PNO - PN - Chấp nhận những điều khác biệt là việc không đơn giản của nhiều người. Vì lẽ đó, nhiều bạn trẻ với vẻ-ngoài-khác-biệt đang chịu nhiều điều tiếng. Các bậc phụ huynh tiếp nhận sự việc thế nào khi con đang có...
edf40wrjww2tblPage:Content
Con đang hư?
Khi con gái về nhà với mái tóc tom-boy, phải “đứng hình” một lúc, chị Thanh Quyên mới tìm được lời... rít qua kẽ răng: “Mày bị gì vậy? Ai cho phép?”. Hân - con gái 15 tuổi của chị bặm môi, chờ mẹ bùng nổ cơn thịnh nộ. Chị Quyên hét lên: “Bộ dạng đó là sao? Mày hết muốn sống rồi phải không?”. Nghe Hân lí nhí: “Con thích tóc này”, chị Quyên lập tức lao đến bạt tai con, đòi đuổi ra khỏi nhà. Hùi hụi tiếc mái tóc chấm lưng suốt bao năm “gìn giữ” cho con nên những ngày sau đó, bữa cơm nào chị Quyên cũng hậm hực, la mắng Hân hư đốn. Mâu thuẫn mẹ con chưa kịp lắng thì lần nữa, chị Quyên muốn... chết đứng khi một tối đi bán hàng về sớm, chị bắt gặp Hân trong “nhân dạng”: giày ba-ta, quần hip-hop, mũ két đội ngược. Chị lao tới giật mũ, đẩy con vào góc tường, yêu cầu con gái cởi quần rồi dùng kéo cắt vụn: “Mày ăn mặc người không ra người, ngợm không ra ngợm; đừng có hư thân mất nết quá vậy”.
Mẹ con chị Quyên sống trong một phòng trọ ở Q.Tân Phú (Hân đang là học viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.6). Bận bịu từ sáng đến tối mịt, chị không biết con có những đổi thay hình thức. Hân hiếm khi ra khỏi nhà, nhưng những lúc bước ra, đều trở thành trung tâm của sự chú ý bởi cách ăn mặc khác biệt: đội mũ ngược, mặc áo size lớn và luôn xắn tay, túm buộc một bên hông khoe vùng da bụng; quần hip-hop đủ màu; đầu luôn... gật theo điệu nhạc qua head-phone gắn thường trực trên tai, cắm từ chiếc điện thoại trong túi quần... Với chị Quyên, lời giải thích “con thích ăn mặc vậy” của Hân càng đóng đinh suy nghĩ: con đang hư. Hàng xóm quanh chị cũng xét nét, hồ nghi Hân: con bé này chắc quậy lắm, bợm lắm!
Thực tế, Hân là cô bé trầm tính, hiền lành và học rất khá. Nhưng trang phục của em đã “đánh lừa” cảm nhận của người khác, bởi tâm lý chung: sự khác biệt so với chung quanh luôn khó chấp nhận. Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM): “Mỗi người đều có sở thích ăn mặc riêng nên cần được tôn trọng. Không nên vì vẻ ngoài - chỉ đóng vai trò trang sức - mà quy kết, đánh giá bản chất con người họ”.
Khó chấp nhận
Nếu như Hân chỉ dừng lại ở sở thích có vẻ ngoài lạ lẫm, đã không nhận được thiện cảm của chung quanh, thì những “khác biệt” ở mức độ cao hơn (dựa theo phản ứng từ cuộc thăm dò bỏ túi của chúng tôi) - càng khiến nhiều người... nhăn mặt. Anh Thanh Luân (Q.Tân Bình) chia sẻ: “Con gái tôi 16 tuổi, đang học nghề cắt tóc. Cách đây nửa tháng, con đòi bấm lỗ mũi đeo khuyên. Tôi không cho vì sợ người khác đánh giá sai về con. Bản thân tôi cũng không ưa nổi một cô gái đeo khuyên mũi như vậy, huống gì ai”.
Chị Tuyết Mai (tỉnh Bình Thuận) thì điện thoại cho Tín - 22 tuổi, cậu con trai đang làm nhân viên một công ty truyền thông ở TP.HCM - đòi sống chết: “Sao con dám xăm mình. Ở đây người ta bàn con vừa gia nhập nhóm “du côn” nào đó”. Mọi việc khởi nguồn khi Tín khoe một hình xăm trên cánh tay lên facebook; “sức mạnh” của trang mạng này đã đưa tin về đến quê nhà. Khi được con giải thích, bà mẹ ấy vẫn dấm dẳng: “Phải xóa gấp chứ thế này rồi ai dám ưng con”... Không chỉ ở quê, ngay trên facebook của Tín, hai luồng cảm nhận khen chê châm ngòi cuộc tranh luận. Có lời bình “hình xăm rất nghệ thuật, nhìn mạnh mẽ, nam tính”, song cũng nhiều ý kiến: “Trông ngầu, “giang hồ” quá! Tín hiền lành, lịch lãm của ngày xưa đâu rồi”. Lại có tuyên bố: “Mình biết bạn từ trước chứ nếu không, mình không dám kết bạn”.
Rõ ràng, chỉ một hình xăm vẫn bị đánh đồng với bản chất con người. Ở mức độ “khác biệt cao” này, thạc sĩ Khắc Hiếu cho rằng: “Khoan vội quy kết mà cần xem động cơ, lý do. Nếu có người vì lý do tiêu cực như thể hiện đẳng cấp, trả thù đời, chứng tỏ... máu mặt mà chọn đeo khuyên mũi, mắt hay xăm mình thì cũng không ít người vì sở thích, coi nó như tác phẩm nghệ thuật để cảm thấy thú vị, tự tin hơn, nên chúng ta cần chấp nhận, tôn trọng cái tôi - nét riêng của họ”.
Thay đổi tư duy, cần sự định hướng
Hình thức không hoàn toàn nói lên tính cách, bản chất một con người nhưng ít nhiều có sự phản chiếu. Cộng với quan niệm đặc biệt tôn vinh vẻ đẹp nhân hậu, thuần khiết trong văn hóa, nếp nghĩ của người Việt, chuyện khó chấp nhận những gì đi chệch với quan điểm, cách nhìn chung là điều dễ hiểu. Song, một thực tế là những xu hướng, trào lưu mới, sự phá cách... thường có không ít điểm hay, mới mẻ và đáng được chấp nhận. Có thể vì những xu hướng đó chưa “đại chúng” và luôn “đi trước” nhận thức, tư duy của số đông nên thường chịu một lộ trình “trầy vi tróc vảy” để được đồng thuận, đón nhận. Sẽ thật bất công nếu cho rằng vẻ-ngoài-khác-biệt đó phản ánh “nội tâm”, bản chất, tính cách.
Có rất nhiều lý do dẫn đến việc người trẻ chọn lấy một vẻ-ngoài-khác-biệt: đơn thuần là sở thích, tạo phong cách riêng; để đánh dấu bước ngoặt nào đó trong đời hoặc để đón-xua điềm may-rủi... Lắm khi, đó lại chỉ do bốc đồng, nông nổi nhất thời hoặc... buồn tình, buồn đời hay “học đòi”, nghe theo lời rủ rê của bạn. Hơn nữa, khi sự khác biệt hình thức được xem là dấu ấn, điểm mạnh phong cách của phần lớn người nổi tiếng, thì việc bắt chước của người trẻ là chuyện khó tránh.
Do đó, bên cạnh người trẻ cần tỉnh táo khi chọn lựa một hình-thức-khác-biệt, bởi rất nhiều những khác biệt mang lại bao hệ lụy hoặc khó để “quay đầu”; thì người lớn cũng hãy là “bộ lọc”, cho con/em biết đâu là khác biệt hợp tình hợp cảnh.
TUYẾT DÂN
Thiếu thiện cảm
Khảo sát mang tên “Phản ứng trước những khác biệt hình thức ở giới trẻ - độ tuổi học sinh, sinh viên” trên 150 ông bố, bà mẹ; cho kết quả như sau:
- 50% không thiện cảm khi bắt gặp một bạn trẻ ăn mặc khác thường. 70% không chấp nhận con/em mình ăn mặc khác biệt.
- 80% không thiện cảm khi bắt gặp một bạn trẻ đeo khuyên mũi, khuyên mắt. 95% không chấp nhận con/em mình đeo khuyên mũi, khuyên mắt.
- 90% không thiện cảm khi bắt gặp một bạn trẻ xăm mình; 10% còn lại chấp nhận nếu đó là hình xăm nhỏ hoặc không “lộ thiên”. 95% ngăn cấm, không muốn con/em mình xăm mình; 5% còn lại cho con/em sở hữu hình xăm nhỏ, không “lộ thiên” nếu con/em đủ tuổi trưởng thành.
Tình yêu của chồng đã sưởi ấm trái tim tưởng chừng nguội lạnh của chị. Chị viết: “Tôi nhìn mọi thứ trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn sau những chuyến đi...".