Con mắc nợ, mẹ sao đành lòng ngó lơ

20/01/2024 - 14:29

PNO - Chị không nên tự ý sử dụng khoản tiền tiết kiệm chung mà không hỏi ý kiến chồng. Điều này sẽ làm mất lòng tin trong gia đình, gây bất đồng khó sửa chữa.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Tôi có 1 đứa con riêng từ cuộc hôn nhân trước. Khi vợ chồng chia tay, con sống với nhà nội ngoài Bắc. Tôi vào Nam sinh sống và lập gia đình lần hai với chồng tôi bây giờ, có thêm 2 con nhỏ.

Do cuộc sống bận rộn nên tôi không có nhiều thời gian cho con. Nhiều khi nghĩ tới cảnh con ở ngoài đó một mình, thiếu cả cha và mẹ (chồng cũ của tôi cũng đã lập gia đình), tôi thấy mình có lỗi. Thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm con, nói chuyện với con, tôi đau lòng lắm nhưng vì hoàn cảnh, tôi không thể mang con về sống chung.

Con trai tôi đang học năm thứ hai đại học. Con thông minh nhưng có những lúc tính tình thất thường, bốc đồng và nhất là rất phụ thuộc vào bạn bè. Tôi hiểu đó là do con thiếu thốn tình cảm gia đình.

Mới đây, con gọi điện cho tôi nói con mắc nợ người ta một khoản tiền, giờ tiền lãi tiền gốc cộng lại cũng gần trăm triệu đồng, con xin tôi gửi tiền giúp con trả nợ. Con nói trong đó có tiền học, tiền mua điện thoại, tiền tiêu xài… Con bảo chủ nợ đã hăm dọa nếu không trả, họ sẽ vô trường “xử” con, về nhà ông bà đập phá đòi nợ.

Nghe giọng con lo lắng, sợ hãi, hình dung con bị người ta đánh đập, lòng dạ tôi như lửa đốt. Hiện tại, tôi chỉ còn một ít tiền là tiền tiết kiệm chung của vợ chồng tôi.

Tôi biết tính chồng tôi hiện tại, nếu tôi đề nghị đem tiền trả nợ cho con riêng, anh ấy chắc chắn không đồng ý, gia đình sẽ căng thẳng. Tôi định âm thầm lấy tiền gửi cho con, để con giải quyết xong việc, rồi tôi sẽ tìm cách xoay xở kiếm tiền trả lại sau.

Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn chưa dám. Không biết còn cách nào đỡ rủi ro hơn để giải quyết chuyện này, xin chị cho tôi lời khuyên.

Nguyên Lê (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị Nguyên Lê thân mến,

Việc này chắc đang gấp gáp, mình phải tính phương án giải quyết nhanh. Làm mẹ, chị khó lòng ngoảnh mặt đi khi con mình đang gặp khó khăn nguy hiểm. Nhưng cần cân nhắc một chuyện: liệu sau khi chị gửi số tiền đó, con trai chị có thực sự thoát khỏi khó khăn, có trả hết nợ nần? Và chuyện này liệu có chấm dứt hay sẽ tái đi tái lại? Trong tình thế này, liệu rồi chị sẽ xoay xở được mấy lần nữa?

Gần trăm triệu đồng là một khoản tiền lớn. Muốn giải quyết vấn đề tận gốc, chị cần về thăm con để hiểu hết cuộc sống thực của con, nắm rõ từng khoản nợ. Có như thế, chị mới có thể thực sự giúp con trả được nợ nần.

Cũng có thể khi tham gia giải quyết, chị phải gặp cả cha mẹ chồng cũ và chồng cũ của chị để nói chuyện, bàn bạc. Con trai chị đang tuổi lớn, tính tình còn hơi bốc đồng, cháu cần sự hỗ trợ của gia đình một cách sâu hơn, rộng hơn chứ không chỉ là tiền. Mà tiền bạc chị cũng đâu có sẵn để trả hết 1 lần. Mình càng nên gặp gỡ, đánh giá tình hình, xem thử có cách nào để thương lượng, thu xếp trả dần cho con. Đó cũng là một phương án tốt.

Hạnh Dung hiểu chị e ngại chuyện nói với chồng, ngại công khai chuyện này trong gia đình mới nhưng có lẽ không còn cách nào khác. Có lẽ chồng chị hiểu chị có trách nhiệm với con, dù là con riêng hay con chung. Chị cần chuẩn bị kỹ kế hoạch “giải cứu” con, rồi tìm cách nói với chồng. Hãy trình bày một cách nhẹ nhàng, mềm mỏng để anh ấy hiểu.

Tiền bạc cũng cần sắp xếp một cách hợp lý. Hẳn sẽ khó nói, khó xử khi tính toán theo kiểu có bao nhiêu tiền chị đều đem hết đi trả nợ cho con riêng. Có thể chị chỉ được dùng một phần, phần còn lại vẫn phải để phòng xa, lo cho gia đình và 2 con chị đang còn nhỏ. Đây cũng là yêu cầu bình thường không phải là chặt chẽ, khe khắt quá. 

Chị không nên tự ý sử dụng khoản tiền tiết kiệm chung mà không hỏi ý kiến chồng. Điều này sẽ làm mất lòng tin trong gia đình, gây bất đồng khó sửa chữa. Chị cần giữ gìn gia đình hiện tại, coi như đó là một nền tảng để chị có thể giúp được con riêng. Chúc chị cân nhắc đầy đủ và thu xếp tốt việc nhà. 

Hạnh Dung

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC 

Phi Phụng (TP Thủ Đức, TPHCM): Thương lượng với chồng mới, chồng cũ để cứu con

Đọc câu chuyện mà bạn kể, tôi thấy bạn và chồng cũ đang thiếu trách nhiệm với con cái. Ai cũng vì mái ấm gia đình riêng mà ít quan tâm con chung, thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi thăm qua loa, chỉ khi con mắc nợ số tiền lớn, rơi vào bước đường cùng thì bạn mới biết. 

Đã đến lúc vợ chồng bạn phải thể hiện trách nhiệm với đứa con đang thiếu thốn tình thương này. Trước tiên, bạn phải kể chuyện này với chồng cũ rồi bàn hướng giải quyết, chồng cũ phải có trách nhiệm hỗ trợ một phần tiền giúp con trả nợ. 

Đồng thời bạn cũng nên kể rõ chuyện này với chồng hiện tại. Đây là con của bạn, nếu anh ấy yêu thương bạn thì chắc chắn sẽ thông cảm và hỗ trợ một phần. Nếu con bạn thực sự thiếu nợ vì lý do chính đáng như đóng học phí, mua điện thoại, tiêu xài hằng ngày… nhưng chồng mới vẫn không đồng ý hỗ trợ thì bạn có thể đề nghị chồng cho phép ứng một phần tiền tiết kiệm, sau đó bạn tìm cách tăng thêm thu nhập từ công việc phụ để bù đắp lại. 

Minh Nghĩa (Càng Long, Trà Vinh): Nhờ cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ 

Bạn và chồng cũ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao con lại thiếu nợ số tiền lớn như vậy. Nếu không tìm hiểu kỹ, có thể sau này sẽ xuất hiện thêm các khoản nợ tương tự vì con bạn đang thiếu thốn tình thương ba mẹ và trong lứa tuổi dễ bị sa ngã. 

Theo lời bạn kể, khoản nợ gần 100 triệu đồng là do lãi mẹ đẻ lãi con, chủ nợ đã hăm dọa, đòi “xử” con, về nhà ông bà đập phá… Như vậy, đây là hành vi cho vay và đòi nợ của các tổ chức tín dụng “đen”. Bạn nên báo cho cơ quan công an địa phương để giải quyết, đồng thời thu thập thêm tài liệu chứng cứ về việc bị hăm dọa thông qua bản ghi âm các cuộc gọi, tin nhắn. 

Khi lựa chọn giải pháp nhờ cơ quan chức năng can thiệp, có thể con trai bạn sẽ bị ảnh hưởng tâm lý vì mắc cỡ với hàng xóm. Nhưng, qua vụ việc trên, con sẽ trưởng thành hơn. Bạn và chồng cũ phải đồng hành quan tâm, chia sẻ cùng con trong giai đoạn này. 

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI