Con mắc bệnh, cha mẹ tưởng… hiếu động, thông minh

08/05/2019 - 10:00

PNO - Thấy con nghịch ngợm nhưng nhanh nhẹn và tính toán giỏi nên gia đình cháu N.M.H. hoàn toàn bất ngờ khi được giáo viên khuyến cáo đưa đi khám bệnh và kết quả trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý…

Khả năng tập trung kém

Được cô giáo phát hiện, nhắc nhở, cha mẹ cháu N.M.H. (8 tuổi, Hà Nội) té ngửa khi đưa con đến bệnh viện khám và phát hiện trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý.

Con mac benh, cha me tuong… hieu dong, thong minh
Bác sĩ Lê Công Thiện (bìa trái) chia sẻ thông tin về bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý

Theo chia sẻ của gia đình, từ nhỏ H. rất nghịch ngợm, chân tay hoạt động không ngừng. Tuy nhiên, cháu tính toán rất tốt và nhanh nhẹn, hoạt bát nên gia đình nghĩ trẻ hoàn toàn bình thường.

“Khi vào lớp Một, việc học của cháu cũng không khó khăn. Cháu học số, học đếm tốt. Nhưng từ lớp Hai, khi học môn tiếng Việt, cô giáo phát hiện cháu rất khó khăn để viết một đoạn văn, khả năng tập trung kém. Vì vậy, cô giáo khuyên nên đưa cháu đi khám”, mẹ của H. vẫn chưa hết ngạc nhiên khi con mình mắc chứng bệnh này.

Tương tự, cháu N.T.K. (Hà Nội) hiện 16 tuổi nhưng đã trải qua tám năm điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) vì chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.

Khi nhập viện, K. có các triệu chứng rất tăng động, nghịch ngợm. Thời gian đầu điều trị bằng thuốc, triệu chứng tăng động giảm nhưng triệu chứng hay quên lại tăng lên. Sau khi đổi thuốc điều trị, tình trạng bệnh cải thiện. Lúc này, gia đình thấy K. có tiến triển khả quan nên tự ý dừng điều trị. Kết quả là sau một thời gian, các biểu hiện bệnh lại tái phát và K. phải điều trị trở lại tới bây giờ. 

Thạc sĩ - bác sĩ Lê Công Thiện - Trưởng phòng Điều trị tâm thần nhi, Viện Sức khỏe tâm thần - cho biết, rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Theo một công bố gần đây, trong số 1.320 trẻ tại Việt Nam được nghiên cứu, tỷ lệ trẻ có vấn đề về chú ý chiếm khoảng 4%. Còn trên thế giới, con số mắc rối loạn tăng động giảm chú ý từ 3-5% dân số. Bệnh thường khởi phát từ trước khi trẻ lên bảy tuổi và tỷ lệ ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ với biểu hiện phổ biến là không tập trung chú ý, hoạt động không kiểm soát, tăng hoạt động. 

Thực tế, tại Viện Sức khỏe tâm thần, lượng bệnh nhân mắc chứng bệnh này đến khám khá nhiều và có xu hướng gia tăng. Phần lớn trẻ vào khám là do thầy cô phát hiện triệu chứng và thông báo với gia đình.

Nguy cơ rối loạn tâm thần

Theo bác sĩ Lê Công Thiện, có thể phát hiện sớm các biểu hiện của chứng bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý từ khi trẻ sơ sinh. Thông thường, trẻ nhạy cảm hơn với ánh sáng, hay khóc, rối loạn giấc ngủ ban đêm. “Tuy nhiên, không phải cứ có biểu hiện này là tăng động, đây chỉ là nguy cơ để đánh giá tình trạng của trẻ bên cạnh nhiều yếu tố khác như trẻ có thể bị đói, lạnh”, bác sĩ Thiện lưu ý. 

Khi lớn hơn, trẻ mắc bệnh này có một số triệu chứng như thiếu kiên trì trong các hoạt động đòi hỏi sự tham gia của nhận thức. Trẻ dễ xung động, cảm xúc, ví dụ như cô giáo chưa hỏi hết trẻ đã trả lời xong hoặc nói quá nhiều, khó khăn trong việc tuân thủ yêu cầu từ người khác. Bên cạnh đó, trẻ thường xuyên quên.

“Nhiều phụ huynh băn khoăn, làm thế nào để phân biệt đứa trẻ hiếu động và rối loạn tăng động giảm chú ý. Có thể hình dung, hiếu động là nghịch nhiều nhưng đúng mục đích. Ngoài ra, trẻ có thể tập trung được trong một thời gian nhất định để học và việc trẻ “nghịch ngợm” không ảnh hưởng tới kết quả học tập, tiếp thu của trẻ”, bác sĩ Thiện phân tích.

Các chuyên gia phân tích, căn bệnh này còn có thể hỗn hợp, trong đó, biểu hiện “giảm chú ý” khó phát hiện nhất. Trẻ ít nói, nghe lời nhưng không làm được gì, việc tiếp thu kiến thức chậm chạp. Cũng vì tưởng trẻ quá “ngoan” nên thường phát hiện bệnh muộn, dẫn tới việc can thiệp trở nên khó khăn và dài hơi hơn.

Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý đối diện với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp, phát triển cảm xúc cũng như các kỹ năng xã hội. Đặc biệt, những trẻ này có nguy cơ cao hơn mắc kết hợp các rối loạn tâm thần khác, tăng nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, hành vi phạm tội cũng như tai nạn so với trẻ bình thường. 

Đáng chú ý, hơn 50% bệnh nhi được chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ tiếp tục có những biểu hiện triệu chứng trong suốt thời kỳ thanh thiếu niên và hơn một nửa có những suy giảm chức năng xã hội ở tuổi trưởng thành.

“Các nghiên cứu cho thấy, có khoảng 4-5% người trưởng thành cũng bị rối loạn này. Tại bệnh viện, khi tiếp nhận điều trị cho một số trẻ bị tăng động giảm chú ý, qua hỏi bệnh chúng tôi phát hiện cả cha cháu bé cũng có triệu chứng bệnh”, bác sĩ Thiện nói. 

Bác sĩ Lê Công Thiện cho biết, điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý không quá phức tạp, nhưng do đây là bệnh mạn tính nên quan trọng là phải tuân thủ điều trị, theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ. Thời gian tối thiểu để bệnh nhân uống thuốc điều trị bệnh là 12 tháng. Một trong những sai lầm phổ biến của các gia đình là tự ý ngưng điều trị, dẫn đến trẻ tái phát, để lại hậu quả nghiêm trọng và khó khắc phục.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI