“Ừ, sức khỏe là trên hết con ạ. Cha làm gà rồi đấy, mẹ bỏ mấy chục trứng gà trong hộp. Su hào, rau sống nhà mình trồng cả, con chia hàng xóm một ít cho vui. Tối nay, mẹ gửi xe hàng vô”. Mẹ tôi mới điện thoại vào, con gái chưa kịp trả lời thì đầu dây bên kia đã tắt máy. Năm nay, gia đình tôi không về vì COVID-19, mẹ sấp ngửa đóng hàng gửi tết quê lên phố.
|
Mẹ tôi đóng thùng bao nhiêu là thứ gửi lên cho con cháu (ảnh: Minh Đức) |
Hai tháng trước, mẹ tôi điện vào. Bà muốn hỏi kế hoạch tết vợ chồng con cái có về được không, nhưng lại vòng qua: “Tết này anh chị trong Sài Gòn có ra, cháu ở Hà Nội cũng sắp về”. Tôi bật cười hỏi lại: “Mẹ muốn biết gia đình con có về tết được hay không chứ gì?".
Mẹ tôi là vậy, lúc nào cũng kín đáo, tế nhị. Dù muốn con cháu về, nhưng hỏi thẳng ra sợ con bận việc nhà, nếu không về được lại buồn.
Tôi biết mẹ đếm tết từng ngày, nhà có bốn anh chị em mà mỗi đứa lập nghiệp mỗi nơi. Một năm chỉ có mỗi ngày tết chúng tôi mới có dịp về bên cha mẹ. Dù đã dặn trước ông bà đừng sắm sửa gì nhiều, nhưng tết nào gác bếp cũng chật ních đồ ăn. Mấy chàng rể “bị ép ăn” không biết bao nhiêu là món, đã thế lúc về lại thành phố còn lích kích cơ man bánh chưng bánh tét.
Tết năm nay thì khác, trong khi anh chị tôi còn phân vân vì chưa biết về hay ở, gia đình tôi đã quyết định không về, vì lo dịch bệnh.
Tôi cảm nhận được giọng mẹ chùng xuống qua điện thoại. Rồi mẹ âm thầm giục cha làm gà, nhổ rau chuyển vào.
Nhìn con gà trống được bọc kỹ trong bịch, nắm rau được gói bằng lá chuối khô, bì hàng còn nguyên dây lạt, nải chuối còn dính mấy nhát dao, tôi hình dung cha đã lọ mọ đeo kính nhặt lông gà cả chiều, mẹ bắc ghế chặt chuối vì cao với không tới được. Nghĩ thế, nước mắt tôi lại trào ra. Con cái ở phố thiếu thốn gì đâu mà cha mẹ lại vất vả đến thế.
Đồng nghiệp tôi quê Hà Tĩnh cũng đang soạn sửa quà quê. Chị gọi tôi qua nhà lấy ít thịt heo về ăn. Cha mẹ chị mổ cả con heo chỉ để gửi đi cho con. Chưa kể còn có cả giò bê, giò heo, chả cua.
Vừa soạn đồ chia cho tôi, chị vừa "cằn nhằn": “Thương mày ạ, tụi mình ăn xì xà xì xụm bao nhiêu đồ ngon, ông bà ở quê chỉ biết mấy con cá nục cá trích, con cháu về mới dám làm thịt con gà. Nghĩ vừa thương vừa tức, lương hưu ông bà có ăn thua gì đâu mà lâu lâu lại cất một mẻ lên phố cho con gái.
Câu chuyện “gửi tết quê lên phố” được chúng tôi rủ rỉ tiếp trong giờ nghỉ trưa. Anh Thắng - bạn tôi lại góp thêm một màu sắc mới. Trong khi anh không muốn cha mẹ phải qua mấy vòng mới gửi được hàng vào cho mình thì vợ anh lại rất hào hứng với chuyện này.
|
Chuối nhà còn vương mủ và vết dao cứa do cao mẹ với không tới được |
Vợ anh rất kỹ tính. Chị nhìn đâu cũng thấy thuốc trừ sâu, ung thư, do vậy khi nghe mẹ chồng “bật đèn xanh” mua lúa ở quê rồi xay cho, gửi lên phố, thế là chị mừng lắm. Cứ hai ba tháng ông bà nội lại gửi một chuyến kèm ít thịt heo, bò, gà còn “khuyến mãi” đủ thứ hành ngò, chanh ớt.
Sắp đến tết, chị lại nhờ cha mẹ chồng mua hộ cau trầu, chuối thờ, gà cúng, cá mè cá chép… Dẫu cho anh chồng cản “mấy thứ này mua phố cũng được mà”, chị vợ phân trần “thay vì mua trong này cái gì cũng đắt đỏ, lấy tiền đó biếu ông bà có phải hay hơn không”. Nghĩ vợ nói cũng có ý phải, anh bạn tôi chỉ còn biết trở thành người trung gian từ phố và quê, từ cha mẹ mình với vợ.
|
Mẹ còn biết con rể thích ăn rau xà lách trộn với hành tăm nguyên cây và ngò ta |
Tết thời COVID-19 không giống như những cái tết thông thường. Nhiều đứa con xa quê sắp đến giao thừa vẫn còn chần chừ đứng trước ga tàu “về hay ở”. Có những gia đình gần nhau đấy mà hóa ra xa khi con nhỏ trong khu cách ly mà cha mẹ lại đau đáu bên ngoài.
Vì dịch bệnh nên không có những lời hứa hẹn sẽ gặp nhau ở đâu, đi chúc tết vùng nào. Mọi thứ ngoài dự tính đều có thể xảy ra, chỉ có một điều duy nhất không bao giờ suy suyển, đổi thay là tình cảm của cha mẹ dành cho con cái.
Tết này con không về nhưng quê nhà vẫn ở trong tim, từ củ dưa hành muối xổi, nải chuối có những vết bầm, con gà còn nguyên dây chuối cột ở chân mà ông nội, bà ngoại gửi lên cho con cháu.
Tết xa nhưng vẫn thật gần!
Đức Hoàng