Còn lý do gì để chúng tôi lặng im?

01/05/2021 - 05:58

PNO - Lịch sử nước Mỹ luôn gắn với kỳ thị và tranh đấu chống kỳ thị. Kỳ thị người gốc Á là một vùng tối trong lịch sử Mỹ nhưng thường bị che lấp khiến nhiều người gốc Á đến giờ vẫn chưa biết hoặc không muốn biết hoặc muốn lờ đi, với bản chất cam chịu cùng định kiến thiểu số kiểu mẫu đè nặng.

Thứ Bảy tuần trước, chúng tôi tham gia buổi biểu tình chống kỳ thị người châu Á “Stop Asian Hate” ở thành phố Irvine gần nhà. Khi đi, tôi dặn hai con: “Đừng cho bà nội biết”. Má chồng tôi đã ngoài 80, vẫn nghe đài, xem ti vi, đọc báo. Bà biết rõ chuyện kỳ thị đang diễn ra, nhiều người già bị tấn công... Bà phẫn nộ, than thở. Thế nhưng, nếu bà biết chúng tôi tham gia biểu tình, chắc chắn bà sẽ cản.

Gia đình tác giả  trong cuộc tuần hành “Stop Asian Hate”  ngày 3/4 tại Irvine, California
Gia đình tác giả trong cuộc tuần hành “Stop Asian Hate” ngày 3/4 tại Irvine, California

Không muốn làm người vô hình

Có lẽ má chồng tôi cũng không khác gì người mẹ của Lê Hoàng Nguyên ở Houston, Texas. 

Trả lời phỏng vấn của một đài truyền hình ở Houston, ông Nguyên nói mình không sợ hãi nhưng điều khiến ông buồn nhất là suốt mười ngày sau sự việc, mẹ ông không ngủ được bởi có những người đồng hương lên Facebook, YouTube đòi “treo cổ thằng Nguyên”. “Đó là một vết đau”, ông Nguyên nói.

Tôi nhớ, trong những ngày nước Mỹ dậy sóng Black Lives Matter tháng Sáu năm ngoái, tôi cũng đã đau lòng và bất ngờ thế nào khi đọc được bài tập về nhà đề tài "chống kỳ thị" của Như - con gái tôi, học lớp Bảy. Bài con viết có đoạn: “Là một người Mỹ gốc Á, tôi đã phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc ngay trong trường học khi thường xuyên bị trêu ghẹo về đôi mắt nhỏ của mình; khi tôi bị điểm C trong bài kiểm tra, một cậu bạn cười mỉa: “Tất cả dân châu Á được cho là thông minh mà?!” và khi một số đứa khác vẫn hỏi tôi hay ăn thịt loại chó nào. Tôi đã học cách tự đứng lên thay vì về nhà nằm khóc với nỗi ước ao rằng mình sẽ là người da trắng”. 

Jeff Lê - viên chức chính phủ, một người gốc Việt được xem là khá thành công trong xã hội Mỹ - đã thốt lên trong những bài viết gây tiếng vang gần đây trên Politico, BBC... về trải nghiệm kỳ thị trong chính cuộc đời và sự nghiệp của mình: "Sau những thành quả ban đầu, chúng ta dễ bị mắc vào cái bẫy “Thiểu số gương mẫu” (model minority). Đó là một cái bẫy, đặc biệt khi chúng ta được dạy rằng cách tốt nhất để thành công ở Mỹ là tránh tạo sự chú ý, tránh gây rắc rối. Chỉ cần im lặng, nhẫn nhịn, chỉ cần cắm cúi làm việc thật chăm chỉ, cứ mãi thế là chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề và sẽ được công nhận. Điều đó không đúng. Hãy nhìn cho rõ. Chúng ta không phải là người da trắng... Khi cố gắng ẩn mình và nhịn nhục, người gốc Á đã tự biến mình thành vô hình”. 

Đứa con gái 13 tuổi của tôi đã quyết định không biến mình thành “người vô hình”. Từ những ngày tháng Sáu đó, con tôi bắt đầu tham gia các nhóm tranh luận với bạn bè trong trường về chủ đề kỳ thị, thậm chí chấp nhận “nghỉ chơi” với một cô bạn người Mỹ sau một cuộc tranh luận “nảy lửa” về Black Lives Matter. Chính con bé đã khiến chúng tôi phải suy nghĩ, chính nó đã dạy lại chúng tôi bài học về sự “không im lặng”.

Với Jeff Lê cũng vậy, tác động lớn nhất với anh chính là đứa con. Trả lời BBC hôm 13/4, anh bộc bạch: “Khoảng thời gian con mới chào đời, tôi luôn băn khoăn với ý nghĩ con mình là người châu Á, là người Việt, mai sau liệu con có được tôn trọng, đối xử bình đẳng không. Càng nghĩ, tôi càng biết nếu tôi không lên tiếng, không làm tất cả những gì có thể từ bây giờ, không chắc con tôi sẽ đạt được những điều bình thường đó”. 

Người gốc Việt trong cuộc xuống đường Chống thù ghét người gốc Á hôm 3/4/2021 tại Irvine
Người gốc Việt trong cuộc xuống đường Chống thù ghét người gốc Á hôm 3/4/2021 tại Irvine

Quá đủ rồi!

Mẹ chồng tôi, mẹ Lê Hoàng Nguyên, cha mẹ Jeff Lê... cũng như tất cả những ông cha bà mẹ gốc Việt thế hệ thứ nhất đã sống hơn nửa đời người trên đất Mỹ đều cật lực làm việc và cật lực nhẫn nhịn với hy vọng tạo dựng tương lai tốt đẹp cho con cháu. Con cháu họ đã có những thành quả hội nhập ở đây như Jeff Lê nhưng nạn kỳ thị chưa hề lùi bước.

Lịch sử nước Mỹ luôn gắn với kỳ thị và tranh đấu chống kỳ thị. Kỳ thị người gốc Á là một vùng tối trong lịch sử Mỹ nhưng thường bị che lấp khiến nhiều người gốc Á đến giờ vẫn chưa biết hoặc không muốn biết hoặc muốn lờ đi, với bản chất cam chịu cùng định kiến thiểu số kiểu mẫu đè nặng. 

“Thiểu số kiểu mẫu” là một cụm từ được nhào nặn ra để đối phó với phong trào đòi quyền lợi của người gốc Phi những năm 60 của thế kỷ trước, khi các học giả người Mỹ da trắng quay ra ca ngợi người gốc Á thành công nhờ chăm chỉ làm việc, tuân thủ pháp luật mà không đòi hỏi quyền lợi. Việc này vừa ngăn cản động lực tranh đấu của người gốc Phi vừa tránh cho chính quyền phải quan tâm đến các vấn đề của người gốc Á và khiến nhóm thiểu số này không liên kết với nhau trong các cuộc vận động đòi công lý, chống phân biệt chủng tộc.

Tranh của họa sĩ gốc Á Amanda Phingbodhipakkiya tại một trạm tàu điện ngầm ở Brooklyn, New York với thông điệp “đây cũng là nhà của chúng tôi” (Nguồn: STRF/STAR MAX/IPx)
Tranh của họa sĩ gốc Á Amanda Phingbodhipakkiya tại một trạm tàu điện ngầm ở Brooklyn, New York với thông điệp “đây cũng là nhà của chúng tôi” (Nguồn: STRF/STAR MAX/IPx)

 

Nhiều thống kê như của Pew Research từ năm 2012 đã cho thấy khoảng 20% người gốc Á thừa nhận họ bị đối xử bất công vì lý do sắc tộc nhưng chỉ 13% người gốc Á cho rằng phân biệt chủng tộc với người châu Á ở Mỹ là vấn đề lớn, 48% coi đó là vấn đề nhỏ và 35% cho rằng đó không phải là vấn đề. 

Đến khi dịch Covid-19 hoành hành nước Mỹ, cơn thù ghét người gốc Á cũng bùng nổ với hàng ngàn trường hợp tấn công và kỳ thị được ghi nhận hơn một năm qua, tỷ lệ tội ác thù hận với người gốc Á tăng tới 150% tại 16 thành phố lớn vào năm 2020... khi “một giây phút trước chúng ta là người Mỹ nhưng giây phút tiếp theo, chúng ta có thể bị coi là “người nước ngoài”, bị cho rằng đã mang con vi-rút này đến đây” như trong bài báo hồi tháng Hai của Eric Toda - một giám đốc điều hành tiếp thị nổi tiếng ở Mỹ. Người gốc Á xuống đường với phong trào Stop Asian Hate khắp nước Mỹ. Họ đã cất tiếng nói mạnh mẽ: Enough! (Quá đủ rồi!).

Trong khi tổng thống Joe Biden và chính quyền của ông tích cực phản đối nạn kỳ thị người gốc Á, thúc đẩy Thượng viện thông qua dự luật chống tội ác thù ghét người gốc Á, ủng hộ sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng gốc Á, riêng cộng đồng gốc Việt vẫn khá dè dặt dù có một số trường hợp nạn nhân gốc Việt đã được ghi nhận gần đây. Cuộc xuống đường (hiếm hoi) “Stop Asian Hate” của một nhóm người Việt tổ chức sáng 3/4 vừa rồi ở Fountain Valley (quận Cam) đã bị một nhóm người Việt khác phản đối, chửi bới. 

Đó là một thực tế chia rẽ trong cộng đồng người Việt giữa một nước Mỹ cũng đầy chia rẽ sau cuộc bầu cử 2020. Nó lại càng khiến những người lớn tuổi không muốn con cháu mình lên tiếng, phản kháng.
Cũng như chúng tôi vẫn nghe đầy tai lập luận của không ít đồng hương trên các diễn đàn rằng: hãy thôi hát bài ca kỳ thị, ở đâu cũng có kỳ thị bất công, cuộc sống vốn là thế... Con gái tôi, từ năm lớp Hai đã biết đến Martin Luther King, Rosa Parks để từ đó dần hiểu rằng: nếu không có những người gốc Phi ấy cùng sự tranh đấu bền bỉ của họ, nếu ai cũng chấp nhận bất công thì liệu nước Mỹ có được như hôm nay với các giá trị tự do dân chủ mà những người gốc Á như chúng tôi đang thụ hưởng. 

Nên chẳng khó khăn gì để con gái tôi quyết định cùng cha mẹ tham gia các cuộc tuần hành "Stop Asian Hate". Không những thế, con tôi còn tự tay vẽ các khẩu hiệu mang theo. 
Hôm thứ Bảy rồi, đến lớp dạy tự vệ miễn phí cho người cao tuổi gốc Việt do Trung tâm võ thuật Việt Nam vừa mở, tôi để ý một bà cụ lưng còng, đứng ở góc võ đường. Nhìn bà run run tập những động tác ngoặt tay, lên gối... mà tôi cay mắt. Ở tuổi gần đất xa trời, một bà cụ Việt Nam lưng còng đang phải lo sợ mối nguy hiểm nào đây?

Vậy thì còn lý do gì để chúng ta im lặng? 

Bài và ảnh: Thuý Hà

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI