“Con một” và áp lực chăm sóc cha mẹ già yếu

09/10/2024 - 06:31

PNO - Trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già yếu, những chi phí tài chính lớn cùng sự đảo lộn trong sinh hoạt đang đè nặng lên vai những người là “con một”.

Nguy cơ kiệt sức

Anh Poh và người mẹ đau yếu của mình - ẢNH: HESTER TAN (Straits Times)
Anh Poh và người mẹ đau yếu của mình - Ảnh: Hester Tan (Straits Times)

Vào một buổi chiều, tại quán cà phê ở khu dân cư Ang Mo Kio (Singapore), anh Glenn Poh (44 tuổi) quay lại với người mẹ đang đợi cùng 2 ly đồ uống: 1 nóng và 1 có đá. Trong đó, ly trà chanh đá là của mẹ anh. “Gần như suốt cuộc đời, mẹ tôi không bao giờ uống đồ uống lạnh. Nhưng bây giờ, bà luôn muốn đồ uống có đá. Giống như bà ấy quay lại thành một đứa trẻ nhỏ” - anh Poh nói về người mẹ 74 tuổi của mình - bà Tan Sow Meng.

Là con trai duy nhất, anh Poh phải tự mình chăm sóc người mẹ mắc bệnh Alzheimer. Anh bộc bạch: “Tôi phải làm bất cứ điều gì cần làm”. Khi chứng kiến ​​mẹ chăm sóc người cha quá cố của mình sau một cơn đột quỵ, anh muốn làm điều tương tự cho bà.

Tại Singapore, với dân số già hóa nhanh chóng và chuẩn mực văn hóa về lòng hiếu thảo, nhiều người con trưởng thành đảm nhận vai trò chăm sóc chính cho cha mẹ già. Cuộc sống của họ có thể bị trì trệ khi cha mẹ bệnh. Những người không có anh chị em ruột hoặc người hỗ trợ khác có thể cảm thấy “mắc kẹt” vì phải gánh trên vai toàn bộ gánh nặng.

Dữ liệu thống kê cho thấy, ở quốc gia này có ít nhất 128.800 “con một” có mẹ trên 50 tuổi vào năm 2023, gấp hơn 3 lần so với mức 39.800 vào năm 2003. Các nhà nghiên cứu và nhân viên xã hội cảnh báo: “con một” phải đối mặt với căng thẳng rất lớn và nguy cơ bị kiệt sức.

Anh Poh thường lập danh sách và đưa ra “quy trình vận hành tiêu chuẩn” cho một ngày, đánh dấu từng hoạt động như thể đang đọc một danh sách. Thói quen này giúp anh chủ động trước tình trạng bệnh thay đổi liên tục của mẹ.

Khi được phóng viên tờ Straits Times hỏi về những khoảnh khắc thử thách, Poh cho biết mới đây, anh đã phải hét lên để yêu cầu mẹ đi tắm đúng giờ, không vứt rác và thắp đèn dầu ở bàn thờ gia đình. Anh kể: “Khi mẹ ra khỏi phòng tắm, tôi đã xin lỗi, nhưng bà ấy không nhớ. Tôi hối hận vì đã mất bình tĩnh với mẹ. Tôi biết mình đã làm sai, nhưng lại không thể chuộc lỗi”.

Truyền thống chăm sóc cha mẹ là một nét đẹp tại các nước Á Đông, nhưng đôi khi nó tạo ra áp lực vô hình chẳng hạn những người con đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão có thể bị coi là bất hiếu. Tiến sĩ Jeremy Lim-Soh - Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục lão khoa tại Trường Y khoa Duke thuộc Đại học Quốc gia Singapore - cho biết, trong một cuộc khảo sát năm 2023 về nhóm người lớn tuổi và những người chăm sóc họ, mức độ căng thẳng và các triệu chứng trầm cảm ghi nhận ở những người là “con một” cao hơn những người có anh chị em ruột.

Dù vậy, tiến sĩ Lim-Soh nhận xét: “Theo tôi, việc có anh chị em ruột không quan trọng bằng việc họ có hỗ trợ hay không. Một người có thể không phải là “con một” nhưng vẫn có thể là người chăm sóc duy nhất nếu anh chị em ruột không thể hoặc không muốn giúp đỡ việc chăm sóc cha mẹ”.

Cần sự hỗ trợ từ xã hội

Tại trung tâm chăm sóc người cao tuổi TouchPoint ở Ang Mo Kio, bà Tan đang tham gia buổi tập thể dục kéo dài 45 phút vào buổi chiều. Khoảng thời gian này cũng là lúc anh Poh đi lo các việc vặt như mua đồ tạp hóa, giặt giũ hoặc dọn dẹp nhà. Đúng 14g20, anh đến giúp cất ghế và cảm ơn từng nhân viên đã giúp trông mẹ trong lúc anh đi vắng.

Cơ quan dịch vụ xã hội Touch là nguồn hỗ trợ cần thiết cho những người có hoàn cảnh như anh Poh. Anh đã đăng ký cho mẹ tham gia các hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần, từ tập thể dục đến chơi cờ, giúp bà luôn bận rộn về mặt thể chất và tinh thần.

Ở Trung Quốc, có ít nhất 300 triệu người cũng đang chịu áp lực một mình chăm sóc cha mẹ trên 60 tuổi, do chính sách 1 con được ban hành vào năm 1980. Zhang Qiaoqiao - một phụ nữ 39 tuổi làm việc tại Bắc Kinh - đã thuê người chăm sóc chuyên nghiệp trong hơn 6 năm để chăm sóc cho cha cô, hiện sống ở tỉnh Hồ Nam.

Cô giải thích: “Tìm kiếm sự giúp đỡ từ một người chăm sóc chuyên nghiệp là cách duy nhất tôi có thể duy trì cuộc sống bình thường của mình. Tôi không thể nghỉ việc và về nhà. Để cha ở viện dưỡng lão cũng khá tốn kém nếu bạn muốn chọn một cơ sở chuyên nghiệp”. Cha của Zhang bị liệt và việc chăm sóc ông dễ dàng hơn nhiều nhờ các thiết bị hỗ trợ di chuyển tại nhà. Chi phí thuê một người chăm sóc chuyên nghiệp thường từ 200-400 nhân dân tệ/ngày.

Chiết Giang - một tỉnh ở miền Đông Trung Quốc - cho phép người lao động được nghỉ 5 ngày mỗi năm để chăm sóc người thân, nếu họ là “con một”, có cha mẹ trên 60 tuổi.

Linh La (theo Straits Times, China Daily, SCMP)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI