Cũng tại má chiều nó, 22 tuổi mà không tự kiếm được đồng nào, vẫn để má nuôi, hỏi sao nó không hư hỏng. Chị và anh Hai đã khuyên răn, cậy cục xin việc cho nó. Nhưng dồn đuổi đàng này, đàng kia má mở cửa cho nó chạy…
Má sụt sùi chùi nước mắt, không nói câu nào. Giờ nghĩ lại chị mới biết, hố thẳm trong lòng má đã bị chị và anh Hai đào sâu thêm. Thằng Út hư hỏng, má là người đau nhất, chẳng phải sao?
|
Ảnh minh họa |
Anh Hai nói, tại anh và chị chu cấp cho má nhiều quá, Út mới ỷ lại. Từ nay, má chỉ được nhận đủ phần mình. Út đi cai nghiện về thì tự kiếm việc. Khối u không kiên quyết cắt một lần cho xong, đợi tới bao giờ. Có đứa em nghiện ngập như gánh nặng bên mình, chị oải, hết muốn về nhà. Anh Hai cũng nói rồi, bớt quan tâm thì Út sẽ không còn chỗ dựa.
Một bữa, hàng xóm báo tin má nằm viện. Thì ra má đi giúp việc nhà. Thằng Út còn phải mua thuốc cắt cơn, tẩm bổ. Chị ngồi lặng nhìn má gầy xơ xác. Chắc má đau lòng vì chị và anh Hai nhẫn tâm, còn hơn nỗi đau vì thằng Út.
Út cai nghiện rồi tái nghiện lần thứ ba, chị và anh Hai đã nản lòng. Má thì không, má tin Út sẽ phục thiện, sẽ tự đứng lên. Căn phòng của Út biến thành phòng giam, với hai sợi dây xích. Mỗi lần Út lên cơn, má xích không kịp, Út vật má quăng quật tơi bời. Má vẫn dịu dàng động viên: “Ráng lên con, chút nữa qua rồi!”.
Nhìn những vết thương khắp người má, anh Hai gào lên: “Má coi như thằng Út sút nôi từ hồi nhỏ, mặc kệ nó đi!”. Má nghẹn ngào: “Cái cây bị sâu đục thì phải bắt sâu, tưới thuốc, bón phân. Hư cây nào chặt cây đó sao con? Ba anh em con đều do má đứt ruột sinh ra, đứa ngoan má thương nhiều, đứa không ngoan má càng phải thương hơn. Má cũng bỏ thằng Út thì ai sẽ thương nó, cho nó đường về”.
Chẳng sợi xích nào neo giữ Út bên bờ vực tốt hơn sợi xích của lòng mẹ thương con, bền bỉ không bao giờ đứt đoạn. Đạo lý này, tới lúc có con chị mới hiểu.
Anh là hàng xóm với nhà tôi. Ngày anh ly hôn vợ, dọn ra khỏi nhà, anh sang nhờ tôi coi ngó giùm vợ con. Anh dặn dò: “Thằng bé hay chạy ra đường chơi, nhờ cô nhắc vợ tôi nhớ đóng cổng. Muộn mà chưa thấy thằng bé ở nhà, cô nhắc cô ấy rước con. Nó sang chơi, nhờ cô dạy bảo này nọ giùm…”.
|
Ảnh minh họa |
Tôi chợt mủi lòng. Người cha thương con như anh, phải rời bỏ con là chuyện bất đắc dĩ. Anh là kỹ sư xây dựng, quanh năm lăn lộn ở các công trình. Tiền anh kiếm được thừa sức nuôi cả nhà nên vợ anh sống rất thong dong. Con trai tới tuổi đi nhà trẻ, chị ở nhà nhàn nhã nhưng vẫn không nghĩ tới việc kiếm việc làm.
Đàn bà, rảnh rỗi quá dễ sinh chuyện. Chị lê la hàng quán tám chuyện, đánh bài giải trí. Mấy sổ tiết kiệm bốc hơi, tiền chợ cũng bị cắt xén. Chị đổ thừa tại anh xa nhà, không chăm sóc vợ con. Anh ở nhà, chị sẽ bỏ bài bạc. Bài toán của anh chưa có lời giải thì giang hồ tới tận công trình đòi nợ. Đồng tiền mồ hôi nước mắt của anh hóa ra chỉ để nuôi bọn cho vay. Anh phấn đấu mấy cũng thành vô ích.
Anh ly hôn, để căn nhà lại cho chị, còn tình nguyện chu cấp cho con gấp 10 lần số tiền tòa phán quyết. Anh thấy có lỗi với con, không chăm sóc nó đàng hoàng thì phải cho nó cuộc sống đủ đầy.
Anh có vợ mới, có con, nhưng hằng tuần vẫn về đưa con riêng đi chơi. Anh muốn kéo gần khoảng cách để một ngày không xa, đưa con về ở chung. Chị dùng con làm cần câu cơm, liên tục xin thêm tiền, nói là để con học thêm, sắm sửa. Anh chậm đưa tiền, chị hùng hổ tới tận nhà, chửi cả vợ anh. Thằng bé được mẹ gieo rắc những điều không hay về cha, nên nó lầm lì với anh, hỗn xược và chống đối anh ra mặt.
Má anh nói: “Thứ con như vậy, không có cũng không sao. Mày có thằng Tin rồi, lo gì mà không tuyệt giao với mẹ con nó”. Anh nói với tôi, con nào cũng là con, sao có thể nhận đứa này, bỏ đứa kia. Con hư, anh càng phải có trách nhiệm dạy nó nên người. Tới ngày anh nằm xuống, mới có thể buông xuôi mọi chuyện.
Xóm tôi có bà mẹ bị tâm thần, hay chạy khắp nơi khóc gọi tìm con. Con bà bị bệnh Down, nó đã chết. Cái chết của con khiến bà đau tới mức trở nên điên dại. Có người nói, con như vậy, mất rồi thì thôi. Nỗi đau mất con của bà, chỉ những người làm mẹ mới hiểu: chín tháng nâng niu trong bụng, ấp iu từ lúc lọt lòng.
Con đẹp xấu, khôn dại gì cũng đứt ruột thương. Vì duyên nợ mẹ con là phước phần. Con là phiên bản lỗi, mẹ nhận trách nhiệm về mình, càng xót xa thương, càng cố sửa, cố bù đắp.
Thùy Gương