'Con không đi học đâu!'

24/08/2019 - 07:00

PNO - Trước thềm khai giảng năm học mới, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM phải tư vấn và can thiệp điều trị cho khoảng 20 bệnh nhi vì sau kỳ nghỉ hè các bé... sợ đi học.

Cứ tới giờ đi học là... chơi trốn tìm

Trẻ không chịu đi học đa số là những bé vốn nhõng nhẽo do được thả lỏng quá lâu, chưa kịp thích ứng khi bị ép vào khuôn khổ. Tuy nhiên, trong số đó có một số bé bị stress nghiêm trọng, cần sự can thiệp khẩn cấp của chuyên gia.

Thạc sĩ - bác sĩ Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, không muốn đi học sau một kỳ nghỉ dài thường xảy ra ở lứa tuổi mẫu giáo hoặc lớp Một - Hai. Trẻ trong độ tuổi này còn ham chơi và chưa có ý thức về việc đi học. Tình trạng không muốn quay trở lại trường lớp đôi khi cũng xảy ra ở trẻ lớn nhưng nguyên nhân thường phức tạp, biểu hiện và hậu quả cũng nặng nề hơn.

'Con khong di hoc dau!'
Để trẻ không còn sợ tới trường sau kỳ nghỉ dài, phụ huynh tránh la mắng, cưỡng ép con (ảnh minh họa)

Đôi vợ chồng trẻ đưa cậu con trai 6 tuổi tới Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1. Cậu bé tên là N.V.Đ., ngụ tại quận Tân Bình. Mẹ cậu bé chia sẻ với bác sĩ: “Cháu không muốn đi học. Biết gần tới giờ đi học bé trốn mất. Cả nhà tìm khắp nơi mới kiếm ra. 

Cháu phản ứng rất gay gắt như lăn ra sàn nhà, ném cặp sách, gào thét… Xe đưa rước của trường tới đợi lâu quá nên không chờ được”. Không chỉ thế, người mẹ trẻ còn sụt sùi, tâm sự rằng chỉ vì chuyện đi học của cậu ấm mà không khí gia đình căng thẳng, vợ chồng cãi vã, đổ lỗi cho nhau. Chị và ông xã còn bị cơ quan khiển trách do đi làm muộn. 

Bác sĩ Thạc trao đổi với cha của bé Đ., nhận ra nút thắt của mọi chuyện chính bởi anh quá cưng chiều con. Anh thường nương theo yêu cầu của con trai, không nỡ ép con vào khuôn khổ. Khi có ai đó góp ý ông bố này còn hay tự ái, không thích ai nói đụng tới con trai mình.

Bé Đ. biết có cha hậu thuẫn nên được nước làm tới, suốt ba tháng hè được ngủ tới trưa mới dậy, thoải mái chơi game và thức khuya quen rồi. Sau khi nghe bác sĩ tư vấn, cha của bé đã thay đổi, làm lơ mỗi khi quý tử ăn vạ. Bù lại, thay vì để xe đưa rước của trường tới đón con, đích thân anh đưa bé đến trường.

Anh còn nhờ cô giáo quan tâm tới con, hỏi chuyện con nhiều hơn để bé cảm thấy được quan tâm, chăm sóc. Sau vài ngày kể từ khi áp dụng chiến thuật mới, bé Đ. đã vui vẻ tới trường.

Lập kế hoạch tự sát vì cảm thấy áp lực

Trường hợp nghiêm trọng hơn là câu chuyện của N.M.D., đang học cấp III, ngụ tại quận Phú Nhuận. Mẹ của D. là bác sĩ, tá hỏa đưa con tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám vì phát hiện D. đang lên kế hoạch giết hai em mình và tự sát. Bản thân bà mẹ chỉ biết D. không chịu đi học nữa (dù cô bé đang học rất giỏi ở một trường chuyên).

Chị đã khuyên bảo con phải đi học lại, rồi chị bị cuốn vào vòng quay công việc và quên bẵng đi cho tới khi D. tự nói với mẹ rằng: “Mẹ cho con đi khám đi, con thấy mình không ổn. Con đang định giết các em và tự sát, con chuẩn bị sẵn dao rồi”. 

Sau khi trò chuyện với bé D., đánh giá trên bảng lo âu, trầm cảm, bác sĩ Thạc xác định bệnh nhi đang trong tình trạng cần cấp cứu bởi có nguy cơ làm tổn thương bản thân và người khác. D. tâm sự rằng, hôn nhân của cha mẹ không hạnh phúc, cha mẹ chia tay và bé sống chung với gia đình mới của mẹ.

Hai đứa em cùng mẹ khác cha thường xuyên nghịch phá, làm phiền mỗi khi D. học bài, mẹ lại suốt ngày bận đi làm. Bên cạnh đó, cha ruột đặt kỳ vọng vào D. quá cao, lúc nào cũng yêu cầu con gái phải có điểm số dẫn đầu.

Đó chính là lý do càng gần tới ngày tựu trường D. càng không muốn tới lớp và có ý định tự sát, thậm chí giết cả em ruột để giải thoát mình khỏi những áp lực nặng nề. 

'Con khong di hoc dau!'
Thông thường, sau kỳ nghỉ dài phải quay lại trường lớp, trẻ cần thời gian từ bốn ngày tới một tuần để thích nghi - Ảnh: Minh Thanh

Bé D. được kê thuốc chống trầm cảm, ngoài ra bác sĩ đã hướng dẫn gia đình phải quan tâm tới bệnh nhi nhiều hơn.

“Tôi đề nghị mẹ của bé mỗi buổi trưa phải thu xếp công việc về nhà cơm nước, gần gũi, trò chuyện với con thường xuyên. Đặc biệt, mẹ phải thu xếp, giữ cho D. không gian yên tĩnh khi bé học bài, không được để các em nghịch phá làm phiền chị.

Ngoài ra, cha của bệnh nhi không nên đặt mục tiêu quá cao về điểm số cho bé. Nếu bé đuối ở môn nào thì cha mẹ cần hỗ trợ bằng cách nói chuyện với thầy cô giáo bộ môn đề nghị giúp bé bồi dưỡng thêm. Một điều quan trọng, tuyệt đối không để các bé ở nhà một mình, phải luôn có sự để mắt của người lớn, thậm chí lắp camera đề phòng bất trắc”, bác sĩ Thạc nói.

Những biểu hiện nào ở trẻ mà cha mẹ cần lưu ý?

Những biểu hiện cho thấy trẻ không muốn tới trường mà phụ huynh cần lưu ý là: khóc nhè, mè nheo, bỏ trốn trước giờ đi học, ăn vạ, quăng ném cặp sách, thậm chí đánh cha mẹ… Khi về nhà trẻ không vui vẻ kể về trường lớp, sống tách biệt thu mình trong phòng.

Nghiêm trọng hơn nữa là bé không hứng thú, ảnh hưởng tới tiếp thu bài vở, chất lượng học tập. Nếu phụ huynh bỏ lơ, trẻ dễ dẫn tới stress học đường, rối loạn lo âu, lâu dài thành trầm cảm. Lúc này bé sẽ có các biểu hiện nặng như: cáu gắt, đánh bạn vô cớ (một cách tự giải tỏa căng thẳng rất tiêu cực).

Thông thường, sau kỳ nghỉ dài phải quay lại trường lớp, trẻ cần thời gian từ bốn ngày tới một tuần để thích nghi. Nếu quá một tuần trẻ vẫn sợ tới trường thì cần sự can thiệp của chuyên gia tâm lý và phối hợp từ phía cha mẹ.

Phụ huynh cần làm gì?

Để trẻ không còn sợ tới trường sau kỳ nghỉ dài, bác sĩ Thạc khuyên:

- Tránh la mắng, cưỡng ép con.

- Tìm hiểu lý do vì sao con không thích đi học.

- Trước ngày tựu trường, cha mẹ nên thiết lập lại thời gian biểu, dần đưa trẻ vào giờ giấc quy củ. Nói cho con biết sắp đi học rồi, con phải nền nếp trở lại. 

- Trước khi đi ngủ, trò chuyện với con, giải thích vì sao phải đi học, những điều tích cực từ việc đi học (con sẽ được học môn mình yêu thích, gặp lại bạn bè...).

- Khi trẻ thức dậy đúng giờ, làm tốt, phụ huynh nên khen thưởng, tán dương, tạo động lực cho trẻ.

- Đối với các trẻ lớn, cha mẹ đừng đặt áp lực quá sức con, trò chuyện nhiều hơn để hiểu con đang khó khăn ở đâu, cần hỗ trợ thế nào.

Về phía chuyên gia tâm lý, khi điều trị cho các bệnh nhi sợ đến trường sẽ tùy từng cá thể mà có phương pháp phù hợp. Trước tiên, tâm lý gia sẽ trị liệu bằng cách khơi gợi các kỷ niệm đẹp liên quan tới học hành, trường lớp, hướng trẻ tới suy nghĩ tích cực.

Nếu trẻ kích động, có các hành vi gây tổn thương chính mình và người khác, bác sĩ sẽ cân nhắc cho dùng thuốc chống rối loạn lo âu để giảm các xung động kích thích thần kinh. Điều trị tâm lý cho trẻ không thể thiếu sự phối hợp từ phía cha mẹ, người thân. Phụ huynh cũng sẽ được hướng dẫn cách đồng hành cùng trẻ. 

Những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ không muốn đến trường:

- Sợ đi vệ sinh ở trường, không biết cách chăm sóc bản thân sau khi đi vệ sinh.

- Không thích, ăn không quen đồ ăn ở trường.

- Bị bạn bắt nạt, tẩy chay.

- Không muốn xa cách cha mẹ và người thân để đến không gian lạ với những người lạ.

- Không hiểu bài, học bị đuối hơn các bạn.

- Do người lớn hay dọa trẻ: nếu không ngoan là gọi cho cô giáo, gửi tới trường cho cô giáo phạt, lười ăn sẽ mách cô, không chịu học bài đến lớp bị cô đánh…

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI