|
Mối quan hệ tối với mẹ chồng phần nào nguôi ngoai nỗi đau hậu ly hôn (Ảnh minh họa) |
Chị gửi con gái mới bốn tháng cho cha mẹ giữ và âm thầm lên TP.HCM tìm chồng. Nửa đêm, chị L. ập vào phòng trọ (nhà vợ chồng chị thuê trước đây), chị bắt quả tang chồng đang ôm ấp nhân tình.
Nhìn quanh phòng trọ, chị L. phát hiện quần áo, vật dụng của người phụ nữ ở khắp phòng, cho thấy cô ta như là chủ nhân của căn phòng này. Chị uất ức và đau đến mức chỉ biết ngồi khóc. Còn ông chồng trước đây hay chửi phủ đầu vợ khi chị gọi điện truy vấn không thể chối tội. Anh Đoàn M.T. chỉ ngồi im lặng trước hai người phụ nữ.
Sau lần bắt quả tang này, tình nhân của chồng chị L. công khai đăng hình hai người đi chơi trên mạng xã hội và gọi nhau là chồng - vợ. Anh T. miệng nói vẫn thương vợ, nhưng tránh né những cuộc gọi của vợ. Ba mẹ chồng chị L. ở xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long hay tin liền bắt xe đò lên TP.HCM để giành công bằng cho con dâu.
Trước mặt cha mẹ, anh T. hứa quay về với vợ con. Thế nhưng, sau đó anh T. vẫn cặp kè với người phụ nữ kia. Chị L. và cha mẹ chồng nhỏ to để anh quay về với gia đình, nhưng sau cùng anh lựa chọn người thứ ba.
Trái tim chị L. tan nát. Chị quyết định ly hôn. Anh T. bất ngờ và tự ái, nhưng vẫn không về với vợ con, mà dặn chị L. làm thủ tục, khi nào tòa gọi anh sẽ về hầu tòa. Hai bên căng thẳng, các cuộc điện thoại chỉ nói được câu thứ hai là một bên dập máy.
Chuyện con cái và món nợ gần nửa tỷ đồng nhờ ba mẹ chị L. vay dùm do anh T. làm ăn thua lỗ, anh lơ luôn. Cha mẹ chị L. rất giận chàng rể bội bạc. Ông bà định mời cha mẹ anh T. qua An Giang bàn chuyện ly hôn của đôi vợ chồng trẻ, nhưng họ chưa kịp gọi thì gia đình anh T. bỏ buổi bán ở chợ (ông bà bán hủ tíu ở Vĩnh Long) chủ động đi gặp sui gia.
Ai cũng nghĩ cuộc gặp sẽ căng thẳng, nảy lửa, vì bên nào cũng yêu thương núm ruột của mình, và sợ hai bên nội ngoại sẽ xảy ra cuộc chiến giành cháu. Nhưng điều thường thấy trong các cuộc ly hôn đã không xảy ra. Hai bên sui gia không trách cứ, nặng nhẹ, đổ lỗi cho nhau.
Cha mẹ anh T. nhận lỗi về phía mình vì đã không dạy được con, ông bà xin lỗi con dâu, xin lỗi cha mẹ chị L. Mẹ anh T. dành rất nhiều thời gian để an ủi, vỗ về con dâu. Bà cũng nói rõ con trai ngoại tình nên không còn xứng đáng với tình yêu của chị L. và không xứng đáng để chị L. buồn.
Bà khuyên chị L. hãy quên người chồng bội bạc và lấy con làm niềm vui. Cuộc gặp gỡ với cha mẹ chồng an ủi chị L. rất nhiều, giúp chị nguôi ngoại phần nào. Đồng thời, cha mẹ chị L. cũng bớt giận chàng rể tệ bạc, họ xem như đó là vận xui của mình.
Nhờ cha mẹ hai bên cư xử hòa nhã nên mối quan hệ của chị L. và anh T. cũng giảm nhiệt. Hai người chia tay tuy không mấy vui vẻ, và không thể trở thành bạn bè thời hậu ly hôn, nhưng việc chia tay trong hòa bình, không một lời chửi mắng, trách cứ, đổ lỗi nhau đã là quá lạ, quá hiếm.
Anh T. đồng ý để con gái cho chị L. nuôi, không còn tranh giành, hăm dọa bắt con đem giấu. Chị L. và cha mẹ chị chấp nhận gánh số nợ mà trước chồng chị làm ăn thua lỗ (nhà chồng chị cũng góp trả một ít).
Hậu ly hôn, chị L. và chồng cũ ít giao tiếp, nhưng chị và gia đình chị với nhà chồng còn gần gũi hơn xưa. Chị L. kể: “Ngày chúng tôi chia tay, mẹ Diễm (mẹ chồng) nói với tôi: “Mình không có duyên là mẹ chồng - con dâu lâu dài, nhưng mẹ sẽ luôn coi con như là con gái của mẹ”. Còn với mẹ tôi, mẹ Diễm nói: “Mình không làm sui gia nữa thì làm chị em, chị em mình còn gặp nhau thường xuyên vì còn có Bánh Mì (con chị L.- anh T.)”. Thật sự, vì gia đình chồng cư xử nhẹ nhàng và tình cảm nên tôi đỡ tủi thân và cũng không còn giận cha Bánh Mì nữa”.
Suốt bảy năm qua, cứ cách hai - ba ngày là chị L. và mẹ chồng cũ lại gọi điện thoại, nhắn tin “tám” với nhau. Bà rời quê Vĩnh Long lên Bình Dương đi làm thuê cũng báo con dâu cũ. Con trai út cưới vợ cũng cho con dâu hay tin vui. Ba chồng bị tai nạn gãy chân cũng chia sẻ nỗi niềm với con dâu cũ... Ngược lại, buồn vui gì chị L. cũng kể, chia sẻ với mẹ chồng. Khi chị có tình yêu mới và những giận hờn, hiểu lầm xảy ra, mẹ chồng cũ là người tư vấn cho chị để vượt qua sóng gió và hai nguời đã tiến đến hôn nhân.
|
Tin nhắn tình cảm giữa chị L. và mẹ chồng cũ |
Hai bà “cựu sui” cũng như chị em khi hằng tuần đều thăm hỏi, trò chuyện với nhau. Bà Đặng Thị Nghiêm, mẹ chị L., mỗi khi nhắc đến mẹ chồng cũ chị L. đều tấm tắc: “Thằng rể không được nhưng bà nội Bánh Mì rất tử tế, biết điều. Bà nội đi làm mướn vất vả, cuộc sống còn khó khăn, nhưng tháng nào, ngay cả mùa dịch khó khăn, cũng đều đặn gửi tiền chu cấp cho cháu nội. Thấy ông bà nội Bánh Mì nặng nợ con cái nên vợ chồng tôi cũng quên hết chuyện không vui của con rể, giờ chúng tôi như chị em, hay gọi điện tâm sự chuyện Bánh Mì, chuyện làm ăn, chuyện trên trời dưới đất”.
Từ cuộc hôn nhân đổ vỡ trong cảnh không thể đau lòng hơn, ai cũng nghĩ hậu cuộc hôn nhân này sẽ đầy oán thán và hận thù. Nhưng đã 7 năm trôi qua, bằng sự bao dung, hiểu chuyện, hành xử đẹp của người lớn nên câu chuyện ly hôn của chị L. - anh T. đã trở nên nhẹ nhàng.
Trong các cuộc ly hôn, không chỉ hai nhân vật chính mới quyết định chuyện chia tay văn minh, nhẹ nhàng hay nặng nề, tổn thương. Mà cha mẹ hai bên cũng có vai trò rất quan trọng trong hành trình giải quyết chuyện ly hôn, cũng như việc xác lập mối quan hệ thời hậu hôn nhân của con cái.
Thuỳ Dương