Con lớp Ba biết nấu ăn cha mẹ nào không mừng

12/06/2019 - 07:42

PNO - Mỗi tuần, học sinh lớp Ba được học một tiết về nấu ăn. Cuối năm, các em biết chiên trứng, pha trà sữa… thậm chí “tự biên tự diễn” buổi tiệc tổng kết năm học.

Nghỉ làm một buổi sáng để đến dự buổi lễ tổng kết năm học của con trai học lớp Ba Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM), anh Hoàng Đình Tuấn nán lại cho đến cuối buổi, cố ghi lại những nụ cười không chỉ của riêng con mình. Ngồi giữa những phụ huynh, nói về “thành tích” mà anh cho là ấn tượng nhất của con trai cũng như các bạn cùng lớp là: “Thằng bé lớn hẳn ra. Mới ngày nào nhút nhát trốn sau lưng ba, vậy mà nay rất mạnh dạn. Về nhà, thằng bé biết tự pha trà sữa, nấu canh mây, làm salad trộn…”. 

Các con trông… rất người lớn 

Không chỉ riêng con anh, mà cả lớp 3.2 đã thể hiện sự “trưởng thành” của mình bằng một buổi tiệc kết thúc năm học do lớp “tự biên tự diễn”. Anh Tuấn cho biết: “Mọi năm, chúng tôi thường đưa con đến nhà hàng KFC với khẩu phần đặt sẵn. Năm nay, lớp xin tự tổ chức rồi phân công nhau, mỗi nhóm một món, từ món mặn đến món tráng miệng đều do các con tự làm dưới sự tư vấn của giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh. Nhờ vậy, tập thể lớp đã có một buổi tiệc cực kỳ đáng nhớ”.

Con lop Ba biet nau an cha me nao khong mung

Học sinh lớp Ba Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM) đang nấu ăn

Có lẽ bấy nhiêu chưa đủ để nói về con trai anh. Xem một video các phụ huynh chia sẻ với nhau, ai cũng ngạc nhiên với hình ảnh cậu bé Hoàng Lâm, lớp 3.2, đứng trước bếp ăn gia đình cùng với nồi nước đang bốc hơi nghi ngút, tự tin giới thiệu thành phần cũng như cách chế biến món xúp cua. Vừa làm, cậu bé vừa thuyết trình một cách rành mạch, tự tin như cách các đầu bếp nổi tiếng hướng dẫn cách chế biến một món ăn trong những chương trình ẩm thực.

Cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, cho biết, dù học bao nhiêu kỹ năng thì kỹ năng tự chăm sóc, phục vụ bản thân vẫn là quan trọng nhất để những đứa trẻ tự tin ra đời. Vì vậy, cô quyết định thành lập câu lạc bộ Bếp nhí như một hoạt động bắt buộc trong chương trình học tập chính khóa dành cho học sinh khối lớp Ba với thời lượng mỗi tuần học một tiết. 

Phụ trách câu lạc bộ Bếp nhí là ba giáo viên giỏi và đam mê nấu ăn. Nội dung môn học đơn giản, không vượt quá sức các em như: cách xắt thái, cách chọn một quả cà chua, chọn một loại rau và nhặt như thế nào, vo gạo, nấu cơm, luộc trứng, chiên trứng, xào rau… Song song đó, các em sẽ học về cách chế biến: nước chanh, nước tắc, trà sữa… Cao hơn một chút là học cách chế biến các loại bánh đơn giản. 

Học kỹ năng theo cách có thể áp dụng ngay

Thật ra, trường học vẫn dạy môn kỹ thuật (cấp tiểu học) hay giáo dục công nghệ (cấp THCS) nhằm cung cấp cho học sinh các kỹ năng từ may vá, thêu thùa, nấu ăn, cách chi tiêu một cách khoa học, hợp lý đến kiến thức trồng trọt, chăn nuôi… phục vụ cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, kết quả thực hiện thế nào lại là chuyện đáng bàn.

Với cách đánh giá nặng về thi cử, những môn học kỹ năng đó dần dần biến thành dạy… cho có. Ở phần lớn các trường, học sinh được học những nội dung này thông qua lý thuyết tại lớp, còn phần thực hành thì “tự làm ở nhà”. Điều đó biến những tiết học kỹ năng trở thành môn học “cưỡi ngựa xem hoa”, nghĩa là học sinh học tất cả nhưng cuối cùng chẳng biết làm gì. 

Về điều này, nhìn ra các nước có thể thấy giáo dục Phần Lan hơn hẳn. Đại diện Trường quốc tế Phần Lan - Việt Nam (Q.7, TP.HCM) cho biết: đối với bậc tiểu học, học sinh được học môn kinh tế gia đình một cách rất gần gũi và có thể áp dụng ngay. Trường có trang bị phòng giặt với máy giặt, máy sấy… để hướng dẫn học sinh biết cách phân loại quần áo, vận hành máy giặt, máy sấy, xếp quần áo; phòng bếp với đầy đủ trang thiết bị để giáo viên dạy học sinh về dinh dưỡng và nấu ăn. Ngoài ra, học sinh còn được học thêu thùa, may vá, đan, móc…  

Ngay từ bậc tiểu học, nếu đứa trẻ được nhà trường “huấn luyện” các kỹ năng cơ bản đó thì quả là tuyệt vời đối với cha mẹ. Hiện nay, không ít phụ huynh vì tâm lý làm thay, để con dồn hết sức cho việc học chữ nên đứa trẻ ấy khi tốt nghiệp THPT vào đại học vẫn không biết làm việc nhà, nấu ăn đơn giản và tự chăm sóc bản thân. 

Đáng mừng là đã bắt đầu có sự chuyển biến trong việc dạy kỹ năng, dù chỉ một số ít trường, như tâm nguyện của cô Đỗ Ngọc Chi: “Nhà trường cần là kỹ năng của các em để sau mỗi buổi học về nhà, ít nhất các em cũng biết rửa cái chén, cái ly và biết pha ly nước chanh cho cha mẹ, không gì khác hơn”. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI