưng cũng là phòng riêng. Tốt nghiệp đại học, con trai trình bày với cha mẹ nguyện vọng: muốn dọn ra ngoài thuê nhà. Chị sốc, hỏi con sao nhà mình không ở lại đi thuê? Anh thì bảo lớn rồi tùy con quyết định, cha mẹ tôn trọng, có điều đi làm lương có đủ thuê nhà không?
Cậu cả tính toán rành rẽ đâu ra đó. Xem chừng cái ý thuê nhà ở đã được cậu suy nghĩ từ lâu, có lên kế hoạch, không dễ gì thay đổi. Vậy là cánh đại bàng non rời tổ bay đi.
Mãi hơn một năm sau, con trai chuyển nhà đến lần thứ tư, chị mới tới được chỗ con ở. Mấy lần trước, cứ hễ mẹ hẹn đến nhà là cậu thông báo sắp chuyển nhà, thôi mẹ tới làm chi, chuyển qua chỗ mới rồi tới. Căn hộ ba phòng được thuê chung, ba cậu con trai chia nhau tiền nhà, con có một phòng chưa tới chục mét vuông.
Hôm chị đến thăm, hai phòng ngủ còn lại đóng cửa. Nói chuyện với con một lúc, một phòng hé cửa, một đôi nắm tay nhau đi ra. Ngang qua chị, cô bé còn chào rất lễ phép. Con trai chị bảo: “Bạn gái của bạn con”.
|
Có những điều không bắt đầu bằng tâm thế thử được… - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock |
Đó là một đôi sống thử. Sau đó chị biết vậy. Chị cũng biết rằng cái hình dung về sống thử của mình đã cách xa sự thật đến mấy chục năm. Bọn trẻ bây giờ không cần “thử” theo kiểu góp gạo nấu cơm chung, chia nhau trả tiền nhà, bạn gái đi chợ, nấu ăn, giặt giũ đồ đạc cho bạn trai như cái thời chị vẫn thấy các đôi sinh viên sống thử ở làng đại học.
Con trai kể chuyện với chị: “Thử” bây giờ bình đẳng hơn. “Thử” trải nghiệm tình dục là điều quan trọng nhất, tất nhiên rồi, nhưng không cần phải ở chung nhà, tức cũng có nghĩa là không ràng buộc, người này không quản lý người kia, cả bạn trai hay bạn gái đều có quyền thử, không thích thì dừng lại. Nói vậy, đâu chỉ con gái mới bị thử, mẹ đồng ý không, con trai cũng có thể bị con gái thử chứ! Bạn bè con nói bây giờ “tìm hiểu online, thử offline”, chứ nếu không lầm chết. Đi mua đồ cũng vậy, thử offline, rồi lên mạng mua hàng online giá cả tốt hơn. Mà mẹ thấy không, giờ đặt hàng rồi, trả tiền rồi, giao hàng về mở ra thấy không thích, không như mình muốn, người ta còn cho đổi trả trong thời hạn mà. Thương mại điện tử, đời sống tiến bộ, chuyện “thử” cũng phổ biến và tiến bộ hơn, không nhếch nhác tèm nhem như mẹ nghĩ đâu".
Bởi vậy, người trẻ nào chẳng thích thử. Thử thuê nhà sống độc lập, thử khởi nghiệp làm ăn buôn bán, thử tán tỉnh bạn gái bạn trai, và thử sống. Chị không thể ngăn được cái xu hướng “thử” của con, bởi mình đâu có đi theo nó tò tò, biết khi nào nó thử mà nhào vô ngăn lại. Đồng ý thôi, thử cũng là một quyền. Quyền được thử. Online và offline.
Chị đi với con đến một shop trang phục nam. Trên chiếc giá, những quần áo để thử size được treo thành hàng. Cửa hàng yêu cầu khách thử size bằng các áo đã trưng mẫu, rồi chọn lấy sản phẩm cho mình còn nguyên trong bao bì. Dù chỉ xỏ tay vào rồi tháo ra, những chiếc áo thử trông vẫn bị nhàu, bị cũ. Chắc chắn chúng sẽ chịu số phận “áo thử” đến lúc nào đó rồi trở thành hàng giảm giá, hạng hai. Chị hỏi con có muốn mình trở thành “hàng thử” không?
Thanh xuân như chớp mắt, nào phải vô hạn xài hoài không hết mà cứ đem mình ra làm vật thử cho những ải những ai… Nhưng bảo con đừng thử cũng là việc khó. Thôi thì, hãy chọn những thứ “thử” là những thứ ở bên ngoài mình, con nhé.
Con cứ thử khởi nghiệp, thua lỗ xét cho cùng cũng chỉ tốn một khoản tiền. Con cứ thử thuê nhà, trải nghiệm tự do của mình. Có thất bại chắc cũng chỉ là đụng độ với bạn chung nhà, mất đồ, trả tiền nhà hết sạch tháng lương…
Con cứ thử dấn thân vào công việc, vào những thay đổi khác, cha mẹ, gia đình đứng sau con, sẵn sàng cho những lần sai, cho những thất bại - miễn sao những thất bại ấy không mang hình hài con người, không biến thể xác và tâm hồn ai đó, cuộc đời ai đó thành “hàng thử”.
Chị nói với con đừng cho phép ai cư xử với mình như chiếc áo thử size ấy. Có những điều không thể bắt đầu với tâm thế “thử” được, tình yêu là một trong những điều đó. Yêu ai hãy yêu thật lòng, đừng thử yêu. Bởi kết quả của những lần thử sống, thử yêu ấy tàn phá mình nhiều hơn là mang lại những kinh nghiệm nào đó.
Hoàng Phương