Con muốn mình là người Việt “thật là Việt”

24/07/2024 - 06:08

PNO - Hằng năm, chương trình SIT (School for International Training) đưa hàng chục sinh viên Mỹ gốc Việt về nước học tập và ở cùng gia đình người Việt để trải nghiệm cuộc sống, văn hóa Việt Nam. Theo đánh giá của ban tổ chức, ngày càng có nhiều sinh viên Việt kiều Mỹ tham gia chương trình học tập tại Việt Nam và đạt thành tích xuất sắc vì sự nỗ lực, phấn đấu.

Ao ước tổ chức đám cưới tại Việt Nam

Cindy Nguyễn có tên Việt là Nguyễn Xuân Thảo Vy - ở Worcester, Massachusetts, là sinh viên năm thứ ba ngành sinh học. Đến Việt Nam nhiều lần, nhưng Vy vẫn chọn sang học ở Việt Nam trong chương trình trao đổi văn hóa của SIT toàn cầu trong học kỳ này.

Gia đình Vy ở Mỹ có 4 người, gồm ba mẹ và em trai. Mẹ Vy làm việc ở tiệm nail, còn ba làm trong nhà máy cơ khí. Vy luôn tự hào: “Mẹ tôi làm món ăn ngon nhất thế giới. Bún bò Huế của mẹ là món ăn Việt Nam tôi thích nhất. Ba tôi cũng thích nướng bánh. Tôi thích ăn bánh bò ba nướng”.

Sinh viên Mỹ gốc Việt tham dự sự kiện tại TPHCM
Sinh viên Mỹ gốc Việt tham dự sự kiện tại TPHCM

Bạn kể thêm: “Có lần tôi mời bạn người Mỹ đến nhà chơi. Mẹ tôi làm bún chay, chỉ gồm bún ăn với nước tương; nhưng bạn tôi khen ngon và ăn được 2 tô. Vì vậy, tôi muốn học làm món ăn Việt Nam để đãi bạn bè ở Mỹ”. Thuở bé, sống chung với ông bà nội nên Vy được ông bà dạy nói tiếng Việt. Vy cũng học đọc và viết bằng tiếng Việt trong trường đại học nên bạn rất muốn sang Việt Nam để thực tập.

Về nước lần này, Vy cùng các bạn sinh viên Mỹ đến dự triển lãm cưới Bên nhau trọn đời tại khách sạn Rex. Được nhìn mâm quả, lại được nghe nhà thiết kế áo dài mô tả chi tiết về trang phục truyền thống qua các thời đại, Vy rất vui và ao ước được tổ chức lễ cưới tại Việt Nam. Vy quả quyết: “Tôi sẽ may một chiếc áo dài tuyệt vời như thế này để mặc trong ngày cưới”.

Nghe tiếng Việt, thấy mình đang ở nhà

Đây cũng là lần đầu Dương Nhất John - 21 tuổi, ở Houston Texas - đến Việt Nam một mình. Ở Mỹ, Dương Nhất theo học ngành kỹ sư. Dù chương trình lần này dành cho sinh viên ngành y, bạn vẫn tham gia vì “ham vui” và muốn có cơ hội thăm nhiều nơi ở Việt Nam.

Dương Nhất cho biết, ở Mỹ, ba mẹ thường nói tiếng Việt với bạn nhưng bạn hay trả lời bằng tiếng Mỹ cho… nhanh. Tuy nhiên, kỹ năng tiếng Việt của Dương Nhất có thể hiểu được 70% và có thể trả lời những câu cơ bản. Trong tương lai, Dương Nhất còn muốn dạy tiếng Việt cho người nước ngoài nên sẽ cố gắng luyện tập tiếng Việt nhiều hơn. “Tôi thích về Việt Nam vì ở đây rất vui, đồ ăn ngon và rẻ. Sau khi tốt nghiệp, tôi muốn quay về Việt Nam giúp đỡ người nghèo” - Dương Nhất tâm sự.

Cùng tham gia chương trình năm nay có bạn Nguyễn Ngọc Trần Adrienne, đã về thăm Việt Nam 2 lần. Chọn Việt Nam để đi học lần này, Adrienne cho biết muốn nâng cao khả năng tiếng Việt để có thể kết nối sâu sắc với di sản văn hóa dân tộc. “Tôi biết tiếng Việt, nhưng chưa thể tự mình xây dựng những mối quan hệ tại Việt Nam nên muốn trải nghiệm thêm. Dù gia đình không còn người thân nào ở Việt Nam, nhưng ba tôi vẫn khuyến khích con về nước để kết nối với dân tộc” - Adrienne tâm sự.

Adrienne kể thêm là khi còn bé, bạn thường ngồi trên đùi ông để nghe ông kể chuyện cổ tích. Ông còn dạy phát âm và dạy chính tả nữa. “Tôi nghĩ tiếng Việt rất khó, nhất là phân biệt dấu hỏi, ngã khi nói. Thế nhưng tôi vẫn yêu tiếng Việt và ở đâu trên thế giới, hễ nghe tiếng Việt cất lên, tôi cảm thấy như mình đang ở nhà” - Adrienne xúc động nói.

Học tiếng Việt để hiểu mình

Angelica - 21 tuổi, ở Dorchester, Massachusetts - không có tên Việt Nam và cũng chưa từng về Việt Nam. Vì vậy, Angelica chọn chương trình du học này để kết nối với xã hội và văn hóa Việt Nam. Bạn chia sẻ: “Gia đình bên ngoại tôi vẫn còn ở Việt Nam, nhưng tôi chưa bao giờ gặp họ trực tiếp mà chỉ thấy hình trên điện thoại. Lần này đến Việt Nam, khi đến thăm họ hàng, tôi được đón tiếp nồng hậu. Mọi người ôm, nắm tay tôi dù mới lần đầu gặp gỡ. Trải nghiệm đó làm tôi xúc động”.

Cũng như phần đông gia đình Việt ở Mỹ, ở nhà, khi ba mẹ nói chuyện với các con bằng tiếng Việt thì Angelica chỉ biết trả lời bằng tiếng Mỹ. “Tôi không cảm thấy có sự kết nối với gia đình của mình, với văn hóa và truyền thống của Việt Nam nên tôi muốn học tiếng Việt để hiểu sâu sắc hơn nguồn cội. Tiếng Việt hơi khó học, nhưng đó là một ngôn ngữ rất đẹp và giàu tính biểu cảm” - Angelica nói.

Tâm sự thêm, Angelica trải lòng: “Tôi yêu Việt Nam nhiều lắm, vì tôi là người gốc Việt. Tôi tự hào vì Việt Nam là một đất nước mạnh mẽ và kiên cường, có văn hóa và truyền thống thật phong phú. Tôi muốn sống ở Việt Nam thêm mấy năm để trở thành một người “thật là Việt”. Ngoài ra, Angelica cho biết sẽ cố gắng dành thêm thời gian cho người thân ở quê hương.

Xuân Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI