Còn một cánh tay, cái ôm của mẹ vẫn tròn đầy

18/11/2022 - 05:12

PNO - “Dù mẹ khiếm khuyết nhưng ở bên mẹ chúng con luôn cảm nhận an toàn”. Mỗi khi mệt mỏi, chị Lê Thị Kim Trâm lại dựa vào lời nói của các con để lên tinh thần. Trong đêm, lặng lẽ dỗ dành bản thân, chị biết mình cần phải ngủ ngon để sáng mai còn sức làm việc, nuôi con.

 

Chị Trâm cắt tóc bằng một tay
Chị Trâm cắt tóc bằng một tay

Vợ gặp biến cố, chồng đòi ly hôn

Chị Lê Thị Kim Trâm (sinh năm 1979) từng có một tổ ấm và nghề cắt tóc để mưu sinh. Năm 2016, tai họa bất ngờ giáng xuống trong khi chị đi xe máy từ TPHCM xuống Đồng Nai.

“Đường xấu, gồ ghề nhiều đá sỏi, chiếc xe đang bon thì bỗng trượt ngã. Cả người và xe tôi đều nằm sõng soài trên đường. Sau đó một chiếc xe ben lớn chạy đến, tôi bị nghiến mất một cánh tay”, chị Trâm nhớ lại.

Hơn một tháng sau, mặc dù bác sĩ tận tình chữa trị và cập nhật tình hình sức khỏe nhưng chị không dám nhìn vào chỗ cánh tay đã mất, không tin vào sự nghiệt ngã của số phận.

“Quê tôi ở Khánh Hòa, gia đình khó khăn vì con. 15 tuổi, tôi nghỉ học vào TPHCM kiếm sống. Sau đó, tôi lấy chồng, sinh được một trai một gái. Trước khi mở tiệm theo nghề hớt tóc gia truyền, tôi làm nghề “thợ đụng”. Nghĩa là đụng đâu làm đó, làm gì có tiền là tôi làm: giữ trẻ tại nhà, bán rau câu, chả cá, dừa tươi…

Thân hình nhỏ bé nhưng có những ngày tôi phải chở gần trăm trái dừa. Dưới chân cầu Đen, giữa cái nắng nóng hơn 400C, tôi kiên trì bán dừa để có tiền lo cho các con ăn học. Ở thành phố, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, tôi có hai bàn tay để bươn chải, vậy mà bất ngờ chỉ còn một. Làm sao tôi có thể tin mình vẫn có thể xoay xở”, chị Trâm phân trần. 

“Nhưng chị có chồng, anh ấy sẽ nỗ lực gấp đôi để lo cho mẹ con chị chứ?”, tôi thắc mắc. Chị buồn bã tiếp: “Sau khi tôi sinh con, anh ấy lảng dần trách nhiệm làm chồng, làm cha. Sau vài tháng tôi bị tai nạn, ảnh đã đòi ly hôn”. Chị kể rằng chồng chị đã hối: “Cô ký vào đơn để giải thoát cho tôi”. Khi ấy chồng chị muốn lấy người khác…

Mất mát một phần cơ thể, chị vượt qua được nhưng nỗi đau bị người chồng bỏ rơi, phản bội đánh gục chị trong nhiều ngày. 

Ba mẹ con dựa vào nhau cùng vượt qua nghịch cảnh
Ba mẹ con dựa vào nhau cùng vượt qua nghịch cảnh

 

Chị nhớ lại: “Nhiều đêm, khi các con đã ngủ, tôi trở dậy thở ra nặng nhọc. Tôi vào nơi đô thị đã vất vả, không nhà cửa, người thân, giờ chồng cũng bỏ đi, tay cũng không còn đủ đôi để làm việc. Tôi chỉ muốn ngủ một giấc mãi mãi.

Nhưng tôi nhớ lại lúc ở tòa, khi nghe thẩm phán hỏi chọn ở với ai, các con tôi nói: “Chúng con muốn sống với mẹ. Dù mẹ khiếm khuyết nhưng bên mẹ chúng con thấy an toàn”. Tôi đã níu mình vào câu nói ấy dần dần đứng lên. Để nuôi con, tôi phải nỗ lực gấp bảy, tám lần”.

Tập cắt tóc bằng một tay

Với nghề cắt tóc, để tóc rơi xuống, người thợ cần có một tay giữ tóc, chải tóc ngược lên, một tay khác cầm kéo cắt đi tóc thừa. Nhưng chị Trâm chỉ còn một tay phải. Cuối cùng chị cũng tìm được cách để tiếp tục hành nghề: Chị chia năm ngón của bàn tay làm hai nhóm, đảm nhận hai nhiệm vụ khác nhau. Ngón cái, trỏ và giữa cầm kéo, hai ngón còn lại giữ tóc.

Nghĩ thì đơn giản, khi thực hiện lại vô cùng khó khăn. Chị kể: “Tôi phải linh hoạt, hành động thật nhanh. Trong thời gian chưa đầy một giây, khi hai ngón út và áp út vừa nhả tóc ra thì cây kéo phải lập tức nhập cuộc liền. Tôi tập một tháng thì quen dần. Trước đây một kiểu tóc đơn giản tôi cắt 15 phút, bây giờ phải hơn nửa tiếng mới xong”. 

Căn trọ chị thuê ở số 74/1B đường Nguyễn Cừ, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức được ngăn làm hai, gác xép phía trên để ở, phía dưới chị đặt biển hiệu “Hớt tóc Nghi Nghiêm” (Nghi và Nghiêm là tên hai người con của chị). 

Những ngày đầu mở tiệm trở lại, chị đón những vị khách quen. Khi chị chưa gặp sự cố, họ đã gắn bó, tìm tới chị cắt tóc. Khách hàng muốn hợp tác, giúp đỡ bà chủ tiệm nhưng chị Trâm lại tự đặt ra giới hạn cho bản thân. Vì thiếu tự tin nên chị mặc những tấm áo lùng nhùng nhằm che cánh tay đã mất. Chính điều này làm trở ngại công việc của chị.

Thời gian trôi qua, cùng với sự hỗ trợ của nhiều khách hàng ruột, chị dần cân bằng trở lại. Chị kể: “Những ngày đầu cắt tóc bằng một tay, tôi biết mình cắt chậm, chưa đẹp. Khách ra khỏi tiệm có thể phải vào một tiệm khác để chỉnh sửa, nhưng không hiểu sao mọi người vẫn cứ đến. Sau mười ngày, nửa tháng, khi tóc chưa đủ dài họ vẫn quay lại.

Mãi sau này, tôi mới biết họ muốn giúp tôi có mẫu thử để rèn luyện, trau dồi tay nghề. Họ biết tôi không có tiền mua tóc giả để tập”.

Bây giờ, chị không những cắt tóc, tạo mẫu tóc, mà gội đầu, cạo mặt chị cũng thực hiện thuần thục. Để cạo mặt, chị sẽ dùng chân để bỏ lưỡi lam vào dao cạo, còn khi gội đầu, chị sẽ để khách nằm xuống, tựa đầu vào bồn rồi dùng miệng ngậm ngang vòi nước, bàn tay độc nhất để cào da đầu.

Tiếng lành đồn xa, khách hàng cũ vì quý mến, trân trọng nghị lực và tay nghề của chị mà không ngần ngại giới thiệu thêm khách mới. Tiệm từ đó dần đông khách và ổn định hơn. Chị thấm thía câu nói, chỉ cần bản thân không bỏ cuộc, thì không ai cô đơn giữa thành phố nghĩa tình.  

Rất nhiều khách hàng ủng hộ bà chủ tiệm ngay cả khi chị cắt chưa khéo
Rất nhiều khách hàng ủng hộ bà chủ tiệm ngay cả khi chị Trâm cắt chưa khéo

Mẹ là cây hoa đẹp và kiên cường

Năm ngoái, dịch bùng phát, tiệm đóng cửa. Sau dịch, tiệm vẫn vắng. Mấy tháng liên tục, chị Trâm không có tiền đóng tiền nhà, phải vay mượn khắp nơi. Bế tắc, chị buột miệng với con gái: “Con kiếm việc làm phụ mẹ chứ mẹ đuối lắm rồi”. Cô con gái đang học cấp III động viên mẹ: “Mẹ ráng thêm một thời gian nữa, con kiếm chữ, mẹ kiếm tiền.

Chúng ta cùng cố gắng để con có tấm bằng, sau này xin việc đỡ vất vả hơn”.

Sự ham học của con khiến chị không thể buông xuôi. Chị liều vay mượn tiền bạn bè, mua máy móc để mở thêm dịch vụ giặt ủi. Mỗi ngày, cắt tóc xong, chị quay sang giặt là, phân loại áo quần.

Con gái Chiêu Nghi và con trai Lê Nghiêm ngoan ngoãn, hiểu chuyện và tự lập. Hết giờ học, Chiêu Nghi đi chợ, nấu ăn. Khi đông khách, cô phụ mẹ, và học nghề. Cậu út hay làm shipper, chạy đi nhận thức ăn, quần áo của người ta cho mấy mẹ con. 

Chiêu Nghi tự hào nói về mẹ: “Đối với con, mẹ chính là tấm gương về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Mẹ hiếm khi nói về khó khăn, nghịch cảnh hay những cố gắng của mình, nhưng nhìn hành động của mẹ là tụi con hiểu hết.Trong mắt con, mẹ như cây hoa xinh đẹp, luôn kiên cường bám rễ vươn lên”.

Diệu Thông 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.

  • Nuôi dạy con xuyên biên giới

    Nuôi dạy con xuyên biên giới

    14-12-2024 06:14

    Vì công việc đặc thù, có những ông bố, bà mẹ phải chấp nhận cảnh nuôi dạy con xuyên biên giới.