Con không có lỗi khi con khác biệt: Đâu ai hạnh phúc khi chối bỏ mình!

30/09/2023 - 10:59

PNO - Sau khi lần lượt gả 2 cô con gái, mẹ hỏi Huỳnh Đăng (Đồng Tháp): “Chừng nào tới con?”. Chút bối rối, Đăng hỏi lại: “Mẹ muốn con cưới con gái hay con trai?”. Mẹ nói: “Con cưới ai cũng được, miễn là người con thương”.

Đăng ghẹo mẹ: “Ủa vậy chứ trước kia ai cứ mong con quen con gái, rồi lại khóc thầm trong đêm?”. Mẹ trầm giọng: “Chỉ vì mẹ sợ chừng nữa mày già, hổng ai nuôi mày”. Nghe Đăng chia sẻ, thời hiện đại, với sự phát triển của khoa học, sẽ có nhiều cách để có con, chẳng hạn như mang thai hộ hoặc cũng có thể xin con nuôi, có dịch vụ dưỡng lão… mẹ đã an tâm hơn. 

"Pê đê như em giờ thay máu có hết không anh?"

Chuyện nhà Đăng là một trong rất nhiều câu chuyện gia đình với đủ sắc thái đau thương, trăn trở, kỳ vọng, chấp nhận và hạnh phúc trong buổi họp mặt “Gia đình và tôi đồng ý” của cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính… (LGBTI+) và phụ huynh (PFLAG) từ 8 tỉnh thành: An Giang, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế, TPHCM. Chương trình được tổ chức tại Lãnh sự quán Mỹ vào cuối tháng 8/2023.

Một lần, trong đám giỗ nội A.K., một người bà con đã chỉ vào A.K. và nói: “Họ hàng rất nhục nhã khi có một đứa pê đê như mày”. Ký ức đầy chua chát mà A.K. vừa tái hiện khiến cả hội trường lặng đi vài giây. Dù là phụ huynh hay người trong cộng đồng đều trải qua những khoảnh khắc bẽ bàng như vậy, không ngoại trừ chính mình từng nặng lời với người khác vì mang nặng ác cảm.

Qua công tác xã hội và hiện là nhân viên Phòng khám Alo Care (TPHCM), A.K. đã thoát khỏi ngục tù định kiến ngay cả với bản thân và hỗ trợ cho những bạn thiểu số tính dục.

Động lực làm việc cũng là nỗi đau đáu trong A.K. là không ít bạn đã ra đi vì HIV/AIDS, khi phụ huynh chưa hiểu được con mình đã gặp những vấn đề gì và tỉ lệ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn cao. Dù chưa có số liệu chính xác trên diện rộng, A.K. tin rằng tỉ lệ lây nhiễm này gia tăng trên nền của sự kỳ thị và thiếu kiến thức.

Từ e sợ, xa lánh đến thấu hiểu, cảm thông rồi đồng ý, đồng hành là một chuỗi tháng ngày dai dẳng đấu tranh tâm lý của anh Nguyễn Thanh Vũ - Trưởng phòng Tư vấn, Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ; Chủ nhiệm Câu lạc bộ PFLAG Cần Thơ.

Khi còn học phổ thông, anh Thanh Vũ từng nghe báo đài, người xung quanh tiêm nhiễm những điều tiêu cực về người đồng tính. Khi là sinh viên, anh Thanh Vũ nhiều lúc phải giả vờ tìm một góc riêng ở khu ký túc xá để học bài, thực ra là để lánh mặt khi thấy một nhóm người đồng tính vào chơi với nhóm bạn trong khu ký túc xá.

Lúc đó, anh cứ sợ “lỡ các bạn đồng tính đó yêu mình, mình không yêu lại sẽ bị giết” giống như những vụ án mạng trên báo đài trong thời gian này. 

Ra trường, làm nhiệm vụ trong Chương trình can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho người nam có hành vi tình dục cùng giới (MSM) thuộc sở y tế, anh Thanh Vũ bị khủng hoảng tinh thần trước áp lực phải làm việc với những người mình từng kỳ thị, phân biệt đối xử. Lẽ khác, bạn bè, người xung quanh cứ xì xầm: “Chắc thằng Vũ cũng bị “xăng pha nhớt” nên mới làm công việc đó”.

Định kiến cay nghiệt nhất là khi các bạn trong cộng đồng phủ nhận cả bản thân. Một lần, anh Thanh Vũ giật mình khi một bạn đồng tính nam vỗ vai anh hỏi: “Pê đê như em giờ đi thay máu có hết không anh Vũ?”. Anh thầm nghĩ mà cay xé lòng khi chính người trong cuộc cũng tự kỳ thị mình, lờ mờ về nhận thức như chính anh ngày xưa.

Với anh Vũ, để lội ngược dòng định kiến, chỉ có cách là mở lòng và tìm hiểu, học tập và cập nhật thông tin chuẩn xác về LGBTI+. Khi chưa thấu hiểu, cảm thông thì không thể đồng ý, đồng hành, hỗ trợ cho các bạn và người thân của họ. Mà người trong cuộc, đâu ai hạnh phúc khi chối bỏ mình. 

Sao ba mẹ lại từ chối chính điều mình mong ước? 

Năm học lớp Mười, bạn A.Q. (Tây Ninh) đã không chấp nhận và còn nặng lời với anh bạn lớp Mười hai khi anh này tỏ tình. Dị ứng với tình yêu cùng dấu nhưng A.Q. chưa thực sự hiểu rõ mình vì cũng không rung động cả với các bạn nữ. Trong một lần cố gắng quen con gái, sau lần hôn môi, A.Q. về nói lời… chia tay.

Dù xót xa cho cô bạn vì quá đau đớn đến nỗi phải viết bức thư bằng máu, A.Q. vẫn quyết dừng yêu để tiếp tục hành trình khám phá bản thân. Ở TPHCM, tiếp cận được nhiều nguồn thông tin và đã biết mình là đồng tính nam, A.Q. bật cười, tự hỏi: “Vậy sao ngày trước mình lại kỳ thị người ta?”.

Cố gắng học tập, làm việc để tự lo cho mình, một ngày, A.Q. lấy hết sức bình sinh để thổ lộ với ba mẹ. Thật bất ngờ khi ba mẹ trả lời nhẹ tênh: “Ôi, tao biết từ lâu rồi mày ơi”. Bất ngờ “tập hai” là khi ba mẹ tâm sự: “Con cứ sống sao để khi nhắm mắt ra đi còn nở nụ cười rằng con đã sống trọn một kiếp người”. 

Vẫn còn nợ nhau nụ cười thanh thản ấy là nghịch cảnh của bao cha mẹ cố sức “kéo con trở lại” bằng vô vàn chiêu thức từ khuyên giải, dỗ ngọt đến đánh đập, xích nhốt, cấm vận nếu con vẫn… “cố lì”. Thậm chí có phụ huynh còn dắt con đi trị bệnh, khấn cầu đấng siêu nhiên.

Cô giáo Nguyễn Diễm - ở Cần Thơ - sau khi hiểu và chấp nhận con mình, đã tìm cách cung cấp thông tin, thuyết phục các phụ huynh khác. Một phụ huynh tuyên bố: “Nếu con tôi công khai điều đó, tôi sẽ tự sát”. Cô đã tích cực tới lui, “cưa cẩm”, tâm sự và kể cả tranh luận: “Khi có con, anh/chị mong ước điều gì? Chẳng phải là mong con mình được hạnh phúc hay sao? Nay con được hạnh phúc khi là chính mình, được sống trong tình yêu thương thì tại sao anh/chị lại từ chối chính điều mình đã mong ước?”.

Ông Nguyễn Quý Thắng có mặt và chung tay trong những ngày PFLAG Sài Gòn còn sơ khai năm 2012 với chỉ khoảng 10 phụ huynh, đa số là người mẹ. Ông kể, thời ấy, thông tin về cộng đồng LGBTI+ cực kỳ hiếm và thiếu chuẩn xác. Nhiều người vẫn cho rằng LGBTI+ là xấu xa, là lây, là lệch lạc, là phá vỡ quy luật tự nhiên…

Phụ huynh khi ấy gặp nhau chỉ khóc và khóc. Hơn 10 năm, mạng lưới phụ huynh đã lớn mạnh (trên 100 người cả cha lẫn mẹ hoạt động cho cộng đồng tại TPHCM và vươn ra các tỉnh khác). Phụ huynh không còn đau khổ, buồn bã; đã yêu và tìm hiểu con nhiều hơn.

Bảo Ngọc (đứng) hạnh phúc vì từng bước chân hoạt động xã hội đều có mẹ đồng hành
Bảo Ngọc (đứng) hạnh phúc vì từng bước chân hoạt động xã hội đều có mẹ đồng hành

Ông Thắng cho biết: “Con tôi đã định cư nước ngoài và kết hôn. Với tình yêu thương con dâng trào, chúng tôi đã bao bọc con trong gia đình mình, nhưng còn xã hội thì sao? Chúng tôi quyết tâm lan tỏa, kết nối để thực hiện sứ mệnh của mình là lá chắn, đấu tranh giành quyền cho các con trong cộng đồng”.

Tâm huyết của “bố Thắng” cùng các “ông tiên, bà tiên” (cách mà các bạn trẻ trong cộng đồng thương kính gọi các vị phụ huynh của hội PFLAG) như lời đáp hùng hồn khi có ý kiến cho rằng bạn trẻ LGBTI+ cứ âm thầm là chính mình, có ai cấm đâu, sao cứ phải hô hào, vận động. 

Đôi mắt Bảo Ngọc (An Giang) chợt rơm rớm khi kể lại hồi ông ngoại mất. Là cháu ngoại trai, nhưng sau thời gian dài rời xa gia đình, Bảo Ngọc đã quay về nhà đội tang trong thân xác một thiếu nữ. Trước bao con mắt của họ hàng, Bảo Ngọc ngại ngùng, rón rén, không dám chụp hình chung với gia đình, cứ “di trú” bên nhà hàng xóm.

Gần 10 năm xả thân cho hoạt động cộng đồng, giúp đỡ những bạn đồng cảnh, hiện Bảo Ngọc là thành viên ban điều hành mạng lưới của cộng đồng LGBTI+ của tỉnh An Giang. Sự hiện diện của mẹ Bảo Ngọc trong khán phòng, bên đứa con gái mạnh mẽ, đã vẽ nên một bức tranh êm đềm, nồng thắm, đáng ước mơ. 

Tô Diệu Hiền

Cả phụ huynh cũng có nguy cơ bị bạo hành

Ở bên ngoài đã nhiều nguy cơ, khi về gia đình, các bạn trong cộng đồng lại còn bị bạo hành thì quá bất bình đẳng. Tuy nhiên, không chỉ người trong cộng đồng bị bạo hành mà cả phụ huynh cũng có nguy cơ bị bạo hành, trở thành người yếu thế. Sự bất hạnh, nếu có, chỉ là do định kiến còn đè nặng và hiểu biết chưa đầy đủ. Đã có những tín hiệu vui khi xã hội xóa dần chữ “bị” trước chữ LGBTI+, chỉ còn lại là “tôi thuộc cộng đồng LGBTI+”. Thông điệp “Tôi đồng ý” cũng đã mở rộng hơn thành “Chúng tôi đồng ý”. 

Người dẫn chương trình Lưu Khiết 

Dậy sóng khi con có bạn đời

Bà Nguyễn Lang Mộng - một trong những phụ huynh tâm huyết đẩy lùi định kiến đối với LGBTI+ và ủng hộ hôn nhân cùng giới
Bà Nguyễn Lang Mộng - một trong những phụ huynh tâm huyết đẩy lùi định kiến đối với LGBTI+ và ủng hộ hôn nhân cùng giới

“Đối với gia đình có con thuộc cộng đồng LGBTI+, chấp nhận con là một hành trình dài và khó khăn. Khi con có gia đình nhỏ thì gia đình lớn thêm một lần dậy sóng với bao áp lực và quá trình chấp nhận con một lần nữa đầy gian nan và quyết liệt”. 

Bà Nguyễn Lang Mộng 

- thành viên ban điều hành PFLAG Sài Gòn

 

Nhóm chuyển giới gặp nhiều trở ngại hơn khi đi làm

55% người tham gia khảo sát đã và đang đi làm; trong đó cứ 4 người thì có ít nhất 1 người thỉnh thoảng nghe, nhìn, đọc được những nhận xét, bình luận tiêu cực về LGBTI+ từ đồng nghiệp (23,5%); tỉ lệ nghe được những điều này từ cấp trên là 17,9% và từ khách hàng, đối tác là 16,3%.

Đây là những hành vi được đánh giá là cá biệt, thỉnh thoảng xảy ra. Nhóm chuyển giới thường xuyên gặp nhiều trở ngại hơn trong quá trình đi làm, như người chuyển giới nữ bị hạn chế thăng tiến (10,5%) hoặc bị buộc mặc đồng phục không đúng mong muốn (21,4%), bị trả lương thấp hơn so với người khác cùng vị trí (5,3%) và 11,8% người chuyển giới nam cho rằng mình thường xuyên bị từ chối các phúc lợi lao động (bảo hiểm sức khỏe, thăm khám sức khỏe định kỳ, chính sách phúc lợi đi kèm cho người thân…).

(Theo kết quả nghiên cứu 
“Có phải bởi vì tôi là LGBTI?” năm 2023 của 
Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường - iSEE)
 

Tự hào hiện diện nơi đây, cùng cất lên tiếng nói

Nổi bật nhất trong buổi giao lưu là Hồng Phi - từ An Giang - không chỉ nhờ lực lượng ủng hộ hùng hậu (cả ba, mẹ, chị và em cùng đến) mà còn vì Hồng Phi và mẹ sang trọng, nền nã trong bộ áo dài đôi.

Khi 2 mẹ con được mời lên phát biểu, Hồng Phi nhường mẹ nói trước và không quên vài động tác động viên, củng cố tinh thần: “Mẹ cứ nói những gì mẹ suy nghĩ, ở đây không có đúng - sai”.

Cả nhà Hồng Phi từ An Giang đến TPHCM tham dự chương trình
Cả nhà Hồng Phi từ An Giang đến TPHCM tham dự chương trình

Sau vài giây bỡ ngỡ, ngập ngừng, mẹ Hồng Phi đã nói những lời tự hào khi con mình đã sống hạnh phúc, vững vàng, là một doanh nghiệp xã hội giúp đỡ được nhiều người. Từng tham gia phong trào VietPride diễn ra hằng năm của cộng đồng, Hồng Phi nhấn mạnh tự hào ở đây không phải tự hào chúng tôi là người LGBTI+ mà tự hào rằng chúng tôi đã hiện diện ở đây, đã cất lên tiếng nói, đã có những đóng góp để cộng đồng và xã hội thay đổi tích cực.

Hồng Phi “bật mí”, 2 mẹ con mới hiến mái tóc dài để ủng hộ cho bệnh nhân ung thư. “Trong cuộc đời, chỉ cần thương nhau là đủ, hơn là thương ai và lấy ai” - Hồng Phi dứt lời trong nụ cười ấm áp. 

Hoài Nhân

Suýt nữa “tình chị, duyên… em trai”

Tôi là người đồng tính nam. Người yêu đầu của tôi lại chính là người yêu cũ của… chị tôi. Sau khi chia tay chị tôi, anh ấy đã ngỏ lời với tôi. Cảm xúc ban đầu của tôi chưa hẳn là yêu nhưng tôi đeo bám anh ấy để học tốt (anh học rất giỏi), rồi tình cảm cũng nảy nở theo thời gian.

Trong một lần tôi và anh ấy đi ăn, chị tôi đã vô tình bắt gặp và nổi trận lôi đình. Về đến nhà, 2 chị em cự cãi ì xèo. Ba mẹ nghe mãi chẳng hiểu được chuyện gì, nhất là trước giờ 2 chị em vốn rất thân thiết. Khi 2 chị em trình bày tường tận sự tình, mẹ nhìn chị tôi, phán: “Ủa mà thằng đó cũng đâu phải là người yêu của con. Nó chỉ là người yêu cũ thôi mà, sao con không mở lòng với em con được?”. Tôi nghe qua quá ngỡ ngàng, không ngờ mẹ nghĩ thoáng như thế, không phản đối khi biết tôi là người đồng tính nam.

Về sau tôi mới hiểu, chị ngăn cản không phải vì chị kỳ thị. Trái lại, chị rất ủng hộ và đồng hành khi tôi tham gia hoạt động cộng đồng LGBTI+. “Mày yêu ai thì yêu, nhưng mày không được yêu ông đó. Tao biết ổng sao tao mới chia tay” - chị nói. Hiểu rằng chị thực sự muốn tôi trao trái tim đúng chỗ, tôi đã không tiếp tục mối quan hệ ấy và đã tránh được bi hài kịch “tình chị duyên… em trai”.

M.M. (Tây Ninh)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI