Theo bà T.N.N. (49 tuổi, ở Bình Dương), thường ngày, con gái bà là bé T.Q.A. (13 tuổi) rất hoạt bát, năng động. Nhưng chỉ sau một buổi đi chơi cùng bạn về, bé thay đổi hẳn. Cả nhà nghĩ bé trúng tà, ma nhập.
Hết bị mẹ trừ ta ma đến bác sĩ chẩn đoán bị tâm thần
“Đi chơi về, cháu than mệt, sau đó bị nóng sốt. Tôi chỉ nghĩ do bé đi chơi nên bệnh bình thường. Tuy nhiên, cháu lại thèm ăn kinh khủng, liên tục đòi ăn nhưng thức ăn vừa nuốt vào thì bụng của A. căng cứng, đau nhức.
Cháu gào thét, đập đầu, tự cắn xé mình rồi lại nôn ói, xong lại thiếp đi. Cháu cứ bị liên tục như vậy với tần suất ngày càng nhiều.
Tôi cứ nghĩ con mình bị trúng tà, ma nhập gì đó nên đưa bé đi bà thầy ở gần nhà. Nhưng đi thầy trừ tà hoài không được, cháu cứ ngày càng gầy gò, xót lắm”, bà N. kể.
|
Suốt 6 tháng bị mang đi trừ tà, điều trị sai cách khiến tâm lý của bé A. bị ảnh hưởng nặng nề. |
Trừ tà ma được khoảng 3 tuần, bé A. gần như không ăn được gì nữa, bà N. ôm con đi bệnh viện. Tại các bệnh viện, bé A. được chẩn đoán viêm tá tràng nhưng điều trị một tháng ròng rã không khỏi. Sau đó bé A. được một bệnh viện khác chẩn đoán đau dạ dày, rồi chẩn đoán nhiễm virus HP ở bao tử.
Bệnh mỗi ngày nặng hơn, bé gần như không ăn được, không thể đi tiêu; đi tiểu ra máu. Những cơn đau bụng ngày một nhiều khiến em bị suy kiệt nặng, đòi chết, cắn xé cơ thể liên tục. Xót con, bà N. đưa tay cho bé cắn đỡ đau, người mẹ đầy sẹo sau 4 tháng.
Bốn bệnh viện làm đủ các xét nghiệm như xét nghiệm máu, siêu âm, nội soi, chụp CT… bác sĩ vẫn không thấy sang chấn, hay bất kỳ dấu hiệu nào về thực thể bệnh của bé A. Việc nhập viện chỉ dừng lại ở truyền bù dịch để A. có thể sống sót qua ngày. Cả nhà gần như bế tắc.
Không tìm thấy bệnh thực thể, bác sĩ cho rằng bé bị vấn đề tâm lý, khuyên gia đình đưa bé đến bệnh viện chuyên khoa điều trị. Có bệnh phải vái tứ phương, một lần nữa ba mẹ bé hy vọng tìm được bệnh cho con.
|
Những vết thương do quá đau bé tự cắn xé chính mình |
“Lúc này bé đã suy kiệt nặng lắm, cháu sút giảm 10 ký, không thể tự mình di chuyển được, người gầy trơ xương, than khóc suốt ngày không dừng lại được. Tuy không nghĩ con mình bị tâm lý, nhưng tôi chỉ có duy nhất đứa con gái này, nên tiếp tục cầu cứu bệnh viện.
Người ta nói cháu bị tâm lý nặng, thậm chí cho uống thuốc tâm thần, nhưng la khóc vẫn la khóc, đau đớn vẫn đau đớn. May mắn, có một bác sĩ khuyên tôi đưa con mình gặp bác sĩ Chí của Bệnh viện Nhi Đồng 1”, bà N. nói.
Khi bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Chí, trưởng khoa Siêu âm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM gặp bé A., đọc những chẩn đoán trước đó, bác sĩ Chí nghĩ ngay đến khả năng bé mắc phải hội chứng hiếm gặp – hội chứng kìm mạch máu.
10 năm chỉ gặp 7 ca trẻ mắc hội chứng kiềm mạch máu
Hội chứng kìm mạch máu xuất hiện khi động mạch chủ bụng và động mạch mạc treo tràng trên tạo thành một góc hẹp, kẹp lấy tá tràng. Điều này khiến bệnh nhân đau bụng dữ dội, ăn vào lại đau cứng bụng, nôn ói.
Hội chứng kìm mạch máu là bệnh hiếm gặp ở Việt Nam dễ khiến các bác sĩ chẩn đoán nhầm sang những bệnh về tiêu hóa, hay bệnh đau dạ dày.
|
Để chính xác hơn, bác sĩ Chí chỉ định bé A. siêu âm, nội soi, chụp CT, chụp động mạch… Kết quả đúng như những gì bác sĩ Chí nghi ngờ. Bé bị hội chứng kìm mạch máu, cần phải phẫu thuật gấp để xử lý bệnh.
|
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trung Hiếu động viên bé A. điều trị để sớm được về nhà. Hiện bé đã có thể ăn uống, vận động, đi vệ sinh bình thường trở lại |
“Tuy nhiên, thể trạng bệnh nhi suy kiệt quá nặng, bé suy dinh dưỡng, không còn sức, sụt cân quá nhanh. Bên cạnh đó, mạch máu đã đè lên trên, gây tắc tá tràng, kẹp luôn tĩnh mạch thận khiến cháu đi tiểu ra máu.
Điều này buộc chúng tôi phải hồi sức, sau đó mới phẫu thuật bắc cầu động mạch, nối động mạch phía dưới và trên chỗ tắc để khai thông ruột.
May mắn, cơ thể bé đã vượt qua được. Hiện sức khỏe của bé A. tiến triển rất tốt, bé đã ăn được, có thể đi vệ sinh bình thường, tăng cân trở lại. Thời gian tới, bé có thể xuất viện về nhà”, bác sĩ Chí nói thêm.
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết thêm, hội chứng kìm mạch máu không phải do bẩm sinh. Thông thường, hội chứng này xuất hiện từ biến chứng sẹo phỏng co rút phần bụng, bệnh ung thư, thể trạng người bệnh suy kiệt, hay người bệnh có vấn đề về cột sống.
Những nguyên nhân này khiến cho góc động mạch chủ bụng và động mạch mạc treo tràng trên hẹp lại, kẹp lấy tá tràng. Cũng có thể do tá tràng vì một nguyên nhân nào đó bị đẩy lên trên. Người bệnh không ăn uống được, ăn hay không ăn đều bị những cơn đau thắt bụng hành hạ. Cơ thể từ đó suy kiệt, không đi tiêu được, rất nguy hiểm.
|
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Chí, hội chứng kìm mạch máu dễ nhầm lẫn với những bệnh về tiêu hóa, dạ dày,... |
Hội chứng kìm mạch máu rất dễ bị nhầm lẫn với những bệnh như đau dạ dày, viêm tá tràng, biếng ăn,… ở trẻ nhỏ. Sự chậm trễ trong chẩn đoán hội chứng này, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng cấp gây tử vong, mất nước, thiểu niệu, hạ kali máu, vỡ dạ dày cấp tính hoặc thủng ruột (do thiếu máu mạc treo tràng trên kéo dài), giãn dạ dày, xuất huyết tiêu hoá tự phát đường tiêu hóa trên, sốc giảm lưu lượng máu, viêm phổi sặc, hoặc trụy tim mạch đột ngột.
Theo ước tính, tỷ lệ tử vong của hội chứng kiềm mạch máu chiếm đến 1/3 tổng số người bệnh do hội chứng này khá hiếm gặp.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 10 năm qua chỉ gặp khoảng 7 trường hợp mắc hội chứng này. Nếu mắc bệnh này, trẻ sẽ không dám ăn uống vì khi ăn vào sẽ rất đau, lúc này phụ huynh thường hay nghĩ trẻ giả bệnh vì biếng ăn nên càng ép khiến trẻ rất đau đớn.
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trung Hiếu khuyến cáo: “Nếu thấy trẻ có những bất thường như: đau bụng, bụng trương cứng, buồn nôn, ói mửa ngay khi vừa ăn vào, mỗi lần đau bụng thì đau dồn dập phải cúi gập, gồng cứng người, thể trạng ngày một gầy gò, gù vẹo hoặc ưỡn cột sống, sụt cân nhanh chóng, không đi tiêu được,… phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa ngay để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Lưu người bệnh ở nhà quá lâu có thể dẫn đến đột quỵ, tử vong”.
|
Phạm An