Kính gửi chị Hạnh Dung,
Gia đình em gồm bốn người, vợ chồng và hai con, đều đang đi làm, đi học. Thời gian mọi người ở nhà không nhiều. Khi về đến nhà, ai cũng mệt, chỉ muốn nghỉ ngơi.
Ba mẹ chồng em ở nhà riêng. Khi ba chồng em mất, vì mẹ chồng em đã lớn tuổi nên các anh chị em quyết định bán nhà của ba mẹ, đưa mẹ về sống với con cái. Được một thời gian, thấy mẹ sống với gia đình nào cũng không hợp, cả nhà quyết định đưa mẹ vào viện dưỡng lão.
Chồng em là con lớn nhưng là con vợ trước của ba. Mẹ anh mất sớm, ba anh lập gia đình lần hai, mẹ hiện tại là mẹ kế. Tình cảm của chồng em với mẹ kế không gắn bó lắm nên anh không phản đối việc đưa bà vào viện dưỡng lão. Anh nói bà vẫn có tiền để tự chi trả, điều kiện trong viện cũng tốt.
Mới đây, mẹ con em lên thăm bà. Lúc về, con gái em bảo thấy bà tội quá, cô đơn quá, mới vô hơn tháng mà bà yếu đi rõ, lại bắt đầu quên quên nhớ nhớ, cứ ôm lấy cháu mà nói: “Cho má về nhà”.
Con gái em nói không muốn để bà nội trong đó nữa, rằng: “Ba mẹ nên đưa bà nội về nhà”. Con bé hợp tính bà nội, thương bà từ nhỏ. Em cũng suy nghĩ rất nhiều.
Nhà em ở chung cư chật hẹp, không có điều kiện chăm lo người già. Muốn đưa bà về, phải tìm người giúp việc lo cho bà chuyện ăn uống, tắm giặt, thuốc men…
Bạn bè nói chồng em không bắt buộc thì thôi, sao em phải rước thêm cái khổ. Nhưng em cũng thương bà. Về lý thì con ruột phải nuôi, phải chăm lo mẹ nhưng các em chồng điều kiện khó khăn, gia đình còn lục đục.
Em hỏi ý chồng, anh bảo tùy em quyết; nếu em đưa bà về thì phải lo, anh sẽ không giúp được bao nhiêu. Em khó nghĩ quá.
Tú Anh (TPHCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Em Tú Anh thân mến,
Đầu tiên, có lẽ đây là một niềm vui dù nhỏ nhưng hiếm có: cháu gái thương quý bà nội, muốn đưa bà về nhà để chăm sóc. Mình nên giữ gìn tình cảm ấy, quý lắm em ạ! Cách mình sống với ông bà, cha mẹ hôm nay ảnh hưởng rất lớn đến việc con cái đối đãi với mình ngày sau.
Em nên họp gia đình để các con được nói lên suy nghĩ của mình, để chồng em có thể nghe và trò chuyện với các con. Nếu cả nhà thống nhất đưa bà về sống chung thì cả nhà sẽ cùng chuẩn bị.
Người Việt mình hay nói nhà không chật, chỉ sợ chật tấm lòng. Em sẽ cần thêm người giúp việc để cả nhà dù đi làm, đi học vẫn có người thường xuyên bên cạnh chăm sóc bà.
Điều thuận lợi là bà có tiền tích lũy, có thể trang trải, không phải là gánh nặng kinh tế quá lớn. Khi đã thống nhất đưa bà nội về nhà, em cần trao đổi thêm với các em chồng để đạt được sự đồng thuận chung.
Người già thường muốn sống gần con cháu, tiện nghi vật chất đối với họ chỉ là một phần. Khi bà nội thực sự muốn về nhà, chắc các anh chị em cũng sẽ hiểu.
Trước khi đưa bà về, em cần hỏi viện dưỡng lão để biết thêm tình trạng sức khỏe, cách chăm sóc, những điều cần chuẩn bị để bà được hưởng những ngày yên vui bên con cháu.
Con gái em mong muốn đưa bà về, hãy để con trình bày ý định chăm sóc bà. Em hãy tạo điều kiện để con nhận một phần trách nhiệm và thực hiện. Yêu thương cũng là điều phải học. Phải được sống trong tình yêu thương của gia đình rồi mới có thể biết cách yêu thương người khác. Em đang dạy con bài học về tình yêu thương với bà. Mình có thể vất vả thêm một chút nhưng chắc chắn sẽ được bù đắp bằng những điều lớn lao hơn. Chúc em thành công.
Hạnh Dung
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Thanh Trà (Q.7, TP.HCM): Nếu tình yêu thương đủ lớn…
Chuyện người già thường là vấn đề đối với không ít gia đình thành thị. Nhiều nhà khá giả vẫn không biết làm sao để người già vui sống. Theo tôi, viện dưỡng lão là môi trường tốt vì ở đó người già có bạn bè đồng cảnh, có người chăm sóc sát sao…
Nếu có thể thích nghi, đây sẽ là nơi ổn nhất cho người già thành thị. Mẹ chồng bạn không chịu ở đây, có lẽ vì từ đầu bà đã mang cảm giác bị con cái bỏ rơi, đùn đẩy trách nhiệm. Bây giờ, chuyện ăn, ở của bà trong thời gian tới tùy vào gia đình bạn. Bạn cần tham khảo ý kiến cả nhà để có sự đồng thuận của mọi người. Tuy nhiên, dù có đưa bà về nhà hay không, quan trọng nhất vẫn là tình cảm, sự quan tâm và chăm sóc.
Nếu đưa bà về chỉ để làm con bạn vui mà thiếu sự quan tâm, thăm hỏi… thì liệu có nên? Tôi từng đọc một bài viết có nội dung: “Với người già, nếu cho họ làm điều họ thích, vui niềm vui của họ, đừng ngăn cản, họ sẽ không có cảm giác mình đã già”. Nếu tình yêu thương của bạn dành cho bà đủ lớn, tôi tin rằng bạn biết mình nên làm gì.
Mai Anh (Hội An, Quảng Nam): Nên suy xét thấu đáo
Ngày ba chồng tôi già yếu, vì không có người chăm sóc, thêm một vài trở ngại, chúng tôi đành gửi ba vào viện dưỡng lão. Ông sống ở đó một thời gian, thấy vui hơn. Chúng tôi vẫn tin mình đúng. Ở đó, ba tôi có bạn để trò chuyện mỗi ngày.
Tôi hiểu rằng với quan niệm của người Á Đông, việc đưa người già vào viện dưỡng lão vẫn còn khá xa lạ, chưa kể còn gây điều tiếng. Nhưng suy cho cùng, việc chăm một người già sao cho chu toàn còn khó hơn chăm một đứa trẻ. Chị nên suy xét thấu đáo, đừng vội quyết định chỉ vì ý muốn của con. Chị có đủ thời gian nấu nướng, tắm rửa, trò chuyện… với bà mỗi ngày không? Chị có đủ rộng lòng nếu sau này mẹ già hơn, nằm một chỗ và không thể tự vệ sinh cá nhân?
Chưa kể còn chuyện phòng ốc, ăn uống, thuốc men… Nếu giải quyết ổn thỏa được, chị có thể tự tin đưa bà về. Làm gì cũng nên dựa trên tinh thần trọn vẹn cho cả hai, chị nhé!
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn