Dù phải ngược xuôi lo cơm áo hằng ngày, nhưng những người chị, người anh ấy vẫn một lòng yêu thương, phụng dưỡng cha mẹ và tất cả những người thân yêu trong gia đình. Với họ, chữ “hiếu”, chữ “nghĩa” luôn được đặt hàng đầu để từ đó hành động sao cho phải đạo.
1. Có khách vô nhà, bà Lương Châu Liên, 83 tuổi, đang nằm co ro trên chiếc giường xếp, ngước mắt lên nhìn. “Cái tay gì mà không cầm nắm được chi hết trơn, buồn lắm” - bà nói rồi hướng mắt về phía bếp nơi con gái Sau Quỳnh Mỹ, 60 tuổi, đang tỉ mẩn gỡ từng thớ thịt cá lóc bỏ vào nồi cháo của bà.
“Chân nhức, cổ đau, cái gì cũng muốn ăn, nơi nào cũng muốn đến, mà đâu có được. Mình chỉ làm khổ con thôi”, bà Liên nói thêm. Nghe vậy, chị Mỹ lên tiếng: “Khổ đâu mà khổ, con còn có mẹ là hạnh phúc rồi, mẹ ơi!”.
|
Chị Quỳnh Mỹ luôn kề cận chăm sóc người mẹ bị tai biến |
Chị Quỳnh Mỹ là con gái đầu của bà Liên, một gia đình gốc Hoa ở Sài Gòn. Đã 60 năm cuộc đời mà chị vẫn không biết chạy xe máy, nên chỉ quanh quẩn trong những con hẻm nơi có căn nhà chưa tới 20m2 của cha mẹ ở P.4, Q.10. Năm 1983, chị Mỹ nên duyên với anh Nguyễn Văn Tâm và vợ chồng họ sống chung với bà Liên.
Anh chạy xích lô, chị bán trái cây. Căn nhà nhỏ xuống cấp, nứt toác, nước ngập triền miên. Vợ chồng chị tích cóp từng ngày và mãi đến năm 2004 mới xây lại được căn nhà mới cao ráo, sạch sẽ hơn.
Nhưng niềm vui chưa qua thì nỗi buồn đã tới, trong lúc chạy xe đi giao hàng, anh Tâm bị tai nạn giao thông và qua đời, bỏ lại vợ và ba cô con gái đang tuổi ăn học. Chồng mất, sức khỏe của mẹ là bà Liên cũng bắt đầu suy kiệt, từ một người phụ nữ chỉ biết nội trợ, chị Mỹ thực sự phải bước vào cuộc chiến cơm-áo-gạo-tiền. Xe bột chiên đầu hẻm 269 Nguyễn Duy Dương của chị đã ra đời từ đó.
Từ hơn 10 năm nay, bà Liên bị tai biến liệt nửa người nên mọi sinh hoạt cá nhân của bà đều một tay con gái. Vừa lo chuyện cơm áo, lại vừa chăm mẹ, nên mỗi ngày của chị Liên thường bắt đầu từ 5g sáng. Sau khi giúp mẹ làm vệ sinh, nấu nướng và đút ăn cho mẹ, chị Mỹ mới bắt đầu lo cho xe bột chiên của mình. Có nhiều đêm, đến 1 - 2 giờ khuya mẹ còn thao thức, chị lại ngồi bên mẹ chuyện trò, xoa bóp tay chân.
Cả ngày xoay như chong chóng nhưng lúc nào người phụ nữ này cũng tươi cười. Điều đặc biệt là rất ít người biết rằng chị từng bị tai biến trước cả mẹ mình. Đợt ấy, đang đứng bán, chị Mỹ ngã ra bất tỉnh và được bà con đưa vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cấp cứu.
Suốt sáu tháng ròng chị phải tập vật lý trị liệu và châm cứu sức khỏe mới khá lên dần. Tuy vậy, nửa người bên phải của chị vẫn yếu và dáng đi vẫn khập khiễng.
Chị nói, cuộc đời chị lận đận, mất cha từ nhỏ, không có chồng đồng hành, nhưng may mắn là còn có mẹ để mỗi ngày được nhìn thấy bà ăn hết chén cháo, uống trọn ly sữa mà hạnh phúc.
2. Bà Trần Thị Phượng, 77 tuổi, ngồi bệt giữa nhà và nhai trầu bỏm bẻm. Không làm chủ được hành vi, nước miếng bà cứ chảy xuống cằm, nên thỉnh thoảng chị Tạ Ngọc Thùy, con dâu bà, phải lấy khăn lau cho mẹ. “Không đi được, cũng không nhìn thấy được, mẹ coi cau trầu là nguồn vui, nên mình càng thương bà hơn” - chị Thùy chia sẻ.
Đang loay hoay với mẹ chồng thì trong góc nhà, anh chồng giận lẫy không chịu ăn trưa. Ở góc khác, chị chồng cũng mỉm cười im lìm. Chị Thùy chống tay xuống đất đứng dậy đến dỗ dành từng người. Anh, chị chồng mắc bệnh tâm thần và chỉ chị Thùy nói họ mới nghe. Tắm, ăn, thậm chí ngủ chị cũng phải dỗ dành.
|
Vừa lo toan chuyện áo cơm trong nhà, chị Ngọc Thùy (trái) còn luôn ân cần chăm sóc mẹ và anh chị chồng |
Trong căn nhà chưa tới 30m2 với 11 nhân khẩu đang sinh sống trên đường Chử Đồng Tử, P.7, Q.Tân Bình, dường như cái gì cũng thiếu ngoại trừ tình thương! Bà Phượng bộc bạch: “Con dâu tôi chẳng được thảnh thơi ngày nào, là vì tôi, vì thằng Huy, con Mai, anh chị chồng nó. Lúc khỏe, tôi bán nước giải khát còn phụ giúp được đôi ba đồng. Giờ thì chịu rồi. Thương con dâu tôi lắm, mà để bụng thôi”.
Chị Thùy năm nay đã 42 tuổi, là con gái Sóc Trăng. Sau khi cha mất, chị theo mẹ lên Sài Gòn làm nghề dệt sợi rồi về làm dâu nhà bà Phượng. Lúc mới quen nhau, chị có nghe anh Nguyễn Huy Ánh, chồng mình, kể về gia cảnh ngặt nghèo, anh trai và chị gái mắc bệnh tâm thần. Nhưng, “yêu thì liều thôi chớ sao”, chị Thùy nói.
Về làm dâu năm 24 tuổi, chị Thùy bắt đầu ngược xuôi buôn bán với đủ các mặt hàng, khi thì quần áo, lúc bánh tráng trộn, lúc lại hành tỏi. Ngoài việc buôn bán, thời gian còn lại chị lo cơm nước, tắm rửa, thuốc men cho ba người bệnh và luôn tay dọn dẹp để nhà cửa được tươm tất.
“Nhà chồng trước ở Q.5, chuyển về Q.Tân Bình được 18 năm nay, diện hộ nghèo bền vững luôn. Gần chục anh chị em đều lập gia đình nhưng vẫn sống chung nhà, ai cũng khổ. Mẹ và anh, chị uống thuốc mỗi ngày, may có bảo hiểm nên cũng đỡ chút ít. Nhiều người hỏi tôi có tủi nhọc không. Thiệt lòng là có, nhưng than vãn làm gì. Giữ tinh thần tích cực thì cuộc sống sẽ dễ thở hơn”- chị Thùy
tâm sự.
3. Cứ vào những ngày mưa là chị Nguyễn Thị Ngọc Nguyên, 42 tuổi, ở P.Long Trường, Q.9, lại lo nước ngập, mẹ chồng bị… xỉu. Mấy bữa trước, nước tràn vào nhà quá lớn, chồng đi làm nên một mình chị phải xoay xở. Nước dâng đến đâu chị kiếm đồ kê cho mẹ ngồi cao lên đến đó. Rồi chị vừa bế mẹ vừa khóc: “Tụi con quá khó khăn, không lo được cho mẹ một chỗ ở đàng hoàng”.
Nhớ năm 1998 mới về làm dâu, chị Nguyên đang lúi húi lo việc bếp núc thì nghe trên nhà có tiếng động mạnh. Chạy lên, chị thấy mẹ chồng - bà Đàm Thị Lư - nằm sõng soài, bất tỉnh. Quá sợ hãi, chị bật khóc lay gọi mẹ và gọi mọi người.
|
Chị Ngọc Nguyên vừa là dâu, vừa là người bạn của mẹ chồng. |
Về sau chị mới biết, cứ lạnh quá, nóng quá, hay thậm chí ra đường nhiều xe quá là bà xỉu. Những lúc như vậy, khuấy một ly nước chanh nóng đút cho bà là bà tỉnh lại. Riết rồi thành quen, đã 21 năm làm dâu, chị Nguyên luôn bên cạnh mẹ chồng mọi lúc buồn, vui.
Hôm tôi ghé nhà, đang lúc trời mưa lớn, anh Nguyễn Văn Hẹn, 46 tuổi, chồng chị Nguyên, buồn xo vì phải nghỉ làm. Từ phụ hồ, anh chăm chỉ làm việc và học nghề để thành thợ chính. “Cả đời đi xây nhà cao cửa rộng cho người ta mà không biết chừng nào cái nhà mình mới hết ngập” - anh Hẹn tự trách.
Lương anh mỗi ngày 400.000đ, nhưng do bị cao huyết áp và gai cột sống nên mỗi tháng nhiều lắm cũng chỉ làm được hơn 20 ngày. Chị Nguyên ở nhà chăm sóc mẹ chồng và hai con, vừa nhận gia công các loại thú đồ chơi. Làm từ 3g sáng tới tận tối muộn cũng chỉ được hơn triệu đồng mỗi tháng. Giấc mơ về ngôi nhà mới cứ xa dần.
Chị nói rằng, mình ở sao cũng được, chỉ xót cho mẹ chồng, bà đã gần 80 tuổi rồi. “Mẹ chồng cũng là mẹ mình. Bên nhà chồng có tới 9 anh chị em, anh Hẹn là con út. Mẹ cả đời cực nhọc nuôi con, bây giờ mình làm dâu, chẳng lẽ bữa cơm, bữa cháo, chút vất vả bồng bế khi đau ốm, nước nôi, mà không làm được” - chị Nguyên tâm sự.
Tối hôm qua, 12/11, tại hội trường Nhà Văn hóa Thanh niên, 48 gương “Người con hiếu thảo” cấp thành phố năm 2019 đã được tuyên dương. Chương trình do Hội LHPN và Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM phối hợp tổ chức và phát động từ năm 1995. Qua 24 năm, “Người con hiếu thảo” đã trở thành nét đẹp trong đời sống của người dân thành phố và lan tỏa với hàng ngàn tấm gương được phát hiện, biểu dương. Năm nay, phần lớn các tấm gương điển hình đều có hoàn cảnh khó khăn, bản thân đau bệnh, nhưng vẫn bươn chải làm việc và giữ trọn lòng hiếu thuận với cha mẹ ruột lẫn cha mẹ chồng. Và các chị Quỳnh Mỹ, Ngọc Thùy, Ngọc Nguyên là ba trong số 48 tấm gương tiêu biểu ấy. |