Con không chịu đi học, phải làm sao?

10/09/2024 - 06:01

PNO - Ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, rất nhiều trẻ không chịu đi học. Mỗi ngày với phụ huynh là “một cuộc chiến” bắt đầu từ việc đánh thức, thay quần áo, ăn sáng, đến trường. Có trẻ đến cửa lớp rồi nhưng nằng nặc không chịu vào, la hét, quấy khóc… mặc cho thầy cô, phụ huynh dỗ dành.

Cứ đến cổng trường là la khóc

Mấy ngày qua, chị Trịnh Thị Kim Anh (ngụ quận 10, TPHCM) rất mệt mỏi khi phải “chiến đấu” với chuyện đi học của con trai, bởi bé nhất định không chịu vào trường.

Chị ngán ngẩm kể: “Con tôi năm nay học lớp Một nhưng cứ muốn học với cô giáo mầm non thay vì cô chủ nhiệm mới. Vào học được 3 ngày nhưng hôm nào 2 mẹ con cũng xoay vòng vòng vì con cứ trì hoãn, quấy khóc khi mẹ gọi dậy đi học. Vợ chồng phải cùng chở con đi học vì sợ con vùng vẫy, nhảy xuống xe. Càng gần tới cổng trường, con càng la hét”.

Nếu nhận thấy trẻ đi học về có các biểu hiện bất ổn về tâm lý, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp các chuyên gia tâm lý để khám và được hỗ trợ - ẢNH MINH HỌA: PHẠM AN
Nếu nhận thấy trẻ đi học về có các biểu hiện bất ổn về tâm lý, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp các chuyên gia tâm lý để khám và được hỗ trợ - Ảnh minh họa: Phạm An

Chị Kim Anh cho biết trước đây con của chị học mầm non rất ngoan, sáng đều tự giác thức dậy ăn sáng, uống sữa rồi ngồi sau xe mẹ chở đi học. Chị cứ nghĩ việc vào lớp Một của con sẽ rất suôn sẻ, nào ngờ.

Chị Hoàng Ngọc Thu (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) cũng đang cố gắng rèn cho con gái 4 tuổi đi học. Trước đó, chị đã trò chuyện cùng con, chở con đi ngang trường để giới thiệu cho con trường mới. Vậy mà mỗi khi đi học, con gái lại ỉ ôi “cho con ở nhà thêm 1 ngày”. Hiện, các bạn đã đi học, còn con gái chị vẫn xin nghỉ thêm.

Chị kể: “Tôi cho con nghỉ 2 ngày. Cố gắng mãi con mới chịu thay đồ đến trường, nhưng cô giáo vừa ra đón, con lại la hét, khóc lóc. Con vào học, tôi làm việc chưa hết buổi sáng thì cô giáo gọi rước bé, bởi con khóc suốt, rồi nôn ói, kêu đau đầu, nhất định đòi mẹ đến rước về”.

Thạc sĩ Phùng Thị Lụa (Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM) phân tích, qua một thời gian được nghỉ hè ở nhà, trẻ đã quen với nhịp sinh hoạt hằng ngày như ăn ngủ, vui chơi, xem điện thoại thoải mái. Khi nghe đi học, cảm giác đầu tiên của con là xa cha mẹ, người thân nên bất an, lo lắng. Rất nhiều bé khóc nhè, la hét không chịu vào lớp.

Những bé lần đầu đi học sẽ có tâm lý phản kháng nhiều hơn. Nếu cha mẹ tiếp tục ép, trẻ có thể nghe lời đi học nhưng sẽ luôn trong tâm thế bồn chồn lo lắng, liên tục trông ngóng phụ huynh đến rước về. Bất an kéo dài dễ làm trẻ rơi vào rối loạn lo âu chia ly, nhất là trẻ mầm non.

“Với trẻ vào lớp Một, hay chuyển sang trường mới có thể làm cho bé khủng hoảng, lo âu vì bạn bè, thầy cô, trường lớp đều mới lạ. Có bé trở nên căng thẳng, mệt mỏi, tìm cách trì hoãn, phản kháng nếu bắt buộc phải vào lớp” - chị Phùng Thị Lụa chia sẻ.

Để con sẵn sàng đi học

Theo chị Phùng Thị Lụa, để tránh việc cho con đi học trở thành “ác mộng”, cha mẹ cần giúp con tạo cảm hứng đi học. Cha mẹ trò chuyện về trường lớp, mô tả trường mới, đưa con đến quan sát, khám phá trước để trẻ có cảm giác thân quen, từ đó có sự chuẩn bị về tâm lý.

Trẻ vào lớp Một chuyển từ môi trường vừa học vừa chơi ở mầm non, sang hoạt động chủ đạo là học tập, tuân thủ nội quy, nền nếp, thời gian biểu của lớp. Vì vậy, cha mẹ cần cho con chút thời gian để thích nghi, cũng như điều chỉnh các thói quen sinh hoạt trong thời gian nghỉ hè, từ đó con sẽ sẵn sàng đi học hơn.

Theo đó, cha mẹ hãy nhắc trẻ đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc giúp con dậy đúng giờ mà không mệt mỏi, quấy khóc. Khi gọi con thức dậy, cần nhẹ nhàng, thủ thỉ hơn là lay mạnh hoặc “dựng” con ngồi dậy đột ngột. Dần thay thế điện thoại, máy tính bảng bằng sách vẽ, hoặc các câu chuyện hay trong sách giáo khoa. Khi trẻ bị sách vở thu hút, cũng sẽ có tâm thế đi học và tiếp thu tốt hơn khi đến lớp.

Để rèn luyện sự tập trung khi ở lớp, cha mẹ tập cho trẻ thói quen hoàn thành các công việc yêu thích theo khung giờ, nhắc nhở, khuyến khích con hoàn thành các công việc đúng giờ. Việc rèn luyện để có tính kỷ luật rất quan trọng với trẻ, bởi khi đi học, trẻ không có cảm giác bị gò bó, chán nản chờ giờ ra chơi, ra về.

Nếu trẻ một mực không vào lớp, cha mẹ hãy nhẹ nhàng động viên, đón con đúng giờ, tránh hù dọa trẻ theo kiểu bỏ mặc, không rước con. Điều này sẽ khiến trẻ luôn bất an, sợ hãi, càng khó thuyết phục trẻ đến trường.

Trường hợp trẻ thích đi học nhưng đột ngột sợ hãi, buồn bã sau giờ học, cha mẹ cần trò chuyện với con để kịp thời biết và xử lý những trở ngại mà trẻ đang gặp phải. Bởi có thể môi trường học tập không phù hợp hay trẻ bị bạn bè bắt nạt, gặp các vấn đề về sức khỏe… Phụ huynh trao đổi để thầy cô nắm rõ tình hình và hỗ trợ bé khi đến lớp.

Thạc sĩ Phùng Thị Lụa cũng khuyến cáo, mặc dù trẻ đã chấp nhận đến trường, cha mẹ cũng cần quan sát trẻ thật kỹ, thường xuyên trò chuyện với con.

Nếu trẻ hay bị căng thẳng, mệt mỏi, chán ăn, không muốn nói chuyện với ai, tỏ ra sợ hãi, khó ngủ… rất có thể trẻ vẫn còn đang trong trạng thái lo sợ đến lớp hay sự căng thẳng làm con bị rối loạn chia ly lo âu, cũng như các vấn đề tâm lý khác. Lúc này, cha mẹ hãy đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý để khám và lên kế hoạch tốt hơn cho trẻ.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI