'Con muốn kêu lớn đừng có rút ống ra, rút ống ra là con chết nhưng con không làm được'

16/04/2017 - 21:43

PNO - Đó là câu nói của bé gái 10 tuổi bị rắn cắn gần như tử vong đã nói với vị ân nhân của mình khi bé được cứu sống.

Con muốn kêu lớn là đừng có rút ống ra, rút ống ra là con chết nhưng con ráng kêu lắm mà con không kêu được. Con không nói được nên sợ lắm" là câu nói đầy ám ảnh của bé gái 10 tuổi (ngụ Bình Dương), một bệnh nhi mà bác sĩ CKI Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã cứu sống mấy năm trước.

Bác sĩ Phương cho biết: “Gần 20 năm làm nghề, đây là ca cấp cứu để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Tuy tôi không nhớ chính xác thời gian cứu chữa, cũng không thể nhớ bé gái đó tên gì, chỉ biết bé được chuyển từ bệnh viện ở Bình Dương đến. Nhưng khoảnh khắc bé gái hồi sinh là khoảnh khắc tôi không thể nào quên được”.

'Con muon keu lon dung co rut ong ra, rut ong ra la con chet nhung con khong lam duoc'
Bác sĩ Đinh Tấn Phương kể lại câu chuyện cứu bé gái bị rắn cắn. Ca cấp cứu ấn tượng nhất cuộc đời mình

Theo bác sĩ Phương, đó là một buổi trưa nắng gắt, anh có một cuộc gọi từ một bệnh viện của tỉnh Bình Dương, bệnh viện này nói họ đang cấp cứu cho một bé gái khoảng 10 tuổi, bị rắn mai bạc cắn.

Độc tố của rắn khiến bé gái bị nhiễm độc hệ thần kinh, bé đã ngưng thở, đồng tử giãn, người đã bị liệt,… Mặc dù biết tình trạng của bé quá nặng, nhưng bác sĩ Phương vẫn đồng ý tiếp nhận.

Nhìn bé gái được chuyển đến bệnh viện ai cũng lắc đầu, bé như… một cục thịt, liệt toàn thân, đồng tử đã giãn hết, không còn một phản xạ nào, nhưng được các nhân viên y tế liên tục bóp bóng hồi sức nên da dẻ bé vẫn còn hồng hào.

'Con muon keu lon dung co rut ong ra, rut ong ra la con chet nhung con khong lam duoc'
Rắn mai bạc (hay còn được gọi là rắn cạp nia) là loài rắn có độc tố rất mạnh gây liệt hệ thần kinh cho nạn nhân của nó, ảnh Internet

Khi bác sĩ Phương và học trò đến kiểm tra tình trạng của bé, các học trò của bác sĩ Phương đã nói với nhau chắc là phải rút ống thở rồi cho bé về thôi, đồng tử bé giãn hết rồi, tất cả phản xạ đều không có, ca này… thua rồi.

Nghe học trò nói, bác sĩ Phương trả lời rằng: “Các em đâu có chứng minh được bé còn sống hay đã chết mà chưa gì đã muốn cho về. Khi loại rắn này cắn sẽ gây liệt, liệt rất dữ cho nạn nhân nhưng chưa phải là hết. Bây giờ đang có thuốc kháng huyết thanh chống độc, hãy truyền vào cho bé đi”.

Tiếp theo đó, bác sĩ Phương chỉ định truyền tiếp 6 loại huyết thanh để chống độc. 1 tiếng đồng hồ sau khi truyền huyết thanh, bác sĩ Phương đến kiểm tra phản xạ của bé gái.

Tuy bé vẫn nằm im, không một chút biểu hiện gì của sự hồi sinh, nhưng bác sĩ Phương vẫn lay lay ngón chân bé và nói lớn “Con con, con nhúc nhích ngón chân thử cho bác xem nào” rồi hồi hộp đợi. Bé im lặng, bác sĩ Phương vẫn kiên trì chờ đợi. Rồi đột nhiên, ngón chân bé cử động nhẹ.

“Chờ đợi nhiều nhưng khi bé gái có phản ứng, bé cử động chân thì tôi vẫn không thể tin vào mắt mình. Tôi tiếp tục lay ngón chân cái phía bên kia, cũng nói con nhúc nhích thử chân này đi con. Lần này rất nhanh, ngón chân bé lại cử động. Tôi mừng quá, tôi biết bé vẫn còn tri giác, bé vẫn còn sống.”, bác sĩ Phương vẫn còn nguyên cảm giác vui mừng.

'Con muon keu lon dung co rut ong ra, rut ong ra la con chet nhung con khong lam duoc'
Bác sĩ Phương cho biết trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải xem xét thật kỹ, dù là một phản xạ nhỏ nhất của trẻ.

Tuy nhiên, khi bác sĩ Phương kiểm tra lại cho bé thì đồng tử vẫn còn giãn rất nhiều, vận động khác cũng gần như không có. Anh tiếp tục cấp cứu và cho thuốc bé lần nữa.

Anh cần mẫn theo dõi và điều trị liên tục cho bé gái thêm gần một tuần lễ nữa thì bé tỉnh lại. Bé có thể mở mắt, chớp mắt, sau đó các chức năng vận động đã phục hồi trở lại, thêm một thời gian bé cai được máy thở.

Thấy bác sĩ Phương, bé gái liền nói con cám ơn bác sĩ.“Tôi hơi bất ngờ xong vẫn nói với bé là có gì đâu mà con cám ơn, con bệnh, con vô đây thì bác điều trị cho con thôi. Nhưng bé gái trả lời tôi một câu khiến nhớ hoài.

Bé nói con cám ơn bác sĩ vì từ lúc con mới lên đây con biết hết đó, có mấy bác kêu rút cái ống này ra để cho con về, con muốn kêu lớn là đừng có rút ống ra, rút ống ra là con chết nhưng con ráng kêu lắm mà con không kêu được. Con không nói được nên sợ lắm. Cháu nói xong tôi rất xúc động, đây là một ca bệnh ấn tượng nhất trong đời tôi.

'Con muon keu lon dung co rut ong ra, rut ong ra la con chet nhung con khong lam duoc'
Trong bất kỳ trường hợp nào, là một người bác sĩ thì khi điện tim bệnh nhân là một đường thẳng, điện não không còn thì mới được dừng lại

Tôi luôn nói với học trò của tôi rằng trong bất kỳ trường hợp nào, mình là một người bác sĩ, nếu muốn cho bệnh nhân về phải xem xét thật kỹ. Đầu tiên nhất là điện tim phải thẳng, điện não phải không còn thì hãy ký giấy cho họ về.

Có nhiều bệnh nhân được đưa đến bị liệt giống như người chết, không một phản xạ nào, đồng tử giãn ra hết thì cũng đừng vội kết luận người ta chết mà hãy làm hết sức mình. Đến khi tim chết, não chết thì đó mới là lúc để họ về với gia đình”, bác sĩ Phương tâm huyết.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI