Con không còn "tay cua" nữa

29/05/2023 - 15:54

PNO - Bé P. vừa cười vừa khoe đôi bàn tay đang được băng bó sau phẫu thuật tách ngón. Từ nay, bé không còn bị bạn ghẹo “tay cua”, cũng đỡ đau hơn khi viết chữ.

Thấy có khách ghé thăm, bé D.T.P. (9 tuổi, ở Củ Chi, TPHCM) liền ngồi dậy. Bé vừa cười, vừa giơ đôi bàn tay đang quấn băng gạc sau phẫu thuật tách ngón tay: “Tay con hết dính rồi”.

Bé P. bị dị tật dính ngón bẩm sinh từ nhỏ. Với bàn tay trái dính ngón út và áp út, còn bàn tay phải dính ngón giữa, áp út và ngón út. Dính ngón làm đôi tay của P. không chỉ bất tiện trong sinh hoạt, khó khăn khi đi học mà bạn bè còn trêu đùa con có đôi… “tay cua”.

Nhiều lần bị bạn ghẹo, đau nhói mỗi lần viết chữ, bé P. thường nói với mẹ cho bé đi điều trị. Gia cảnh quá khó khăn, mẹ của bé nhìn đi chỗ khác vì không biết phải trả lời con như thế nào.

Đôi tay của bé P. trước khi được phẫu thuật
Đôi tay của bé P. trước khi được phẫu thuật

Đối diện giường của P., em N.T.K. (14 tuổi, chị họ của bé P.) cũng suýt xoa đau sau phẫu thuật. Giống như P., mỗi bàn tay của em K. đều bị dính ngón út và áp út với nhau. 

Theo chị Nguyễn Thị Minh Thư (chị ruột của em K.), khi 2 bé tha thiết được điều trị, gia đình cũng đã đưa các bé đến một bệnh viện nhi tại TPHCM để khám. Bác sĩ nói phải phẫu thuật, nhưng gia đình không lo nổi chi phí nên đành đưa các em về.

“Bác sĩ nói mỗi ca phẫu thuật là hơn 20 triệu đồng. Từ nhỏ bé P. chỉ có mẹ, khó khăn lắm, còn nhà tôi cũng không khá hơn nên các bé đành gác lại hy vọng. Sau đó người quen của tôi nói ở Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh nghề nghiệp TPHCM đang có chương trình mổ dị tật miễn phí cho các bé, tôi đến đăng ký. Không ngờ cả em và cháu tôi đều được mổ”, chị Thư nói.

Bác sĩ Chu Văn Dũng – Đơn vị Phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh nghề nghiệp TPHCM – cho biết, do bé P. còn nhỏ, nên để đảm bảo sức khỏe cho bé, hiện tại các bác sĩ chỉ mới mổ tách ngón áp út và ngón út, phần ngón dính còn lại sẽ tiếp tục phẫu thuật lần sau. 

Bác sĩ Dũng kiểm tra vết thương sau phẫu thuật cho bé P.
Bác sĩ Dũng kiểm tra vết thương sau phẫu thuật cho bé P.

Hiện tại, vết mổ tách của bé P. và em K. đang lành, phục hồi tốt. Sau mổ các bé có thể vận động các ngón tay gấp duỗi. Các bé được mang nẹp, tập phục hồi chức năng để trở về sinh hoạt bình thường.

Nghe bác sĩ Dũng nói, bé P. ngoan ngoãn cám ơn và nôn nao sớm lành vết thương, phẫu thuật lần 2 để kịp đến trường trong năm học mới.

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Minh Hoàng – Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh nghề nghiệp – cho hay, 2 bé P. và K. đều được phẫu thuật trong chương trình "Nâng bước tuổi thơ, nâng bước thành công” do bệnh viện hợp tác cùng Quỹ Nâng bước tuổi thơ nhằm phẫu thuật miễn phí cho các bé bị dị tật bẩm sinh.

Bác sĩ Hoàng cho biết: “Khi trẻ mắc các dị tật bẩm sinh như hở hàm ếch, dính ngón… sẽ rất tự ti, khó để thành công trong cuộc sống. Chính vì vậy, chương trình này mong muốn điều trị dị tật, phẫu thuật sớm cho các em lấy lại sự tự tin.

Tính đến hiện tại đã có 20 trẻ đăng ký phẫu thuật các dị tật. Tất cả chi phí phẫu thuật, tái khám, phòng bệnh… các bé đều được miễn phí. Chương trình sẽ kéo dài không giới hạn thời gian và số lượng bệnh nhi. Tuy nhiên, ở giai đoạn này sắp nghỉ hè, chúng tôi ưu tiên cho những bé đang đi học để các bé có thể sớm lành vết thương, trở lại trường. Còn những bệnh nhi khác chúng tôi sẽ lên kế hoạch điều trị phù hợp”.

Làm đại sứ cho chương trình, gia đình nhạc sĩ Minh Khang đã hỗ trợ 20 phần quà cho 20 trẻ trong đợt phẫu thuật này, với số tiền 2 triệu đồng/bệnh nhi để động viên các bé và gia đình sau phẫu thuật. Anh chia sẻ: “Tôi cũng là trẻ mồ côi nên thấu hiểu khó khăn, vất vả của bệnh tật mà các bé đang mắc phải. Tôi mong rằng ngoài kỷ niệm Quốc tế Thiếu nhi 1/6, chương trình sẽ tiếp tục kéo dài để mang càng nhiều niềm vui, hạnh phúc cho trẻ”.

Nếu có nhu cầu phẫu thuật, điều trị cho con em mình, các phụ huynh có thể liên hệ địa chỉ sau:

Quỹ Nâng bước tuổi thơ (số 6 Nguyễn Lương Bằng, Nam Sài Gòn, quận 7, TPHCM, Email: hope@children-of-vietnam.org).

Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM (313 Âu Dương Lân, phường 2, quận 8, TP.HCM).

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI