Con muốn ăn chi, mẹ nấu cho?

10/02/2024 - 12:04

PNO - Tình yêu dành cho cha, cho mẹ, cho nơi chốn che mưa nắng từ năm tháng thơ dại của mình, một khi không quên, mà vẫn nhớ, vẫn còn gìn giữ, chính là biểu hiện của tình yêu quê nhà đấy thôi.

 1Có một điều hết sức lạ lùng, khi con người ta đến lứa tuổi nào đó, dù đã già khú đế, đã buông bỏ mọi hỉ nộ ái ố, không còn ham hố gì nữa, tức họ đã toại nguyện, đã sống hết sức nhẹ nhàng với chính họ; nhưng rồi, có những lúc rất đỗi tự nhiên, họ lại quay quắt nhớ về ngày tháng cũ. Ngày tháng còn có ba có mẹ, đông đủ anh em trong một nhà. Ngày tháng ấy, có gì khiến họ không quên? Mà lại trở thành “hành trang” quý báu để đem theo đến tận cuối đời? Tất cả hằn vết trong ký ức. Nhớ không nguôi. Một nỗi niềm vời vợi. Ấm áp biết dường nào.

2Có lẽ suốt đời tôi sẽ không quên một buổi chiều hiu hắt nắng, tôi từ Sài Gòn trở về nhà. Ngay lúc ấy, giàn bông giấy từ tầng lầu cao tình cờ rụng xuống vai tôi những cánh hoa bé xíu. Hồng tươi. Mỏng mảnh. Hoa rơi không vô tình. Hoa rơi hữu ý. Chỉ có thế, vậy mà biết bao kỷ niệm của ngày thơ ấu ùa về.

Tôi nhớ nhất vẫn là những lúc vào sáng mùng Một tết, sau khi bày biện xong mâm cỗ ở gian nhà thờ tự bên trong, anh em tôi bước ra sân. Trên tầng cao thoáng đãng, ba tôi trồng những chậu hoa giấy cành biếc sum suê, hoa gắn kết từng chùm rực đỏ son tươi. Lúc ấy, làm ra vẻ như đã lớn, tôi ngước nhìn những bông hoa như một cách cố ý xua đi sự hồi hộp, náo nức đợi chờ giây phút sắp đến: ba mẹ lì xì mừng tuổi.

 

 

Sáng đầu năm mới tươi ngon màu nắng, nhang trầm thơm thoang thoảng trong gió. Anh em tôi diện áo mới toanh, tóc rẽ đường ngôi, có xoa thêm chút dầu dừa cho mướt, cho “điệu”. Ấy cũng là lúc mẹ tôi mặc áo dài lụa gấm, cổ đeo chuỗi ngọc, tay đeo vòng ngọc màu xanh nõn chuối; ba tôi mặc áo veston, đeo cà vạt, nét mặt giãn ra, không nghiêm nghị như mọi ngày. 

Bấy giờ, dưới giàn bông giấy, khi nghe ba mẹ gọi tên, anh em tôi lần lượt bước đến gần để nhận phong bao màu đỏ cùng lời dặn dò. Tự dưng tôi lại thấy buổi sáng ấy mới mẻ, hân hoan xiết bao. Rộn ràng nhất, sung sướng nhất vì còn biết sau lúc lì xì, sẽ là bữa cơm đầu năm rôm rả nói cười, rồi cả nhà cùng dắt díu nhau lên “xông đất” nhà ông bà ngoại. Lên đó, dẫu thế nào, bà ngoại cũng dẫn mẹ tôi cùng các dì, con cháu đi chùa Tỉnh Hội. Tôi nhớ, rất nhớ, vì đơn giản chỉ ngày tết, ngày lễ, tôi mới mặc áo dài. Tôi có cảm tình với chiếc áo dài còn vì lý do như vậy.

Chính vì nhớ đến ngày tháng thần tiên ấy, những lúc đã đi xa trên chặng đường dài của đời người, tóc đã bạc, râu đã mọc, người ta bao giờ cũng mong muốn tìm về. Dù không thể tìm thấy được dấu vết ngày xưa, nhưng trong lòng tôi vẫn được an ủi nhiều lắm, lúc đặt chân về lại chốn cũ. 

Hàng đứng, từ trái: Nhà thơ Lê Minh Quốc cùng anh chị em trong nhà cùng ba mẹ trong ngày mùng Một tết (ảnh chụp vào thập niên 1970 tại Đà Nẵng)
Hàng đứng, từ trái: Nhà thơ Lê Minh Quốc cùng anh chị em trong nhà cùng ba mẹ trong ngày mùng Một tết (ảnh chụp vào thập niên 1970 tại Đà Nẵng)

3Khi đi đứng trong nhà, dù đã thay đổi, nhưng rồi từ tiềm thức, người ta vẫn nhìn thấy và nhận ra:

Nền nhà còn đó dấu chân

Tường nhà vọng tiếng tình thân của đời

Thấy từ nỗi nhớ. Nghe từ lòng mình. Là lúc quá khứ đã đan xen vào hiện tại, bện vào nhau. Chỉ mình mới nhận ra từ trong thể xác đã từng trải gió sương, đã phong trần, già dặn lại có hình bóng của đứa trẻ đang vô tư nói cười, nhảy nhót. Tôi vẫn nhớ như in, nhớ rõ nét nhất lúc còn trẻ nít, mỗi tối nằm ngủ chung trên gường, anh em đòi được nằm sát mẹ. Chỉ có thế mà tranh giành, cãi nhau ngậu xị. Khi mẹ quay mặt qua đứa này, đứa kia ứ chịu: “Mẹ quay mặt về bên con”. Rồi có lúc nửa đêm, tỉnh giấc, tôi thấy mẹ se sẽ ngồi dậy cầm lấy chiếc quạt giấy phe phẩy cho các con đang say giấc; hoặc ém mùng thật kỹ, chăm chú đập muỗi đang bay vo ve trong mùng. 

Hỡi ôi, bây giờ làm sao có thể thấy hình ảnh ấy lần nữa trong đời?

Mai này, trên đường dài xa tít, khi nhớ lại con người ta bao giờ cũng xốn xang. Vì lẽ đó, dù lúc đã “râu ria ra rậm rạp”, nhưng những dịp xa nhà nhiều ngày, quay trở về là tôi lại tót lên nằm trên chiếc giường của mẹ. Một giấc ngủ an lành như thời còn bé dại chăng? Không đó là lúc người ta lại tự vấn lấy chính mình, để rồi thấu cảm, bàng hoàng về dòng chảy bất tận của thời gian:

Bất chợt ta nhìn hai hố mắt mẹ sâu

Đã thấy sự lo toan, buồn phiền, mệt mỏi

Mẹ chỉ âm thầm và suốt đời lặng lẽ

Gương mặt đăm chiêu ngay thảnh thơi nằm

Thời gian qua nhanh. Mình đã lớn. Mẹ đã già. Thậm chí, khi nhìn tường nhà đã xây mới, màu vôi đã khác, tất cả đều mới nhưng rồi mình vẫn cảm nhận:

Vào phòng chào bức tường quen

Bàn tay tôi vịn nám đen đến giờ

Cúi đầu chào những giấc mơ

Tôi về nhà cũ không ngờ gặp tôi

Là lúc ấy, trong óc đã hiện lên nhiều hình ảnh, nhưng rõ nét nhất vẫn là nhớ về bữa cơm sum họp gia đình. Ai đó đã bảo rằng, đàn ông Việt Nam có tính gia trưởng, tôi không cãi. Bằng chứng là trong bữa cơm mỗi ngày, bao giờ ba tôi cũng ngồi riêng một mâm, chỉ đứa con nào ngoan nhất nhà mới được ông cho ngồi chung. Phía gian nhà dưới thì mẹ con quây quần cùng nhau, bao giờ em út tôi cũng xí phần ngồi gần mẹ nhất, vì biết mẹ sẽ gắp thêm nhiều thức ăn bỏ vào chén của mình. Những chuyện này, chẳng là gì cả, có gì phải nhớ? Nghĩ như thế là nhầm “đứt đuôi con nòng nọc”, vì đó chính là biểu hiện của tình yêu thương mà con người ta mỗi lần nhớ lại rưng rưng cảm động. 

Kỳ diệu thay mà cũng đơn giản thay, nếp nhà được hình thành không chỉ từ những bài học như “quốc văn giáo khoa thư” mà còn chính từ hình ảnh của người cha, người mẹ. Bài học khai tâm đầu đời vẫn là từ hình ảnh đó, từ gương mặt, từ tiếng nói, từ những lời dạy dỗ, bảo ban, từ những bữa cơm gia đình. Chính tại nơi đó, ngày tháng đó, mình mới được quyền mè nheo: “Mẹ ơi, món này ngon quá, mai mẹ nấu nữa nghe”; “Mẹ ơi, món kia không ngon, con ghét, lần sau mẹ đừng nấu nữa”, nghe thế, mẹ mình chỉ cười.

Tất cả kỷ niệm ấy vọng về khiến ta giật mình tự hỏi, sau này, sẽ có lúc mẹ đã già đã yếu, con người ta thể hiện lòng mình thế nào? Có thể là:

Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi

Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già

Có thể là:

Đói lòng ăn hột chà là

Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng

Mẹ già ăn được là vui. Ngày xưa, mỗi lúc nhìn mình ăn thấy ngon, ăn nhiều ắt lòng mẹ cùng vui như thế. Trong lòng tôi, khi nhớ về ngày tháng xa xưa đó, lại nghe lời thì thầm đang ngược ngọn gió thời gian, quay về trong hiện tại: “Con muốn ăn chi, mẹ nấu cho?”. Câu nói trìu mến ấy, với tôi là một sự ám ảnh, ấn tượng sâu đậm nhất về lòng mẹ dành cho con. Chỉ khi ở trong căn nhà của mình, mình mới nghe được câu nói ấy. Chẳng phải cao lương mỹ vị gì ghê gớm lắm đâu, chỉ là những món mà mình đã từng ăn ngày thơ bé đó thôi. Ngon ở đây, không chỉ là một giá trị vật chất cụ thể, mà, ngon còn vì người ta ăn bằng kỷ niệm, bằng sự bùi ngùi biết ơn sự tần tảo mẹ đã trải dài theo năm tháng. Ngày ấy, mẹ lo cho mình, bây giờ mình lo lại cho mẹ, há chẳng phải ý nghĩa của nếp nhà đấy sao? 

4Vậy, nơi lưu giữ lại rõ nét nhất sự hình thành của nếp nhà là ở đâu, nếu không là từ ngôi nhà cũ của ba mẹ? Chỉ cần nghĩ đến thế, một khi đã đi đến tận nơi nào xa lắc, dù đời sống vật chất có sung túc hơn, nhưng rồi từ sâu trong tiềm thức, con người ta lại muốn tìm về. Nhìn rộng ra, tình yêu dành cho cha, cho mẹ, cho nơi chốn che mưa nắng từ năm tháng thơ dại của mình, một khi không quên, mà vẫn nhớ, vẫn còn gìn giữ, chính là biểu hiện của tình yêu quê nhà đấy thôi. 

 

Lê Minh Quốc 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI