Con mất đồ là mẹ đánh đòn chú ơi

18/03/2020 - 14:07

PNO - Thằng nhóc hồn nhiên kể lể: “Má con dữ lắm, hở ra là tụi con no đòn liền á! Mà cũng phải, má làm cực khổ mới có tiền cho con sắm diều cá mập đó chú!”.

Đã bao giờ bạn thấy một con cá mập hầm hố đang mắc cạn trên một… cành cây?

Hẳn ai đó trong chúng ta đôi lần cũng đã ra tay giải cứu một chú mèo con, một con bồ câu mắc kẹt trên một cành cây với nhiều chùm lá ken dày. Cảm giác tự mình giúp đỡ được ai đó, điều gì đó thật khó tả. Chỉ là một khoảnh khắc trả chúng về khoảng trời tự do mà ai cũng thấy nhẹ nhõm cõi lòng.

Tôi hiểu điều đó khi nhìn khuôn mặt vui vẻ của chồng lúc trèo lên cành cây cao để gỡ dây, giải cứu cho con diều cá mập của thằng nhóc hàng xóm bị “băng”, lật ngửa phơi bụng tuyệt vọng trên nhánh cây dầu cao vút bên hông trường tiểu học.

Ảnh minh họa (internet)
Ảnh minh họa (internet)

Thằng nhóc đó, một đứa con trai đen nhẻm nhưng lại ú nu ú nần, chuyên cởi trần đi thả diều cùng đám người chúng tôi, vào những ngày gió chướng. Nó không phải một tay chơi  diều cừ khôi, ngược lại khá vụng về, chậm chạp. Sau một hồi đánh vật với hướng gió, con cá mập của nó mới chịu lắc lư ngoi lên trời. Nhưng rồi nó chỉ giữ dây điều được một lúc, sau đó thì gió giật nên tuột tay, dây diều rời đi. Con cá mập lảo đảo như say rượu rồi nhanh chóng đâm đầu xuống cành cây.

Thằng nhóc mếu máo chạy theo con diều, chạy đến gốc cây, ngửa mặt lên nhìn con diều tuyệt vọng. Khi thấy chồng tôi đang ngồi canh con diều của thằng con gần đó, nó vội chạy đến năn nỉ: “Chú ơi, chú làm ơn cứu cá mập giúp con!”.

Chồng ngước nhìn cái cây, nhăn mặt. “Cao quá nhóc ơi!”. Thằng nhóc như chực khóc: “Không lấy được nó, con không biết làm sao để về nhà!”. Hỏi ra mới hay nó đã tuột tay đến con thứ… 3 rồi, toàn cá mập, loại tốt nhất, "hầm hố" nhất.

“Chú không giúp là về má tét đít con”. Thằng nhóc hồn nhiên kể lể: “Má con dữ lắm, hở ra là tụi con no đòn liền á! Mà cũng phải, má làm cực khổ mới có tiền cho con sắm cá mập đó chú!”. Cái vẻ hối lỗi của nó khiến chồng vừa tội nghiệp vừa tức cười. Sau một hồi hì hục đu bám, chồng cũng leo lên được nửa cây, lấy cành khô khều con cá mập rơi xuống. Thằng nhóc ôm cá mập lên kiểm tra coi có rách chỗ nào không. Thấy cá mập bình an vô sự, thằng nhỏ mừng quýnh, cảm ơn “người hùng” lia lịa.

Tối đó, thằng nhóc chắc ngủ ngon vì không bị má đánh đòn. Còn tôi cũng rút ra được một điều mà chắc chắn bà mẹ nào cũng từng mắc phải, đó là thói nóng vội trách phạt con khi chưa rõ nguồn cơn, giống má thằng nhóc này. Tôi cũng từng mắng con ầm ĩ khi con liên tục làm mất bút máy, bút màu, thước… thậm chí vài ngàn tiền ăn quà bánh cũng bị mất.

Không phải xót tiền của gì, những thứ linh tinh ấy có đáng là bao. Nhưng một hai ngày lại thấy khuôn mặt thảm não của con trong bữa ăn là biết con lại làm mất đồ. Vậy là trong bữa cơm dù nhiều đồ ăn ngon tôi vẫn bực bội nuốt không trôi. Và con, không ít lần phải ăn cơm khi nước mắt nước mũi tèm lem vì bị mẹ cằn nhằn.

Về sau, có một quãng thời gian con không nói gì về việc mất đồ. Tôi nghĩ con đã biết cách giữ gìn vật dụng của mình, mừng thầm. Nhưng không, con sợ tôi trách mắng đã nhịn tiền ăn sáng, gửi mẹ bạn mua dùm những thứ bị mất để bù vào. Tôi chỉ biết điều đó vào cái hôm con lên cơn đau bụng quằn quại. Bác sĩ nắm tâm lý trẻ nên nhanh chóng chỉ ra bệnh của con.

Sau trận đau đó, tôi thấy mình cần phải tìm hiểu rõ nguồn cơn trước khi trách mắng con. Đâu phải con muốn việc mất mát đó lại xảy ra. Con đâu có lỗi. Tại sao tôi lại cứ vô tư nghĩ rằng mất đồ là lỗi tại con?

 Trẻ con đôi khi chẳng cần ăn ngon mặc đẹp, chỉ cần người lớn thấu hiểu và đồng hành cùng mình. Ảnh: internet
Trẻ con đôi khi chẳng cần ăn ngon mặc đẹp, chỉ cần người lớn thấu hiểu và đồng hành cùng mình. Ảnh: internet

Cũng như má thằng bé, bà chẳng biết những con cá mập của con trai bị mất có khi do gió quá mạnh, dây căng và đứt. Hoặc có đứa chơi xấu kéo dây diều cho tréo dây, “cắt” cho diều thằng nhỏ “băng” chơi, kiểu chơi khăm trẻ con đứa nào cũng có. Nếu bà có đi thả diều cùng con, chắc bà đã không dọa “đánh tét đít” nó. Hoặc có khi chính bà sẽ là “người hùng” giải cứu cá mập cho con cũng nên.

Vậy đó, trẻ con đôi khi chẳng cần ăn ngon mặc đẹp, chỉ cần người lớn thấu hiểu và đồng hành cùng mình. Đừng có hở ra là trách phạt, mắng nhiếc hay “tét đít” chúng, trước khi biết rõ chúng hoàn toàn không có tội vạ gì.

Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI