Cơn mê cuối cùng và thông điệp về lòng vị tha

19/10/2024 - 07:24

PNO - Ra mắt lần đầu vào năm 1999, kịch bản Cơn mê cuối cùng của cố soạn giả Ngọc Linh đã có rất nhiều bản dựng khác nhau, cả ở sân khấu kịch lẫn cải lương. Trở lại trên sân khấu Hoàng Thái Thanh với bản dựng thứ tư của đạo diễn Ái Như, Cơn mê cuối cùng được chỉnh lý khá nhiều chi tiết để phù hợp với những vấn đề của cuộc sống hôm nay.

Phiên bản mới của những người cũ

Ở cái xóm cù lao mênh mông sông nước, ông Hai Khương được cả xóm kính trọng, tôn thờ như “thần hoàng”. Cả xóm, gần như không gia đình nào không mang ơn ông. Chưa bao giờ ông do dự khi có người tìm đến ông nhờ giúp đỡ, kể cả việc giúp phụ nữ lúc sinh nở ngặt nghèo hay lao mình vào dòng nước xoáy cứu người gặp nạn… Gia đình hạnh phúc của ông Hai Khương bắt đầu bị xáo trộn không lâu sau khi ông cứu Mận trong một cơn mưa lũ…

Cơn mê cuối cùng mới mẻ và đầy cảm xúc ở bản dựng thứ tư  của đạo diễn Ái Như - Nguồn ảnh: Sân khấu Hoàng Thái Thanh
Cơn mê cuối cùng mới mẻ và đầy cảm xúc ở bản dựng thứ tư của đạo diễn Ái Như - Nguồn ảnh: Sân khấu Hoàng Thái Thanh

Một trong những điểm thú vị nhất ở phiên bản lần này là sự trở lại của các nghệ sĩ đã từng đảm nhận những vai diễn quan trọng ở bản dựng đầu tiên cách đây 1/4 thế kỷ. Thử thách lớn nhất có lẽ là sự trở lại của Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Tuyết Thu trong vai Mận. So với 25 năm trước, Tuyết Thu có nhiều trải nghiệm hơn để thể hiện những cung bậc cảm xúc, những giằng xé nội tâm… của Mận. Nhưng đổi lại, Tuyết Thu phải bước qua được áp lực giữ thanh xuân cho nhân vật của mình. Và Mận của Tuyết Thu ngày hôm nay đã làm hài lòng cả những khán giả khó tính nhất, để rồi mọi người cảm thấy thương Mận nhiều hơn, đồng cảm hơn với sự lựa chọn của Mận khi bị đặt giữa ân tình và hạnh phúc, danh dự cá nhân.

Út Hơn cũng là sự trở lại xuất sắc của NSƯT Thành Hội. Vẫn lối diễn như không diễn, NSƯT Thành Hội hóa thân thành Út Hơn lúc tỉnh, lúc “tưng” khiến người xem có thể cười ngặt nghẽo vì những lời nói, hành động ngây ngô, nhưng có lúc cũng thấy xót xa với cái dáng đi, ánh mắt đầy cam chịu, nhẫn nhịn… vì muốn níu giữ sự yên bình cho gia đình, cho những người Út Hơn rất mực thương yêu.

Bà Hai Khương - vai diễn đã đi cùng nghệ sĩ Ái Như suốt 25 năm nhưng vẫn đong đầy cảm xúc. Dường như mỗi lần bước lên sân khấu, bà Hai Khương lại là xuất diễn đầu của chị. Quá nhiều cung bậc cảm xúc đan xen mà bà Hai Khương phải trải qua trong suốt vở diễn: sợ hãi, cam chịu, tức giận, đớn đau… Tất cả được Ái Như thể hiện bằng sự nhạy cảm của trái tim người nghệ sĩ và sự tinh tế trong cách thế hiện cảm xúc, xử lý động tác hình thể. Khi sự thật khiến bà Hai không thể nói thành lời, nỗi đau quật bà ngã quỵ, chới với… trái tim người xem cũng như bị bóp nghẹt, nghẹn ngào.

Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến vai ông Hai Khương của Trí Quang. Đây là vai diễn khá nặng, nhưng anh cũng đã cho thấy nỗ lực và tình yêu rất lớn anh dành cho sân khấu kịch nói. Liệu có nên nói ra bí mật để thấy lòng thanh thản? Khi bí mật được tiết lộ, cuộc sống của những người mình yêu thương sẽ ra sao? Đó là những giằng xé trong lớp diễn rất khó của Trí Quang. Nỗi đau, sự dằn vặt và những thời khắc “tiến thoái lưỡng nan” đã được Trí Quang khắc họa khá tốt, đủ để khán giả thấy thương Hai Khương nhiều hơn giận. Cùng với sự hỗ trợ của những bạn diễn giỏi nghề là NSƯT Thành Hội, nghệ sĩ Ái Như, NSƯT Tuyết Thu, Trí Quang đã có thêm một vai diễn hay ở lĩnh vực sân khấu kịch.

Bản dựng hiếm của sân khấu kịch

Cơn mê cuối cùng hấp dẫn về mặt thị giác ngay khi sân khấu vừa mở màn với hiệu ứng laser tạo thành hình ảnh lòng sông và những con người nhấp nhô trong dòng xoáy. Phối hợp tia chiếu laser với ánh sáng sân khấu và sương khói là một trong những cách làm khá mới và hiếm khi được sử dụng ở sân khấu kịch do chi phí cao, trong khi sân khấu đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng đây là một trong những yếu tố cho thấy quyết tâm làm mới, hướng đến những thủ pháp, cách kể hấp dẫn hơn của sân khấu Hoàng Thái Thanh.

NSƯT Thành Hội, NSƯT Tuyết Thu tung hứng ăn ý trên sân khấu khi trở lại với vai diễn từng ghi dấu ấn cách đây 1/4 thế kỷ
NSƯT Thành Hội, NSƯT Tuyết Thu tung hứng ăn ý trên sân khấu khi trở lại với vai diễn từng ghi dấu ấn cách đây 1/4 thế kỷ

Đạo diễn Ái Như vốn nổi tiếng kỹ tính. Trong thực trạng chung của sân khấu kịch nói TPHCM hôm nay, Cơn mê cuối cùng là bản dựng hiếm hoi được tổ chức chu đáo từ âm nhạc chủ đề, không gian sân khấu, cảnh trí, đạo cụ… đến hành động, lời thoại của diễn viên.

Thú vị nhất có lẽ là cách xử lý tấm lưới trắng được thả từ trên cao. Không đơn thuần chỉ là chiếc lưới đánh cá trang trí cho ngôi nhà ông Hai Khương, tấm lưới đó có thể trở thành đạo cụ diễn của bà Hai Khương, là tấm màn che nôi em bé… và cũng biến thành chiếc lưới bủa vây cuộc đời ông Hai Khương. Ông như con cá mắc kẹt trong tấm lưới đó, cố vẫy vùng, nhưng càng cố càng bị lưới cuốn chặt. Hình ảnh ông Hai Khương vùng vẫy trong lưới cá khi ca khúc chủ đề Tiến thoái lưỡng nan vang lên như chính nỗi lòng của ông: “Con người phải làm gì khi trót mắc lỗi lầm, dù đó là lỗi lầm duy nhất và ngớ ngẩn nhất trong cuộc đời?”.

Những ai đã từng xem các bản dựng trước đây sẽ nhận ra Cơn mê cuối cùng của năm 2024 có khá nhiều chi tiết được chỉnh lý. Những sự thay đổi này giúp mạch kịch liền lạc hơn, chi tiết và mềm mại hơn. Hành động của các nhân vật cũng được lý giải hợp lý hơn. Lời nhắn gửi của Mận: “Mọi người tha thứ cho nhau hết đi. Quên hết đi. Cũng như Mận, Mận quên hết rồi” cũng là một nét đẹp dịu dàng được thêm vào phiên bản mới. Khi các nhà xã hội học cảnh báo thế giới của ngày hôm nay đang có xu hướng bạo lực và hận thù nhiều hơn, sự tha thứ và lòng vị tha của mỗi con người trở nên có giá trị và ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Vở diễn còn có sự tham gia của các diễn viên Đoàn Thanh Tài, Thái Quốc, Ngọc Duyên… sẽ tham dự Liên hoan sân khấu TPHCM vào tháng 11/2024.

Nhật Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI