Con là “người thầy” của mẹ

14/11/2022 - 06:01

PNO - Đã gần hai năm trôi qua kể từ ngày con gái Yến Nhi mất đi đôi chân trong một vụ tai nạn, ánh mắt chị Bùi Thị Thu Nguyệt vẫn hiện rõ vẻ bàng hoàng khi nhớ lại.

 

Tên là bé Xíu mà chẳng xíu đâu 

Trước khi vụ va chạm giao thông xảy ra, bé Yến Nhi đang là học sinh lớp Một, Trường tiểu học Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu). Tên ở nhà của bé là Xíu. Đến lớp, các bạn cũng dùng luôn tên đó để gọi bé. Đi đến đâu, bé có bạn đến đó vì bé rất lém lỉnh, hoạt bát, hòa đồng. Thế nhưng, biến cố đã ập tới trong một buổi trưa mẹ chở bé từ trường về vào ngày 10/12/2020. 

Chị Bùi Thị Thu Nguyệt (ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận, H.Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhớ lại: “Sau tiếng va chạm mạnh, cả xe và người lập tức ngã xuống. Thời khắc nhìn con gái giơ đôi tay đầy bụi bặm và trầy xước cho mẹ xem, tim tôi như tan nát. Thật kinh ngạc, con lại quay qua hỏi tôi: “Mẹ có sao không? Người con bị dơ, chân con chảy máu, bị nát rồi mẹ ơi. Mà không sao, con còn tay nè mẹ”.

Yến Nhi đón sinh nhật bảy tuổi bên giường bệnh
Yến Nhi đón sinh nhật bảy tuổi bên giường bệnh

 

Những ngày tháng sau đó là chuỗi ngày giày vò nhiều nhất khi mỗi ngày, chị Nguyệt phải chứng kiến sự đau đớn, chịu đựng của cô con gái đang tuổi ăn tuổi chơi. Ngoài dập nát hai chân buộc phải cưa, Yến Nhi còn chằng chịt những tổn thương khác (rách xước nhiều vùng da, gãy xương chậu, dập, thủng bàng quang…).

“Nhiều lần tôi quay mặt đi để con không thấy mình đang khóc. Tuy nhiên, sau đó, chính con lại trở thành động lực để tôi tiếp tục chiến đấu, vực dậy tinh thần. Con hay cười, nói lời động viên mẹ. Con chịu đựng đau đớn tốt hơn hầu hết bạn nhỏ cùng phòng bệnh, hợp tác tốt với y tá, bác sĩ. Dù khó chịu trong điều trị như thế nào, con cũng không khóc nhè” - chị kể.

Yến Nhi tập bơi
Yến Nhi tập bơi

 

Chứng kiến sự kiên cường của con gái, trong dịp sinh nhật bảy tuổi của con trên giường bệnh, chị Nguyệt làm một bài thơ: 

“Gọi là bé Xíu
Mà chẳng xíu đâu
Vượt qua nỗi đau
Tìm nơi hạnh phúc
Xíu còn biết cách
Chịu đựng mũi tiêm
Chích đau vào người
Mau lành hết bệnh
Về với mẹ yêu”.
Làm quen với “vật thể lạ”

Sau tai nạn, thân thể gầy yếu của bé Yến Nhi cùng lúc chịu nhiều tổn thương nên suốt hơn nửa năm trời, bé phải nằm tại chỗ. Ngoài phẫu thuật cắt bỏ phần chân không còn nguyên vẹn, bé được phẫu thuật cấy ghép da, phẫu thuật vặn thêm ốc vít vào hông, phẫu thuật đặt túi hậu môn tạm. 

“Mỗi đời người chỉ có một lần tập bò, tập đi nhưng bé nhà tôi có đến hai lần như thế. Lần đầu tiên sau mấy tháng liệt giường, thấy con lăn đùng ra rồi lồm cồm, nhổm hông dậy tập bò, tôi đã khóc nức nở. Ông trời đã không bỏ rơi con”.

Những tháng tiếp theo, Yến Nhi bắt đầu “cựa quậy” nhiều hơn. Bé siêng bò, trườn nên cơ thể thêm dẻo dai, hồi phục nhanh chóng. Cuối năm 2021, bé đã đến trường trở lại.

Chị Nguyệt kể: “Lúc đó, con chưa có chân giả, phải ngồi xe lăn nhưng ngoại hình khiếm khuyết ấy không hề khiến con tự ti. Con có một “hội chị em” gồm năm, sáu bạn nhỏ chơi thân. Khi vừa biết tin Xíu bị tai nạn, ngày nào các bạn cũng khóc vì thương bạn. Khi Xíu quay lại trường, ngày nào hội này cũng rủ rỉ rù rì cùng Xíu. Các bạn mua gấu bông và những món quà nhỏ để tặng Xíu. Chỉ cần trống trường điểm giờ ra chơi, hội chị em lại đẩy xe đến tận bàn, bế xốc bạn mình lên rồi đẩy đi chơi, cười vang khắp sân trường”.

Ở nhà, ngoài chiếc bàn ăn thì khoảnh sân nhỏ - chỗ đặt khung sắt tập đi cho bé Xíu - là nơi mọi thành viên hay quây quần. Phía trước mẹ ngồi, bên phải là chị Hai, cha đứng bên trái, ai nấy vừa hô hào cổ vũ vừa luôn trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ mỗi lần Yến Nhi bước đi chới với. Giờ thì Xíu có thể đi lại khá nhanh nhẹn và thành thục, có thể leo cầu thang. Xíu đã hoàn toàn tự tin khi hòa nhập với bạn bè, trường lớp.

Nhờ sự hồn nhiên của con gái,  chị Nguyệt đã có thể vui trở lại
Nhờ sự hồn nhiên của con gái, chị Nguyệt đã có thể vui trở lại

 

Hai năm sau biến cố lớn của một đời người hẳn chưa thể chữa lành hay khiến người trong cuộc quên đi mất mát. Song, hành trình vượt lên nghịch cảnh chính là một trải nghiệm quý giá, khiến nội lực mỗi người mạnh mẽ, kiên cường hơn.

Đôi mắt của chị Nguyệt bây giờ không còn trĩu nặng như xưa. Chị bảo bé Xíu chính là “người thầy” của chị.

Sự lạc quan, mạnh mẽ, hồn nhiên của Xíu đã dạy cho chị: Khi cuộc đời lấy đi của ta một thứ gì đồng thời cũng giao phó, tạo cơ hội để ta tìm thấy thứ khác quý giá hơn. Đôi chân chỉ là vật chất bên ngoài, nội lực mãnh liệt bên trong mới chính là nguồn sức mạnh quý giá gấp nhiều lần.

Chị tin con gái mình sẽ tiến bước dẻo dai, ngày càng trưởng thành trên đường đời. 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI