Con mèo đáng yêu của nhà văn Gia Bảo

30/11/2023 - 08:17

PNO - Khi xây dựng hình ảnh con mèo gần gũi, thân thiện cũng là lúc Gia Bảo gieo vào lòng bạn đọc nhỏ tuổi về lòng yêu thương vật nuôi trong nhà

Nếu từng đọc chuyện về muông thú của nhà văn Tô Hoài, ta có thể hết sức ác cảm với con mèo già vừa xấu xí, vừa độc ác, thường có thú vui bắt chuột, vờn để tiêu khiển. Đã thế, khi thấy nó lởn vởn đến, lũ gà con còn hoảng hốt bỏ chạy tán loạn. Giờ đây, con mèo của nhà văn Gia Bảo ở 2 tác phẩm Soái ca mèo mái ngói, Nông trại Hoa Đậu Biếc (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2023) đáng yêu hơn nhiều. Quả thật ở thời đại này, cái nhìn của mọi người về mèo đã khác trước. 

Tác phẩm Nông trại Hoa Đậu Biếc mở ra bằng chuyến đi xa của cô chủ là chị Mèo tuổi teen. Đi cho biết đó biết đây, để trải nghiệm một thế giới khác lạ cô chưa từng biết đến. Khi con mình chỉ mới tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, lại có sở thích “phiêu lưu” như thế, các bậc phụ huynh thường có tâm lý gì? Người vợ nói với chồng: “Hay mình cũng đi luôn để hỗ trợ con, được không?”. Tôi thích câu trả lời: “Không được. Lớn rồi, phải tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Ba má đâu lột da sống đời với mình đâu. Bà cứ kệ con nó đi”. Vậy là cô bé đến nông trại Hoa Đậu Biếc cùng thú cưng có cái tên không “đụng hàng”: mèo Lọ Nghẹ.

 

Từ đó, những gì xảy ra ở nông trại, bạn đọc biết được qua lời kể của chú mèo xinh xắn này. Có thể là câu chuyện làm quen, tình bạn của Lọ Nghẹ với mèo Cá Rô… Là lần Lọ Nghẹ nhanh trí cứu cô chủ thoát khỏi con rắn đang rình rập trong lá cây…

Trong tác phẩm Soái ca mèo mái ngói, nhà văn Gia Bảo kể lại những tháng ngày thành phố chúng ta đồng lòng thực hiện quy định giãn cách vì đại dịch COVID-19. Ở đây, thông qua việc làm của mèo Lọ Nghẹ, người đọc chạm đến niềm yêu thương của chị lao công, những người quét rác đã chăm sóc cho lũ mèo hoang sống vất vưởng, đói meo trên mái ngói của ngôi nhà cổ.  

Lọ Nghẹ kể, khi ngồi trên xe ba gác của chị Cam: “Tôi cắn tay áo khoác sờn và đẫm mùi hôi của cô, vừa cắn vừa ghì lại, vừa tiếp tục kêu vang “méo méo méo”… Từ trên mái ngói rêu, mấy chục con mèo đồng loạt la lên thảm thiết “méo méo méo”… Giờ thì cô Cam đã dừng lại trước ngôi nhà cũ nát, rồi ngước nhìn lên mái ngói. Bầy mèo lớn nhỏ, già trẻ, loai choai, đực cái kêu rền “cứu cứu cứu…”. Tôi thấy cô Cam mắt lưng tròng. Cô ôm chầm lấy tôi. Cô hiểu rồi, các con đói lắm phải không? Thương quá trời quá đất, con cái nhà ai mà đông quỷ thần vậy nè? Rồi, cô biết rồi. Chờ cô nha”. Chi tiết bình dị mà đắt giá này cho thấy nghĩa tình của người thành phố trong lúc đại dịch, không chỉ người đùm bọc lấy người mà còn quan tâm đến cả vật nuôi. Có thể ghi nhận, Gia Bảo là nhà văn trước nhất đã khai thác khía cạnh nhân văn này.

Từ 2 tác phẩm chọn mèo làm “nhân vật chính”, tôi nhìn ra một hướng đi khác của nhà văn chúng ta khi sáng tác cho thiếu nhi: thể hiện bằng nhiều thủ pháp khác nhau nhằm giúp các em tiếp cận câu chuyện theo cách hấp dẫn, mới lạ, khác với trước. Khi xây dựng hình ảnh con mèo gần gũi, thân thiện cũng là lúc Gia Bảo gieo vào lòng bạn đọc nhỏ tuổi về lòng yêu thương vật nuôi trong nhà. 

Lê Minh Quốc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI