Con "lãnh đủ" khi cha mẹ "giận cá chém thớt"

18/02/2022 - 12:50

PNO - Cha mẹ thường trút giận lên con cái vì chúng không chống đỡ, không nói lại, nhưng cha mẹ chẳng thể lường hết hậu quả...

Thời gian gần đây, những vụ bạo hành trẻ em liên tiếp diễn ra với mức độ ngày càng tàn bạo khiến dư luận phẫn nộ. Đọc bài viết của một giáo viên về việc học sinh trầm cảm, hầu hết cha mẹ không hay biết, tôi xin chia sẻ thêm hai câu chuyện ở các lớp tôi làm chủ nhiệm.

Mọi mệt mỏi, áp lực, tức giận, nhiều ông bố bà mẹ trút thẳng lên đầu con trẻ. Ảnh minh họa
Nhiều ông bố bà mẹ trút thẳng lên đầu con trẻ mọi mệt mỏi, áp lực lẫn nỗi tức giận của bản thân. Ảnh minh họa

Trong những năm làm công tác chủ nhiệm lớp, tôi chứng kiến nhiều trường hợp học sinh bị ba mẹ trút giận vô cớ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và học hành.

Cách đây vài năm, lớp tôi chủ nhiệm có học sinh nữ tên Ngân. Vào đầu năm học, em học hành chăm chỉ và thực hiện nền nếp rất tốt.

Nhưng tới giữa kì I, em thường xuyên vi phạm nội quy không mặc đồng phục theo quy định và học hành sa sút. Thay vì mặc váy của nữ sinh, em mặc đồ tây và khoác áo ấm. Dù lớp trưởng nhắc nhở em vẫn không thay đổi khiến tôi thấy lạ.

Gặp riêng em, tôi bàng hoàng phát hiện ra chân tay em đầy những vết bầm tím do bị ba đánh. Em không dám mặc váy và áo ngắn tay vì sợ mọi người thấy. Em kể, trước đây tính tình ba em bình thường, nhưng do mấy tháng thất nghiệp, ba thường xuyên uống rượu say rồi trút giận lên em.

Em không dám kêu ai, vì sợ ba đánh cả mẹ lẫn con, bởi mẹ em đang bệnh, sức khỏe yếu. Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em, tôi thấy em nói đúng, ba em bị mất việc làm, mẹ ốm đau thường xuyên nên kinh tế khó khăn. Xót xa hơn, em còn có ý định bỏ học vì không muốn thêm gánh nặng cho ba.

Sau đó, ngoài việc vận động bên ngoài giúp đỡ gia đình Ngân, tôi liên hệ với họ hàng của em can thiệp. Học xong kì I, nhà em chuyển về quê sống để ba làm việc cho trang trại nuôi bò của một người bà con.

Tuy nhiên, không phải đứa con nào khi bị ba mẹ trút giận đều im lặng chịu đựng như Ngân, có em trở nên ngỗ nghịch hơn trước. Năm ngoái, tôi gặp trường hợp Duy - từ một lớp trưởng gương mẫu luôn đạt học sinh giỏi, em trở nên ngang tàng quậy phá.

Đỉnh điểm, em bị công an bắt khi sử dụng chất cấm rồi cơ quan chức năng thông báo cho gia đình và nhà trường. Ba mẹ em ngạc nhiên khi biết tin, vẫn luôn khẳng định: “Cháu ở nhà ngoan lắm”, họ không biết lý do tại sao con mình lại trở thành "nghịch tử" như vậy.

Khi giáo viên khuyên bảo, em nói lửng lơ: “Em như thế vì mẹ em muốn con giống bố”. Đến khi tôi đưa em tới gặp tổ tư vấn tâm lý của trường, bằng nhiều biện pháp tác động, Duy mới chịu bộc bạch tâm sự.

Tôi lặng người khi hiểu được nguyên nhân. Gia đình Duy từng rất hạnh phúc, kinh tế khá giả. Nhưng khi mẹ phát hiện bố em ngoại tình thì mọi chuyện đổi khác. Vì bố là người có quyền có tiền, mẹ không can thiệp được nên thường xuyên mắng chửi đứa con trai duy nhất.

Không chỉ đòn roi mà những lời chì chiết mắng chửi vô cớ cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của con. Ảnh minh họa
Không chỉ đòn roi mà những lời chì chiết mắng chửi vô cớ cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của con. Ảnh minh họa

Em thường xuyên bị mẹ tra tấn tinh thần bằng những lời chì chiết: “Mày rồi cũng giống thằng bố mày, ăn chơi trác táng, mèo mả gà đồng”, “Cái mặt mày y chang thằng bố”, “Tao khổ vì bố con nhà mày”.

Duy kể, mẹ cứ nói ra rả suốt ngày, dù em đang học, ăn cơm hay ngồi chơi. Uất ức vì bị trút giận vô cớ, khi tan trường Duy không muốn về nhà, em bắt đầu tìm đến những người bạn độc hại và tiếp cận thú giải trí độc hại.

Ba mẹ Duy nhìn nhau ngượng ngùng khi nghe nói về trường hợp của con trai. Mẹ em rơm rớm nước mắt còn ba thở dài. Có lẽ, họ không nghĩ những việc làm của bản thân lại ảnh hưởng đến con nhiều trong khi luôn cho rằng con đã một cuộc sống đầy đủ về vật chất.

Tôi dám chắc, trong số các ông bố bà mẹ đều có ít nhất một lần mắng, đánh con vô cớ trong lúc tức giận. Dù mức độ khác nhau, nhưng hành động đó kéo dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến thể chất và tinh thần của con. Khi đã làm cha - làm mẹ, xin hãy biết kiềm chế cảm xúc, đừng “giận cá chém thớt” và đổ đòn roi cùng lời bạo lực lên đứa con mình yêu thương hết mực.

Ngọc Nga (Lâm Đồng)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI