Nhiều bố mẹ cho rằng khi con còn bé thì không nên cho con ngủ riêng, cứ để con lớn rồi tính. Thực tế, nhiều trẻ 8,9 tuổi, thậm chí đã học cấp ba vẫn ngủ cùng bố mẹ.
Kế hoạch thất bại
Chị Nguyễn Kim Hoa (Chùa Láng – Hà Nội) có cậu con trai 10 tuổi tâm sự: “Vợ chồng tôi có mỗi cậu con trai, nên con được cưng chiều từ bé. Từ nhỏ đến giờ con tôi coi việc ngủ cùng mẹ như một lẽ đương nhiên, tôi cũng đã thử cho con ngủ riêng vài lần nhưng mọi kế hoạch đều bị phá sản. Tôi có tham khảo các mẹ nào là cho con một phòng riêng để con tùy ý sử dụng theo ý muốn của mình, nhưng cứ ngủ đến nửa đêm là thấy con ôm gối gõ cửa sang phòng bố mẹ và yêu cầu được ngủ chung như ngày xưa vì... con sợ ma. Cứ nghĩ đến việc con ngủ một mình trong bóng tối là tôi không nỡ từ chối, cứ như thế lần này qua lần khác lại thôi. Giờ tôi đành kệ vậy con muốn ngủ với mình đến khi nào con tự biết xấu hổ thì thôi”.
|
Khi có ý định cho con ngủ riêng, bố mẹ nên chuẩn bị tâm lý trước cho trẻ - Ảnh minh họa: Internet |
Chị Đinh Bích Ngọc (Quan Nhân – Hà Nội) có cô con gái 4 tuổi cho hay: “Vì tôi mới có em bé và có nói với con rằng bây giờ mẹ có em, con là chị con cũng lớn rồi đến lúc con nên chuyển ra ngủ riêng. Mẹ sẽ chuẩn bị cho con một căn phòng riêng rất xinh xắn và tất cả những đồ đạc trong phòng sẽ được trang trí màu hồng con yêu thích, con cũng có góc học tập cho riêng mình. Bố mẹ ở ngay phòng bên cạnh có gì thì cứ gọi bố mẹ. Bé đồng ý với điều kiện bố mẹ đưa ra, mấy hôm đầu thì bố có ngồi kể chuyện cho đến lúc con chìm vào giấc ngủ mới về phòng. Được mấy hôm thì con bảo: “Con ngủ chung với bố mẹ và em được không? Hôm qua con nằm mơ thấy con quỷ dữ bắt mất con, con có gọi bố mẹ cứu nhưng không ai nghe thấy cả. Có phải bố mẹ không cần con nên mới không nghe thấy con kêu cứu đúng không?”
Vợ chồng chị có ra sức giải thích cho con hiểu nhưng con nhất quyết không chịu ngủ riêng và đề nghị phải có bố hoặc mẹ ngủ cùng mới chịu đi ngủ.
Không nên cho con ngủ riêng quá sớm
Nói về vấn đề này chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Quý cho biết: “Việc cho con ngủ riêng sớm hay muộn là tùy thuộc vào phong tục tập quán của từng nước. Ở nhiều quốc gia trên thế giới thì ủng hộ việc cho con ngủ riêng ngay từ bé, nhưng cũng có nhiều nước lại không. Mỗi một quan điểm đều có những ưu nhược điểm riêng. Nếu bé ngủ với mẹ thì bé sẽ luôn cảm giác được an toàn, vì trẻ con thì bé nào cũng thích hơi mẹ. Nếu con ngủ riêng thì cũng có nhiều điểm tốt, con sẽ sớm tự lập hơn, mạnh mẽ hơn, bớt phụ thuộc vào mẹ.
Tuy nhiên chị cũng khuyên, bố mẹ không nên tách con ngủ riêng sớm quá! Vì thường là buổi tối trẻ hay khó ngủ và bị giật mình, ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ. Tốt nhất bố mẹ nên cho con ngủ riêng khi con được hơn một tuổi. Nhưng lúc này chưa nên cho trẻ ngủ riêng phòng, hãy để trẻ ngủ gần giường mẹ. Thông thường người mẹ luôn có điểm báo thức ở trên não, khi con ngọ nguậy hay giãy một cái thì mẹ thức dậy ngay, lúc này trẻ cần có sự quan tâm thì sự xuất hiện kịp thời của mẹ sẽ mang lại cảm giác an toàn cho con. Theo chị, bố mẹ hãy cứ để con lớn hẳn rồi hãy tách cho con ngủ phòng riêng.
|
Không nên cho con ngủ riêng quá sớm - Ảnh minh họa: Internet |
Chuẩn bị tâm lý trước cho con
Chị cũng đưa ra lời khuyên: “Trước khi cho con ngủ riêng bố mẹ nên chuẩn bị tâm lý trước cho con, nên khuyến khích trẻ bằng cách đưa ra những lời khen hoặc tạo cảm giác an toàn cho trẻ. Mẹ có thể nói với con rằng: “Mặc dù ngủ riêng, nhưng mẹ vẫn luôn dõi theo con, luôn xuất hiện lúc con cần”. Hoặc ôm ấp vỗ về để con từ từ chìm vào giấc ngủ để con cảm nhận được rằng bên cạnh mình luôn có người thân và tránh cho trẻ cảm thấy mình bị bỏ rơi một cách đột ngột. Tuy nhiên, khi cho con ngủ riêng mẹ cũng nên lưu ý là con ngủ như thế có vấn đề gì không? Xem con như thế nào?”
Chị chia sẻ, nhiều trường hợp con bị khủng hoảng thực sự khi bố mẹ cho ngủ riêng là do bố mẹ chưa chuẩn bị tốt tâm lý cho con. Mẹ nên nói với con: “Con đã lớn rồi, đã đến lúc nên ngủ riêng, con đã trưởng thành rồi, con phải tự hào là con rất giỏi, không phải sợ gì cả, bố mẹ luôn bên cạnh con”. Như vậy trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ dành cho mình.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Quý khuyên các bậc phụ huynh nên khuyến khích con bằng cách là trao phần thưởng khi con đã ngủ một mình thành công. Và phần thưởng củng cố hành vi với trẻ thì nhất thiết bố mẹ phải làm được, không được hứa suông. Còn nếu bố mẹ thấy thương con vì phải ngủ một mình, rồi con khóc lóc lại cho con ngủ cùng thì rất khó có thế thực hiện được kế hoạch.
Khả Như