Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em viết thư cho chị mà lòng rất áy náy, em biết em có lỗi với mẹ nhưng không biết phải làm sao.
Ba mẹ ly hôn khi em học lớp Mười một, sau đó em sống với mẹ, ba lấy vợ khác. Mẹ đã dành tất cả tình cảm cho em.
Cuối năm lớp Mười hai, mẹ đã cầm cố giấy tờ nhà để vay mượn tiền cho em đi du học. Lúc đó, mẹ nói ngoài em, mẹ chẳng còn gì ở cuộc đời này nữa, mẹ sẽ làm tất cả vì em.
Em biết khoản tiền phải chu cấp cho em ăn học ở nước ngoài đối với mẹ là quá lớn, nhưng với cuộc sống ở xứ người, khoản tiền ấy vẫn không thấm vào đâu.
Mấy năm đi học, em cố hết sức để kiếm tiền nhưng em không muốn nói quá nhiều vì sợ mẹ lo. Đến nay, em tốt nghiệp được 1 năm, vẫn đang giai đoạn phải trả những khoản nợ thời sinh viên. Mẹ thì nghĩ em đã ra trường đi làm, có điều kiện để đưa mẹ sang thăm và nếu được thì ở lại.
Tết vừa rồi em về, biết ý định của mẹ, em rất lo lắng. Mẹ khoe với bạn bè rằng em là “ống heo” của mẹ, bao nhiêu năm nay mẹ làm ra đồng nào đều bỏ hết vào “ống heo” đó.
Là con một, em biết mình phải có trách nhiệm với mẹ nhưng lúc này em thực sự không có khả năng hay triển vọng gì.
Một lần em nói chuyện với mẹ, rằng nhiều bạn bè em đã trở về Việt Nam, ở quê nhà có nhiều cơ hội nghề nghiệp. Vậy nhưng mẹ gạt đi, nói: “Nuôi con đi du học là để mai đây mẹ cũng muốn sống ở nước ngoài với con, chứ không phải để con học xong về đây làm việc”.
Em thấy mẹ suy nghĩ quá đơn giản nhưng không biết làm sao. Là nam, em không giỏi nói năng, cũng không có bạn bè hay người thân nào để có thể giải thích với mẹ. Xin chị cho em lời khuyên.
Minh Quốc (TPHCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Minh Quốc thân mến,
Em không muốn mình là cái “ống heo” đựng tiền tiết kiệm, nhưng có thể vì đi xa lâu ngày, em chưa nhận ra ý nghĩa tình cảm gửi trong cái “ống heo” đó. Với mẹ em, cái “ống heo” tên Quốc là tất cả yêu thương, dành dụm, gửi gắm.
Ban đầu, có thể người ta mua cái ống heo, bỏ vào đó những đồng tiền tiết kiệm nhưng cùng với thời gian, càng lâu càng lớn, cái ống heo càng được nâng niu, cất giữ, trở nên quý giá hơn nhiều so với giá trị của món tiền trong đó.
Trong suốt thư em, Hạnh Dung cũng chưa thấy mẹ em tỏ ý muốn đập cái ống heo đó để thu lấy tiền bạc. Cái ống heo vẫn là nơi mẹ em gửi gắm niềm hy vọng.
Đối với một phụ nữ đã vượt qua nhiều khó khăn như mẹ, em không cần phải quá e ngại. Em cũng đừng quá lo lắng về chuyện mình là con trai, không giỏi nói năng. Tấm lòng người mẹ có thể thấu hiểu con ngay cả khi con không nói.
Hiện tại, em đã mang về cho mẹ một niềm vui lớn: tốt nghiệp, đã học thành tài. Đó là nỗ lực của cả 2 mẹ con. Vậy nên, em cứ mạnh dạn trò chuyện với mẹ, nói về những khó khăn em đã vượt qua.
Từ những câu chuyện đó, mẹ sẽ hiểu rằng cuộc sống ở xứ người không hề dễ dàng. Cho dù bây giờ vẫn còn nợ nhưng ít nhất mình có khả năng để làm việc và kiếm tiền trả những khoản nợ đó.
Về dự định của mẹ - muốn sang thăm nơi em sống - em đừng cản. Hãy cùng mẹ tính toán chi phí cho chuyến đi, khả năng của em lo được một chút cũng tốt rồi.
Hạnh Dung tin rằng mẹ em đã có kế hoạch cho chuyến đi đó, cả thời gian và tiền bạc. Không gì thuyết phục con người hơn trải nghiệm. Biết đâu chuyến đi sẽ làm mẹ mở mang hơn, thay đổi suy nghĩ.
Mặt khác, ngay cả khi điều kiện chưa cho phép để đi ngay, một dự định rõ ràng, được lên kế hoạch từ bây giờ, sẽ góp phần kết nối, để 2 mẹ con gần gũi và chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Hãy nghĩ rằng mẹ là người đã mở cánh cổng, bắc nhịp cầu đầu tiên cho em, và mẹ đã cố gắng hết sức. Em đã cùng mẹ nỗ lực vượt qua hơn 4 năm học ở xứ người, tốt nghiệp thành công. Việc khó đến vậy mà 2 mẹ con còn làm được, mình có quyền tin ở tương lai, phải không em?
Hạnh Dung
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Minh Duy (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh): Hỏi thêm kinh nghiệm từ các gia đình có con đi du học
Tôi nhận thấy không ít ba mẹ tìm mọi cách ra nước ngoài sống cùng con. Tuy nhiên sau đó, do gặp khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực, khí hậu, sức khỏe không đủ đảm bảo để thích nghi trong môi trường mới…, sau 3-5 năm, cả gia đình chọn về lại quê hương.
Cũng có không ít người trẻ “đi để trở về” đóng góp cho quê hương, đất nước và thành công rực rỡ. Bạn có thể tham khảo các trường hợp đó để minh họa, xin ý kiến, kể cho mẹ nghe.
Nếu có đủ tài chính, bạn hãy chủ động mời mẹ đến nơi bạn đang sinh sống để mẹ trải nghiệm những điều mới mẻ.
Thời gian đầu ra nước ngoài, có lẽ tâm trạng mẹ rất phấn khởi vì mọi thứ xung quanh đều mới lạ, thú vị. Nhưng sau đó, khi ở nhà một mình, không có những người thân yêu để chuyện trò, không có nhiều món ăn ngon giống như tại Việt Nam, mẹ sẽ chán, muốn về.
Bạn đừng quên rằng với phần đông người lớn tuổi, không đâu bằng quê nhà.
Thu Hương (quận 8, TPHCM): Hãy cho mẹ biết chi phí sống tại nước ngoài rất cao
Có thể mẹ bạn chưa hình dung được chi phí sống tại nước ngoài rất đắt đỏ nên mới có ý định sống ở nước ngoài cùng con. Bạn hãy liệt kê tất cả chi tiêu cá nhân hằng tháng của mình, sau đó thử liệt kê chi tiêu của cả 2 mẹ con, chi phí khám sức khỏe định kỳ cho người già tại nước ngoài… rồi gửi cho mẹ xem để mẹ thấy sự chênh lệch về mức sống giữa 2 nước.
Hãy giải thích cho mẹ hiểu, hiện tại, khả năng tài chính, cơ hội việc làm của bạn chưa đủ để đảm bảo cuộc sống ổn định cho 2 mẹ con. Gửi mẹ xem thêm những hình ảnh, video về cuộc sống vất vả mưu sinh, thời tiết mùa đông khắc nghiệt… để mẹ biết rằng sức khỏe của mẹ có thể không thích nghi được.
Sau cùng, bạn có thể đề xuất một chuyến du lịch đến nơi bạn đang sống hoặc điểm đến trong mơ của mẹ như một món quà dành tặng mẹ vào thời điểm thích hợp cụ thể (trong 1 hoặc 2 năm tới).
Nếu biết con trai chưa đủ tài chính, bất kỳ người mẹ nào cũng sẽ cân nhắc vì không muốn mình trở thành gánh nặng cho con.
Mẹ chẳng còn gì ở cuộc đời này nữa, ngoài bạn. Hãy kiên nhẫn và bình tĩnh chia sẻ với mẹ những khó khăn bạn đang gặp phải. Nên chọn thời điểm thích hợp khi mẹ đang thoải mái vui vẻ, tránh làm mẹ tổn thương.
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn