Con lấy chồng nhà nông, mẹ lo sao cho hết

10/09/2018 - 06:30

PNO - Mua cái bếp gas hay nồi cơm điện không khó. Cái khó là làm thế nào để con mau chóng hòa nhập với gia đình nhà chồng.

Anh chị là công chức, nhà ở trung tâm thị trấn, nên không hề biết đến ruộng nương. Các con của anh chị lớn lên cũng chỉ học hành, rồi đi làm nhà nước, biết đi chợ nấu ăn, biết làm việc nhà.

Con lay chong nha nong, me lo sao cho het
Con gái chị hiện đại, thế  mà rồi phải tập quen việc nhà nông. Hình minh họa

Chị cứ tưởng “bèo” lắm con gái cũng lấy chồng thị trấn. Hai vợ chồng công chức, tuy không sung túc, nhưng cũng nhàn nhã như anh chị. Đùng một cái, con gái lớn yêu chàng thanh niên xã bên, nhà ngay vùng rốn lũ, cách thị trấn mười km.

Gia đình cậu thanh niên có ba người con. Cậu ấy là con trai duy nhất trong nhà. Lo cho con gái, không ít lần chị bàn ra, khuyên nhủ, nhưng cũng chào thua trước tình yêu con trẻ.

Trước khi cưới, chị nêu hàng loạt điểm yếu của con gái với chị sui, để bà khỏi ngỡ ngàng, thông cảm. Đêm đầu tiên con gái về nhà chồng, chị thức trắng. Cứ nghĩ tới mấy sào ruộng lúc, mấy sào hoa màu, cả hecta mía nhà con rể, chị muốn… té ngửa.

Nhớ lần qua thăm cho biết nhà sui gia, chị vòng vèo sau trước, thấy sân vườn rộng rãi, nhà cửa khang trang, chị cũng mừng. Nhưng điều chị lo nhất là nhà chị sui chỉ dùng bếp củi, không xài nồi cơm điện, mà con gái chị, và ngay cả chị cũng chưa từng dùng bếp củi.

Mua cái bếp gas hay nồi cơm điện không khó. Cái khó là làm thế nào để con mau chóng hòa nhập với gia đình nhà chồng. Nghĩ thế, chị thưa chuyện với chị sui, nhờ chị sui giúp con gái biết nấu cơm bếp củi, làm quen chuyện đồng áng, giỗ chạp, chuyện đối phó với lũ lụt…

Chị sui phẩy tay bảo “Chuyện nhỏ mà, miễn con dâu chịu học hỏi là cái gì cũng xong. Tui cũng có con gái, nếu con lấy chồng thành phố, cũng phải học hỏi mọi thứ để bắt nhịp với người ta thôi mà”. Những lời thành thật của chị sui, trấn an chị rất nhiều.

Con lay chong nha nong, me lo sao cho het
Con theo chồng về làm dâu xứ ruộng, mẹ lo mất ngủ. Hình minh họa

Làm dâu chừng mười ngày, con gái đã gọi điện về nhà khóc lóc, bảo nấu nồi cơm mà nấu hoài không chín. Mẹ chồng đang vớt củi bên kia sông, chồng thì có việc phải đi ra ngoài, nên con đành gọi cầu cứu mẹ ruột.

Chị khuyên con bình tĩnh, nhớ lại những gì mẹ chồng dạy để cố gắng “chữa cháy” nồi cơm. Chị dặn thêm: khi mẹ chồng về, nhớ đưa điện thoại để mẹ gửi gắm con thêm lần nữa.

Rốt cục, nồi cơm chín nhưng bị khê vì dư lửa. Cả nhà thông cảm cho nàng dâu mới. Mẹ chồng đi nấu lại nồi cơm khác, rồi lại chỉ vẽ tận tình cho con dâu. Bà hy vọng sau này vào bếp, con dâu sẽ không còn gương mặt đầy lọ, nước mắt nước mũi tèm nhem vì khói bếp.

Vào vụ thu hoạch mùa màng, rồi giỗ quẩy, mùa lụt, mẹ chồng lần lượt bảo ban, chỉ dạy. Nhờ vào sự độ lượng, chân thành của mẹ chồng, con gái chị đã mau chóng tiếp thu, dần tiếp quản mọi việc trong gia đình nhà chồng một cách êm ả. Cô đã học được nhiều kỹ năng để thích nghi với cuộc sống mới.

Vào vụ, vì bận đi làm, nên không trực tiếp ra đồng. Sáng sớm, cô ra chợ mua thức ăn “nửa buổi” cho thợ gặt, nấu buổi trưa sẵn sàng cho cả nhà. Khi mẹ chồng ốm đau, cô xin phép cơ quan được ở nhà chăm mẹ. Cùng với những việc làm “ghi điểm” khác, cô đã không còn lo lắng như trước.

Con lay chong nha nong, me lo sao cho het
Con gái liên tục gọi điện thoại cho mẹ hỏi chuyện bếp núc nhà chồng. Hình minh họa

Chị đã bớt căng thẳng mỗi khi nghĩ về đứa con gái làm dâu gia đình “ruộng mẫu”. Dù vậy, chị vẫn chưa yên tâm, thỉnh thoảng gọi điện trước là thăm chị sui, sau vẫn là điệp khúc… gửi gắm.

Chị vẫn thường đau đáu chuyện không phải gả con cho người ta rồi là xong bổn phận. Lại nghĩ về câu ca “sui gia ngày càng gần”, về những đứa cháu gắn kết tình sui gia, chị tự nhủ phải có trách nhiệm với con cái đến… hơi thở cuối cùng!

Con gái được lòng nhà chồng nhờ những nỗ lực của bản thân, một phần nhờ cách “ngoại giao” của mẹ. Cách ăn ở của con dâu, cách cư xử khéo léo của chị, khiến những bà mẹ chồng, dù khó tính đến mấy, cũng sẵn sàng mở lòng.  

Vĩnh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI