Con tôi học lớp 2. Cháu mê đọc sách lắm. Ai cũng bảo con mê đọc sách là tín hiệu vui, dù là truyện tranh cũng được. Thế nhưng một hôm nghe mấy đứa nhỏ trao đổi với nhau tôi mới hết hồn. Truyện Shin - cậu bé bút chì thì nào là những cảnh cậu bé khoe mông. Rồi thì mẹ ham shopping, những màn nói dối, thậm chí là đến con bé em Shin chưa đầy năm cũng đã biết xài hàng hiệu, rồi thì Shin đang cau có với mẹ nhưng thấy chị gì đó đẹp đẹp đi qua lập tức giả vờ giúp mẹ… Cháu thích lắm, nói là chuyện vui, nhưng tôi thấy nội dung “nhảm” quá, không ổn chút nào.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Rồi thì truyện Conan, toàn những vụ giết người, án mạng, đầu độc… Cháu ăn ngủ, thậm chí chạy xe trên đường cũng không chịu buông truyện. Mở miệng là nhắc Conan và vụ giết người này, vụ giết người kia. Tối cháu hay kêu sợ ma, không dám ngủ, ảnh hưởng của chuyện tranh chăng? Tôi lo lắng quá, đầu óc non nớt của cháu đã sớm phải làm quen với bạo lực, dối trá, đối phó… như vầy sao? Tôi biết lỗi của mình khi đã không kiểm soát việc đọc của cháu sớm. Giờ cháu đã mê rồi, cấm con đọc là việc không dễ, tôi nên làm gì đây chị?
Hoàng Thanh
(Q.Tân Bình, TP.HCM)
Chị Hoàng Thanh mến,
Chị đang thấy cháu bị ảnh hưởng xấu từ vài cuốn truyện tranh nên lo lắng và chị đang tự trách bản thân phải không ạ? Quả thật nhiều cha mẹ bận rộn đã ít để tâm đến việc con cái đang đọc gì, xem gì. Nhiều người còn nghĩ cứ truyện tranh là dành cho con nít nên yên chí mua cho con đọc. Hơn nữa, hai bộ truyện con chị thích cũng là hai bộ nổi tiếng, được rất nhiều trẻ em trên thế giới như Nhật, Việt Nam và nhiều nước khác thích thú nên cha mẹ càng yên tâm.
Nếu chị tìm hiểu trên mạng một chút sẽ thấy nhiều ý kiến về hai bộ truyện này. Khen chê đều có nhưng nhìn chung hai bộ truyện hầu hết đều được đánh giá cao bởi nội dung và hình thức, được dựng thành phim hoạt hình và phim cũng rất nổi tiếng. Bộ truyện là dành cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, tuổi dậy thì. Con chị mới lớp 2 cháu đã đọc là không phù hợp.
Ở tuổi cháu có thể chưa nhận thức được cái hay, cái đẹp từ Shin như thông minh, hiếu động, ham học hỏi, tinh thần đoàn kết, tình cảm gia đình, bạn bè… mà chỉ thấy những chi tiết gây cười, khoái chí với những trò quậy phá. Ông bà có câu “Cái hay không học lại học cái dở”. Ðó là vì nhận thức của các em dưới 12 tuổi chưa đủ để cảm nhận truyện ở nhiều chiều cạnh, chưa biết chắt lọc những điều hay để học hỏi. Cho con chọn sách sai độ tuổi đúng là lỗi ở cha mẹ.
Bộ truyện thì nổi tiếng về những vụ án ly kỳ và sự phá án tài tình của cậu bé khiến cả trẻ em và người lớn cũng mê. Khi có vụ án thì sẽ có cảnh giết người, cướp của, đầu độc, điều đó là một phần tất yếu tạo nên sự hấp dẫn của câu chuyện. Tùy trình độ người đọc mà cảm nhận được điều chính diện hay phản diện từ truyện. Vậy vấn đề không phải lỗi ở truyện tranh, mà là cha mẹ có cùng con chọn truyện phù hợp lứa tuổi, cùng con đọc và trao đổi nội dung truyện để hướng con học hỏi những điều tốt, điều hay từ truyện hay không.
Cháu nhà chị mê đọc sách là một thói quen tốt, chị cần phát huy điểm mạnh này của cháu. Thay vì cấm cháu đọc những bộ truyện này, chị và anh hãy cùng đọc với cháu và hỏi cháu về các tình tiết, các nhân vật, các hành động trong truyện xem cháu đánh giá tốt xấu đúng sai ra sao, từ đó cha mẹ khéo uốn nắn cho con hiểu đúng ý nghĩa tích cực từ truyện.
Riêng bộ truyện chị cần phân tích cho cháu hiểu đây là truyện con có thể đọc sau sinh nhật 12 tuổi. Và thay vào đó, chị tìm mua cho con vài bộ truyện tranh phù hợp với cháu hơn như bộ hay ... Chọn sách cần trên tiêu chí nội dung, hình ảnh phù hợp và cháu thích đọc. Nhiều cha mẹ dày công chọn sách cho con, nhưng con không thích đọc và đã bỏ phí sách. Cha mẹ nên cùng con đến các nhà sách, đọc và lựa cùng con sẽ tìm ra những cuốn hữu ích và hấp dẫn.
Bên cạnh sách, người bạn rất cần đồng hành với trẻ, con chị cũng cần những hoạt động thể chất và vui chơi đa dạng để cháu sống khỏe mạnh, vui vẻ và hòa đồng với cuộc sống thực, những con người thực hơn, không bị chìm trong thế giới của sách. Chị có thể giúp con lên thời khóa biểu mỗi ngày, giờ học, giờ chơi, giờ đọc sách…
Cháu đang lớn lên và cần cha mẹ đồng hành. Thay vì lo lắng, anh chị nên kiên nhẫn thay đổi từng chút cách giúp con tiếp cận sách báo, anh chị sẽ giúp con có văn hóa đọc, biết đọc và biết học, hành những điều tốt từ sách báo.
Chúc gia đình chị hạnh phúc!
Chuyên gia tâm lý
Phạm Thị Thúy