Có đến năm đứa con, từng sở hữu nhiều căn nhà nhưng ở tuổi 65, bệnh hen suyễn nặng, ông Nguyễn Văn T. (xã Đông Hòa, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) lại phải sống cảnh vô gia cư, ở nhờ hết nhà bạn này đến nhà bạn kia, phải tự chăm sóc mình những đợt nằm viện.
|
Xuất viện, không biết về đâu, ông Nguyễn Văn T. đứng nhìn căn nhà cha con đang tranh chấp trong tâm trạng bẽ bàng |
Bức xúc cho hoàn cảnh éo le, khổ sở, hàng xóm mách ông tìm đến Báo Phụ Nữ để trình báo về tình trạng bị chính con ruột ngược đãi sau khi đã lừa chiếm nhà.
Lật kèo?
Cuộc hôn nhân 40 năm của ông T. lắm thăng trầm, chia tay rồi lại tái hợp, nhưng cuộc sống chung ngày thêm nặng nề. Nhận thấy không còn tình cảm, ông T. quyết tâm đơn phương ly hôn.
Quyết tâm này được thể hiện rõ khi thẩm phán TAND H. Trảng Bom nỗ lực hòa giải nhưng ông T. tuyên bố: “Tôi bệnh nặng, có thể tắt thở bất cứ lúc nào. Nếu tôi chết mà chưa giải quyết ly hôn kịp thì xin hãy đặt tờ đơn này vào hòm cùng tôi!”.
Tòa đã chấp thuận cho ông bà ly hôn vào cuối năm 2015. Cũng vì muốn chia tay nhanh gọn, êm đẹp, ông T. không nhờ tòa phân chia tài sản, hai người tự thỏa thuận và đó là căn nguyên của những rắc rối về sau.
Như đã giao ước, ngày 31/3/2016, ông bà cùng con gái út Nguyễn Ngọc Thiên N. đến phòng công chứng để lập ba hợp đồng: tặng cho căn nhà lớn do ông bà đứng tên cho N. (theo ông, căn nhà này nguồn gốc là tài sản riêng của ông vì được cha đẻ cho riêng), ngược lại N. sẽ đổi cho ông đứng tên căn nhà nhỏ của cô (theo ông, căn nhà này cũng từng là của ông, ông cho bà) kèm theo khoản tiền bù 780 triệu đồng.
Ông T. chua chát nhận ra ngay từ đầu, N. đã rắp tâm lừa lọc mà ông không cảnh giác. Giận tái mặt, ông kể lại đầu đuôi sự việc. Đầu tháng 4, N. bảo ông đưa giấy tờ căn nhà nhỏ và hứa sau đó cô sẽ đưa cho ông giấy tờ căn nhà lớn để ông cho thuê, lấy tiền sinh sống, trị bệnh.
Ông tin tưởng, giao giấy tờ nhà, N. nhận và nói: “Mẹ giữ giấy tờ của bố, hiện mẹ không có ở nhà, lúc nào mẹ về con sẽ lấy đưa cho bố”. Chờ mấy ngày vẫn không thấy con đưa giấy tờ, ông hỏi thì con lại viện cớ mẹ đi Tây Ninh chưa về.
Hai ngày sau, cô N. lại nói sáng nay sẽ nhờ anh đi tìm mẹ về. Buổi tối, ông quay lại lấy giấy thì N. thản nhiên trả lời: “Mẹ không đưa”. Bực tức, ông đòi lại giấy tờ đã giao hôm trước thì vợ cũ cùng con gái út, con trai phản đòn: “Không biết gì hết”.
Ngay hôm sau, ông T. làm đơn ngăn chặn khẩn cấp việc sang tên nhà đất cho N. thì bất ngờ nhận được công văn trả lời của Văn phòng đất đai tỉnh Đồng Nai - chi nhánh huyện Trảng Bom với nội dung: “Đã sang tên từ ngày 1/4/2016 đến ngày 7/4/2016 thì hoàn tất thủ tục sang tên. Văn phòng không thể ngăn chặn được nữa”.
Ngày hoàn tất này trùng khớp với ngày con trở mặt thách thức ông. Biết đã sập bẫy, ông T. làm dữ, đòi giấy, vợ cũ ông nói đã đốt rồi và hứa sẽ đi làm lại cho ông. Nhưng khi đã cầm được hợp đồng công chứng sang tặng căn nhà nhỏ, ông vẫn không thể làm thủ tục sang tên được vì N. đã nhanh tay nộp đơn ngăn chặn.
Những đứa con hắt hủi cha
Hỏi đến chuyện lùm xùm nhà ông T., nhiều người dân trong xóm ngao ngán phản đối hành động của vợ cũ ông cùng hai con. Về vấn đề đứng tên giấy tờ, họ không cập nhật chính xác nhưng biết ông đã sinh sống từ lâu trong những căn nhà này.
Nhiều người bất bình khi chứng kiến cảnh ông về nhà nhưng bị ba người thân trong gia đình xua đuổi, các con chửi mắng. Đồ đạc của ông bị người nhà quăng ra sân. Sợ mưa ướt máy thở, không thể sơ cứu khi bị cắt cơn, ông vội vã kéo sang nhà hàng xóm để gửi.
Căm phẫn hành động bất nhẫn, ông hàng xóm sang nói chuyện phải trái: “Nếu giả sử đây là nhà của cháu đi chăng nữa thì cháu cũng không thể đuổi bố đang bị bệnh ra ngoài lúc trời mưa gió”, nhưng con ông vẫn bơ đi. Sự việc đã được Công an xã Đông Hòa can thiệp, lập lại trật tự nhưng không xử phạt hành chính. Ông T. chưa nộp đơn cho UBND xã nhờ hòa giải, xử lý về tình trạng bị ngược đãi nên chính quyền chưa nắm rõ nội tình.
Quá uất ức, bệnh ông T. trở nặng, phải cấp cứu tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Em của ông T. cho biết, khi liên hệ N. yêu cầu đưa bệnh án cũ của ông T. đang cất tại nhà, N. trả lời: “Đã bán ve chai hết rồi”. Tức giận, thất vọng với đứa cháu bất hiếu, ông hỏi: “Anh tôi nhà đất nhiều mà giờ ông sắp chết, không biết sẽ đem đi đâu!”. N. lạnh lùng đáp: “Nếu chết thì đem về đây tôi đốt cho, còn sống thì đừng về!”.
Nơi hành lang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, rồi Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom, ông T. rớm nước mắt cảm động khi đông đảo bạn bè đến thăm nom, săn sóc. “Nhiều khi tôi tự hỏi không biết hai đứa nó có phải là con tôi không mà lại đối xử với cha mình như vậy. Có khi tôi nghĩ nếu mình chết sẽ nhẹ nhàng hơn. Rồi ngẫm lại hai đứa con gái lớn ở Mỹ thương quý bố, lỡ mình có bề gì tội cho nó.
Hai đứa muốn rước tôi qua Mỹ định cư, nhưng chi phí chữa bệnh đắt đỏ quá, tôi không đành lòng để con nặng gánh trong khi tài sản của tôi đáng lẽ các con đều được hưởng thì đứa út đã thâu tóm hết. Vui sướng gì khi người cha đi kiện con mình ra tòa. Nhưng tôi không thể để yên cho con làm chuyện sai quấy, tương lai nó sẽ thế nào nếu lừa lọc mà sống, gian dối, tráo trở với cả cha?” - ông nghẹn lời, thở dốc.
Người viết bài tìm đến tận nhà để tìm hiểu, vừa nghe đến việc ông T. nộp đơn trình báo bị con lừa chiếm nhà, ngược đãi, vợ cũ của ông trề môi: “Con ngược đãi có nguyên do. Từ xưa giờ, ông đã lo gì cho vợ con? Tôi thì chăm con chăm chồng, còn ông chỉ đi nhông, mèo mỡ hết cô này tới cô khác".
Ở Tòa án tỉnh Đồng Nai, nghe cha kiện con ai cũng trố mắt: “Hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con mà ổng lại kiện con, bêu xấu nó”. Nguyễn Ngọc S., con trai ông T. không tạo điều kiện cho người viết bài tiếp xúc với em gái út là cô N., ánh mắt căm giận khi nói về bố mình, S. gằn giọng: “Ổng đã gieo thì ổng phải gặt thôi!”.
“Gieo - gặt”, tôi rùng mình khi nghe S. nhắc đến quy luật ngàn đời, không chừa ai ấy…
Tô Diệu Hiền
"Nếu ổng biết quay đầu là bờ"
* Phóng viên: Anh nghĩ thế nào về việc bố anh kiện con gái út lừa chiếm nhà?
- Anh Nguyễn Ngọc S.: Đó là nhà N. đứng tên. Nếu ổng có tâm tốt thì không đi kiện con mình. Ổng bêu xấu, còn ai dám cưới nó nữa? Ổng đã kiện thì để Tòa án Đồng Nai giải quyết dựa trên văn bản, giấy tờ.
* Mẹ và hai anh em của anh đang sinh sống, kinh doanh ngay trên căn nhà có nguồn gốc từ bố anh, mà bố hiện già yếu, bệnh nguy kịch lại không chốn nương thân, anh và em út có xót?
- Chị đừng hỏi những câu… khó trả lời như vậy. Có xót cho bố mình không à? Chị phải đặt trong hoàn cảnh nào, thực tế nào mới đưa đến những cảm xúc đó. Chị có biết là tôi và em trai (hiện sống ở Canada) đã năm - bảy lần đưa ổng đi cấp cứu? Do ổng lúc có tiền chỉ lo chơi bời, nuôi gái nên N. không đồng ý cho ổng về nhà. Ổng đã định cư ở Mỹ thì hai chị ở bển có trách nhiệm lo cho ổng. Ổng trở về làm gì?
* Nhưng hiện bố anh đang sống ở quê nhà thì anh và em gái có nhận thấy cần phải chăm sóc phụng dưỡng bố?
- Có… nếu ổng biết “quay đầu là bờ”.
Diệu Hiền
thực hiện
|
*Vừa xuất viện, về nhà, thấy cửa khóa ngoài, không vào được, ông T. buồn bã ghé qua hàng xóm. Ông ngớ người khi chị hàng xóm hỏi: “N. đã đưa số tiền 780 triệu đồng cho ông rồi à?”. Để rồi khi ông rút ra tờ hợp đồng N. mượn nợ ông còn giữ, thì đến phiên chị hàng xóm ngớ người, té ra là con ông bịa đặt.
Chị bức xúc: “Ông xưa giờ vẫn làm ăn, lo cho vợ con, không hề thấy dắt nhân tình về nhà như vợ cũ, con cái bôi xấu. Giờ đã ly hôn, ông có quyền quen người khác, nhưng ông thở còn không nổi nữa là… Con ông đối xử như vậy là quá đáng. Chúng mắng chửi tục tĩu, hành động tội lỗi, không chấp nhận được. Cầu mong tòa án xử sớm để ông có nhà ở, cho ông bớt vất vưởng, đau khổ mà con ông cũng có cơ hội để ngộ ra đạo lý”.
|