Con không thích đi trại hè!

21/04/2019 - 08:00

PNO - Hãy bàn cùng con trước khi bạn quyết định cho trẻ tham gia trại hè.

Không ít ông bố bà mẹ cho con đi trại hè, du học hè là để con cách ly máy tính, điện thoại, ti vi… rèn luyện kỹ năng để tự tin, trưởng thành. Hiệu quả từ các chương trình trại hè, du học hè là không thể phủ nhận, tuy nhiên, không phải mọi đứa trẻ đi trại hè, du học hè đều vui. 

Bé Gia Bảo (bé Tít) con trai MC Thảo Vân là một ví dụ. Tít rất năng động, dễ hòa nhập, nhưng sau một lần được mẹ cho đi du học hè ở Singapore, cậu bé tuyên bố: “Con không có nhu cầu tiếp tục đi du học hè”. Lý do cậu bé đưa ra là: “Sau một tháng du học hè, tiếng Anh của con cũng chẳng tốt lên bao nhiêu”.

Muốn con rèn tính kỷ luật, ngăn nắp, đi ngủ đúng giờ, bỏ thói quen ngủ nướng… cha mẹ thường cho con tham gia trại hè quân đội. Nhưng không phải trẻ nào cũng thích nghi với môi trường kỷ luật nghiêm khắc. Có ông bố bà mẹ giật mình đọc được nhật ký của con sau chuyến đi, con cho rằng mình bị bố mẹ ghét bỏ nên “tống khứ” vào môi trường khắc nghiệt. Chuyện bố mẹ phải vào trại đón con về sau một, hai ngày vì con không thể thích nghi, luôn tỏ thái độ bất hợp tác với ban tổ chức… không hiếm ở các học kỳ quân đội. 

Con khong thich di trai he!
 

Anh Lê Huy (Q.5, TP.HCM) từng cho con tham gia một trại hè công nghệ với kỳ vọng con sẽ yêu thích lắp ráp lego, robot. Con bắt đầu vào trại hè cả nhà căng thẳng. Sáng ra vợ chồng hò hét gọi con, áp tải ăn sáng, áp tải con đến trại hè đúng giờ. Sau vài ngày, người quản lý lớp khuyên anh chị nên tính toán lại. Cậu bé hiếu động, chỉ mê bóng đá, chạy nhảy, không ấn tượng gì với những hoạt động thiên về trí tuệ, lạc lõng giữa những bạn có thể ngồi yên hàng giờ để lắp ráp mô hình. “Rất may vợ chồng tôi được tư vấn kịp thời, nếu không, có thể ảnh hưởng đến tâm lý của con” - anh Lê Huy chia sẻ. 

Nói cho con đi trại hè để trải nghiệm, để tự lập, học hỏi, nhưng không ít cha mẹ lại chỉ dựa trên kỳ vọng của bản thân, không quan tâm đến sở thích, mong muốn của con. Có hai con tham gia cả trại hè quân đội lẫn chương trình du học hè Singapore, chị Ngọc Hiền (Q.3, TP.HCM) chia sẻ: “Với bé gái có kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng lãnh đạo, cả hai chương trình trại hè đều giúp con phát huy tối đa khả năng và sự chủ động của mình. Nhưng với cậu con trai hiếu động, thích khám phá, thì trại hè đơn thuần chỉ là một đợt vui chơi, được thử thách mình. Đừng kỳ vọng quá nhiều rằng con sẽ ngăn nắp, kỷ luật, biết cách chăm sóc bản thân sau trại hè quân đội. Một tuần khó có thể thay đổi thói quen đã hình thành trước đó. Một tháng đi du học hè được chăm sóc đến tận răng cũng khó khiến một đứa trẻ bừa bộn thành ngăn nắp và biết tự giác tự phục vụ”.  

Con khong thich di trai he!
Vẫn có những đứa trẻ không thích thú đi trại hè như cha mẹ nghĩ - Ảnh: internet

NSƯT Tuyết Thu kể lại kinh nghiệm của mình: “Trước khi cho con đi, tôi cũng phải nói chuyện với con rất nhiều. Ở độ tuổi cấp II, con không lường trước được những khó khăn dù giáo viên, phụ giảng luôn theo sát hỗ trợ. Tôi nói trước để con biết những hoạt động con sẽ tham gia, những quy định, kỷ luật… mà con phải tuân theo và cả những điều khác biệt so với cuộc sống ở nhà, từ món ăn, thời tiết, cách cư xử với những người xung quanh… May mắn, cả hai con tôi đều dễ thích nghi, có lẽ một phần do khi chọn chương trình, tôi cho các con bày tỏ quan điểm, mong muốn và bàn bạc rất kỹ”.

Qua mỗi mùa hè, các con của chị Tuyết Thu đều có sự thay đổi rõ rệt. Sau bốn tuần sinh hoạt, học tập với bạn bè quốc tế: tự tin hơn, năng động hơn, biết lên kế hoạch cho bản thân và có phương pháp học tập hiệu quả. Chị Thu cho rằng, cha mẹ không nên quá lo lắng, bởi nếu chọn được đơn vị tổ chức uy tín, các con sẽ được chăm sóc kỹ lưỡng. Với những bé nhút nhát, thiếu tự tin, phụ huynh có thể trao đổi trực tiếp với đơn vị tổ chức. Các giáo viên, trợ giảng sẽ có phương pháp động viên, giúp đỡ và kích thích để các con tham gia các hoạt động chung.

Thảo Vân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI