Con lên 2, cha mẹ phải thay đổi

28/05/2022 - 09:00

PNO - Khi bé Bơ lên 2, tôi phải học cách bình tĩnh cùng con khám phá cuộc sống.

Khi con lên hai tuổi, con nhõng nhẽo, mè nheo, khóc đòi, ăn vạ… cha mẹ cho rằng con hư, con bướng bỉnh. Tuy vậy, theo nhà giáo dục người Ý, bà Maria Montessori, đứa trẻ lên hai đang nhận sự “chỉ huy” từ một mệnh lệnh thần kỳ trong vô thức. Đây là thời kỳ nhạy cảm đầu tiên của trẻ. Vào những giai đoạn này, nếu cha mẹ hiểu và có những hoạt động, khích lệ, trò chuyện phù hợp sẽ cùng con phát triển, cùng con học và hiểu con hơn.

Khi hai tuổi, Bơ - con trai tôi, thay đổi rất rõ, thậm chí khó hiểu, chẳng hạn có lúc con bảo con sợ bố và chúng tôi cũng phải thay đổi. Tôi không nghĩ “sao con hư thế” mà nghĩ con đang vào giai đoạn phát triển. Mẹ sẽ học cách bình tĩnh cùng con khám phá cuộc sống. 

Việc hỏi và lắng nghe suy nghĩ của con sẽ giúp tôi hiểu được phần nào những thay đổi trong con và bình tĩnh hơn khi cư xử. Trẻ được cha mẹ kiên nhẫn lắng nghe cũng sẽ dần hình thành sự tự tin bày tỏ suy nghĩ, đầu tiên là với cha mẹ, sau đó là trước nhiều người, lớn lên là khả năng thuyết trình trước đám đông. Ví dụ: Con đòi bế khi thấy cha mẹ bế một em bé khác.

Bơ cùng mẹ (tác giả) đọc sách
Bơ cùng mẹ (tác giả) đọc sách

Tôi không nói: “Con đừng nhõng nhẽo, mè nheo, mẹ bế em tí thì làm sao”. Khi đó không những con không nghe mà còn khóc lớn hơn vì thấy mẹ không để ý đến mình.

Tôi hiểu rằng con đòi bế vì muốn được quan tâm, vì con đang xây dựng ý thức về bản thân. Tôi tạm dừng việc bế em bé kia, quay sang hỏi con: “Con muốn mẹ bế à, con không muốn mẹ bế em Gấu phải không?”. Và cho con biết à mẹ chỉ bế em một lát thôi, mẹ vẫn ở đây với con. Con có thích chơi với em Gấu không? (thông thường con sẽ trả lời là có). Tôi tiếp tục “Con thấy em Gấu đang khóc không? Vì em còn nhỏ chưa thể tự chơi được, nhưng mẹ của Gấu đang bận một xíu nên mẹ bế em một chút rồi sẽ quay lại với con ngay nhé! Con đang chơi rất vui này, con có thể ngồi chơi tiếp phải không?”. Khi nghe tôi nói, Bơ chưa đồng ý ngay, nhưng con ngưng khóc và chơi tiếp.

Tôi không nhìn vào cái chưa tốt của con rồi giải thích điều gì nên hay không nên mà luôn khích lệ con từ những tiến bộ nhỏ nhất. Việc này giúp con tin tưởng cha mẹ và tự tin.

Ở nhà, Bơ thường thích giữ đồ ăn cho riêng mình và không cho cha mẹ ăn cùng. Vì biết con đang xây dựng cái tôi, tôi không bắt con chia sẻ, cứ để con ăn phần của mình. Tôi nói với con: “Mẹ cho Bơ phần của mẹ đấy, Bơ thích không?”. Vậy là thi thoảng, Bơ cũng bắt chước mẹ, và bất kỳ khi nào con chia thức ăn cho cha mẹ, tôi đều khích lệ“Bơ thật tốt bụng vì đã cho mẹ ăn cùng, mẹ rất vui!”. Dần dần con không còn giữ đồ ăn cho riêng mình. 

Một lần, con chỉ tay vào cái cầu trượt ở công viên: “Nó là của con”. Tôi ngồi xuống và nói: “Bơ nhìn xem, rất nhiều bạn nhỏ đang chơi kìa. Bơ có muốn chơi cùng bạn không?”, “Không, Bơ thích chơi một mình”, con trả lời dứt khoát. Tôi cũng kiên nhẫn: “Vậy thì chúng mình về nhà chơi nhé, đây là công viên của mọi người. Ai cũng có quyền được chơi giống như Bơ”. Vậy là Bơ vui vẻ ngồi đợi đến khi đến lượt mình lên cầu trượt.

Bơ rất thích nói chuyện với mẹ
Bơ rất thích nói chuyện với mẹ

 

Một tình huống khác rất thường gặp ở trẻ lên hai là con không muốn chia sẻ đồ chơi với bạn. Không ít cha mẹ nghĩ rằng con ích kỷ, không chịu chơi cùng bạn, vì muốn con hiểu chuyện nên cha mẹ hay bảo con: “Con phải chia sẻ với bạn chứ, để bạn chơi cùng con nhé”. 

Thật ra, con không ích kỷ mà con đang vào thời kỳ xây dựng ý thức tự chủ và cái tôi cá nhân. Hãy nhìn vào những tiến bộ dù nhỏ nhất của con và khích lệ con, rồi bạn sẽ thấy, con cũng tốt bụng lắm đấy. Như hôm nay con đã để bạn vào nhà chơi thay vì đóng cửa như hôm trước. Chỉ vậy thôi con cũng xứng đáng được khen “Con đã mời bạn vào chơi cùng, mẹ rất vui, con là em bé biết chia sẻ đấy!”. 

Tôi luôn tạo điều kiện để con được thỏa mãn giai đoạn nhạy cảm: Khi Bơ lên hai, con thích tự làm mọi thứ, tôi mua bộ chổi nhỏ về để con có thể tự quét nhà. Tôi rủ con cùng phơi đồ (con sẽ nhặt đồ đưa cho mẹ treo lên móc). Tôi để con được tự làm những việc vừa sức: tự xúc ăn, lấy giúp mẹ cái rổ khi mẹ nấu cơm, để thìa, dĩa về chỗ cũ, bỏ rác đúng nơi… Ở siêu thị, con cùng mẹ tìm món đồ cần mua trên kệ. Tôi hướng dẫn con cách đi dép, đeo khẩu trang khi ra ngoài.  

Tôi luôn tin mọi hành vi của con đều có lý do và cần được hiểu. Nếu con được khuyến khích, được thử sức, con sẽ vượt qua thời kỳ nhạy cảm và nâng cao trí tuệ cũng như kỹ năng của con. 

Nguyễn Huyền

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI