Xin chăm sóc con chồng
Năm 1989, tốt nghiệp phổ thông, bà Duyên không thi đại học vì gia đình khó khăn. Từ miền Trung, bà theo người chị đến Bảo Lộc, xin vào làm việc tại một công ty dâu tằm tơ.
Với gương mặt ưa nhìn, bà Duyên có nhiều nam đồng nghiệp theo đuổi. Gặp ai, bà cũng lắc đầu từ chối… vì tâm lý sợ lấy chồng. “Thời còn ở quê, nhìn các cô các dì lập gia đình, bị chồng đánh đập như cơm bữa, nên tôi đâm ra sợ, không dám yêu chứ nói chi đến việc kết hôn” - bà Duyên kể.
Thế nhưng định mệnh khiến bà lọt vào mắt xanh của một đồng nghiệp. Ông hơn bà 17 tuổi, đã hai đời vợ. Mặc thái độ dửng dưng của bà Duyên, “ông chú” vẫn miệt mài tán tỉnh và kiên trì tới lui suốt hai năm trời. Bà Duyên dần mủi lòng và gật đầu lấy người đàn ông này, dù mọi người xung quanh ngăn cản.
|
Anh Nguyễn Đình Chiến (bên trái) và đứa em trai cùng cha khác mẹ, ai cũng tưởng là anh em ruột |
Ngày cưới, chồng không có tiền, bà dốc hết khoản tiết kiệm để nấu vài bàn tiệc đãi đồng nghiệp trong công ty.
Thương chồng đang phải gánh món nợ lớn từ người vợ cũ, bà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Không nhẫn cưới, không váy cô dâu, bà mặc chiếc áo dài cũ mượn của người bạn trong ngày đãi khách.
Ngoài công việc ở công ty, bà Duyên nhận thêm đan nứa, trồng trà. Mỗi cuối tuần, vợ chồng bà lại về thành phố chở từng can thuốc tẩy mang lên Bảo Lộc bán. Đứa con đầu lòng ra đời năm 1992, vợ chồng bà chuyển hẳn về TP.HCM sinh sống.
Con vừa đầy tháng, bà Duyên đã quán xuyến hết mọi việc trong nhà và chăm sóc người cha chồng liệt giường do tai biến. Bà Duyên không màng khó khăn, cùng chồng lao vào kiếm tiền bằng đủ nghề: làm tượng, làm nước hoa, hóa chất, may mặc, bán thức ăn… Nhờ sự tháo vát và tố chất thông minh, vợ chồng bà làm đâu thắng đó. Chỉ vài năm mà vợ chồng bà trả được nợ, mua thêm mấy căn nhà và bắt đầu có công ty riêng.
Người vợ đầu của chồng bà Duyên đã mất, đứa con trai riêng của chồng đang ở cùng ông bà ngoại tại Nam Định. Nhiều đêm ôm con ngủ, bà chột dạ khi nghĩ đến chuyện đứa con trai của chồng phải nhịn đói đi chăn trâu, bị điện giật suýt chết. Bà gợi ý chồng mang con vào chăm sóc. Nghe vợ mở lời, chồng bà gạt phăng và bảo: “Tự dưng đòi chuốc khổ’’.
Chồng phản đối, ông bà ngoại của đứa bé ngoài quê cũng từ chối giao cháu cho bà Duyên, vì sợ cháu chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng. Không dễ thuyết phục được ông bà ngoại, bà Duyên chỉ biết đều đặn mua quà, sắm sửa quần áo, tập sách cho con riêng của chồng và gửi về quê mỗi dịp tết hay nhập học.
Mỗi khi có người từ TP.HCM về quê, ông bà lại đánh tiếng hỏi thăm về người vợ sau của con rể. Nghe nhiều người bảo bà Duyên còn trẻ nhưng hiền lành và tử tế, cảm nhận được sự chân thành của bà suốt ba năm, cuối cùng ông bà ngoại cũng đồng ý giao cháu cho vợ chồng bà Duyên.
Đỡ đòn cho con chồng
Mẹ mất sớm, cha không quan tâm, từ nhỏ Nguyễn Đình Chiến đã lầm lũi và bướng bỉnh. Ngày vào TP.HCM, giỏ đồ của cậu bé 13 tuổi chỉ vỏn vẹn hai bộ quần áo rách. Chiếc quần xanh đi học mòn hết cả phần mông, Chiến quay ngược lại để mặc. Hỏi ra mới biết, từ nhỏ đã thiếu ăn, Chiến gầy và nhỏ con nhiều so với tuổi. Quần áo bà Duyên ước chừng để mua, Chiến đều không mặc vừa.
Cuộc sống với người con riêng của chồng không dễ dàng khi lúc nào Chiến cũng tỏ ý chống đối. Bà hướng dẫn con làm gì, con đều làm ngược lại. Bà Duyên xưng với Chiến bằng mẹ, nhẹ nhàng chỉ bảo và chăm sóc. Chiến thì luôn cộc cằn, gắt gỏng và nói trống không. Quần áo bà ủi sẵn, tối Chiến đã mặc vào nhăn nhúm. Mua gì ngon, bà đều dặn con mình đợi anh. Đến khi về nhà, Chiến giành hết chỉ chừa cho em phần thừa. Dù vậy, trong bữa cơm mỗi tối, khi chồng hỏi, bà Duyên đều bảo Chiến ngoan và rất nghe lời.
Bà Duyên dịu dàng với con chồng trong khi chồng bà rất nóng tính. Nhiều lần ông tát Chiến, bà Duyên ôm và đỡ đòn cho con. Chiến ương bướng bao nhiêu, bà chịu khó và nhẫn nhịn bấy nhiêu.
Một ngày, trong bữa cơm trưa chỉ có hai anh em và mẹ, Chiến ngẩng mặt lên nhìn bà: “Bà con ngoài quê dặn con vào đây phải cư xử như thế để không bị dì ghẻ bắt nạt. Sao mẹ không méc ba con?”. Nghe tiếng gọi mẹ của con, bà
Duyên bật khóc. Bà không dám tin có ngày, cậu bé sẽ mở lòng và đón nhận tình thương của một người không máu mủ như mình.
|
Bà Nguyễn Thị Duyên, dù đã ly hôn vẫn được con chồng yêu quý |
24 tuổi, bà Duyên chính thức làm mẹ của hai đứa con trai. Bà chưa bao giờ phân biệt con ruột hay con chồng. Biết Chiến thiệt thòi, người mẹ ấy vẫn hay khuyên con trai mình nhường nhịn anh.
Chồng lo việc làm ăn, hầu như chẳng quan tâm gì đến gia đình, một mình bà Duyên chăm sóc và bảo ban các con.
Chiến tốt nghiệp phổ thông, bà cho con đi học cao đẳng. Con thích học nghề thợ bạc, học điện, học ngoại ngữ, bà đều sẵn sàng đóng tiền học cho con. Thấy con kém giao tiếp, không biết diễn đạt ý kiến, bà tìm hiểu khắp nơi rồi đăng ký lớp cho Chiến học để cải thiện khả năng ăn nói. “Chưa bao giờ mẹ để tôi thiệt thòi’’ - Chiến nói.
Sống cùng mẹ và em, từ một đứa trẻ lầm lì, nhiều tổn thương, Chiến trở nên hoạt bát và hay cười. Thích cô gái nào, Chiến đều về tâm sự và hỏi ý kiến mẹ.
Lấy chồng được 22 năm, cuộc hôn nhân của bà Duyên gãy gánh. Bà cùng con trai dọn ra ở riêng, Chiến xin đi cùng mẹ nhưng ba không đồng ý. Từ đó, mỗi cuối tuần Chiến lại đến ăn cơm với mẹ và em. Điện, nước trong nhà mỗi khi gặp trục trặc, cũng do anh thay, sửa. Ly hôn chồng, nhưng con riêng vẫn quan tâm và kính trọng bà Duyên như mẹ ruột.
“Nếu ngày ấy không có mẹ thì sẽ chẳng có tôi của ngày hôm nay. Gần 20 năm, chưa một lần tôi bị mẹ la mắng nặng lời. Sống cùng với mẹ, tôi được nhận những gì tốt đẹp nhất. Người ta hay mặc định mẹ ghẻ ác cảm với con chồng, mẹ tôi ngược lại. Bánh đúc thì làm gì có xương, nhưng với mẹ tôi thì có đấy!’’ - anh Chiến giãi bày.
Tuệ Minh