Con không cần làm người hùng, con cần an toàn trước hết

10/04/2025 - 11:30

PNO - Các con không được một mình cứu người gặp nạn, không được làm “anh hùng” khi chưa đủ sức.

Mới đây, khi theo dõi clip triệu view về em bé gần 3 tuổi ở Nghệ An nhanh trí báo hiệu cho người thân giải cứu người bạn không may rơi xuống hố nước, trong tôi đã dấy lên rất nhiều cảm xúc và trăn trở.

Nhân vật chính của đoạn video tên đầy đủ là Nguyễn Nam Phong, gần 3 tuổi, là con nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (xóm Quyết Thắng, xã Nghi Diên, H.Nghi Lộc, Nghệ An).

Ảnh cắt từ camera ghi lại cậu bé gần 3 tuổi gọi người lớn cứu bạn tại Nghệ An
Ảnh cắt từ camera ghi lại cậu bé gần 3 tuổi gọi người lớn cứu bạn tại Nghệ An

Khi phát hiện ra người bạn 5 tuổi rơi xuống hố nước trước nhà, Nam Phong, cậu bé gần 3 tuổi đã với tay thử kéo bạn lên nhưng không hiệu quả, em nhanh trí bỏ lại bạn rồi hớt hải chạy vào sân nhà tìm người thân giúp đỡ.

Camera ghi lại, người đầu tiên em tìm đến là mẹ. Nam Phong níu áo mẹ, bật lên vài từ “Mẹ ơi, cứu”. Khi thấy mẹ và những người lớn gần đó vẫn còn bình thản, chưa hiểu ý mình, em tiếp tục dùng ngôn ngữ cơ thể để ra hiệu rồi te tái dẫn đường chạy trở lại nơi xảy ra tai nạn. Trong tích tắc, những người lớn có mặt tại sân nhà đều cuống quýt chạy theo Nam Phong.

Bé trai 5 tuổi mắc kẹt cuối cùng đã được cứu, Nam Phong nhanh chóng trở thành “hiện tượng” sau khi clip ghi lại tình huống được chia sẻ nhanh chóng trên mạng.

Thành thật mà nói, khi xem đoạn video, ngoài việc bất giác bật cười vì sự ngây ngô, hớt ha hớt hải rất đáng yêu của một chú bé con, tôi còn nhẹ nhõm, thở phào đồng tình với kỹ năng, cách xử trí tình huống thông minh, “vừa vặn” lứa tuổi của Nam Phong.

Với tôi, điều một đứa trẻ cần có trong những tình huống tai nạn, đối mặt với nguy cấp hoàn toàn không phải là khả năng giải quyết rắc rối một cách triệt để, phi thường mà là những phản xạ, phản ứng logic, bình thường nhưng an toàn và phù hợp.

Các con không được một mình giải cứu, không được làm “anh hùng” khi chưa đủ sức. Thực tế, đã có quá nhiều sự việc thương tâm xảy ra khi các em nhỏ không biết bơi nhưng vẫn liều mình lao ra giữa dòng nước dữ cứu bạn, hay như khi các em thiếu kiến thức y tế nhưng vội vã xử lý những sự cố liên quan đến cháy nổ, té ngã, hóc, vướng dị vật…

Trẻ em cần được nhà trường, cha mẹ, người thân giáo dục nhất quán, rất rõ một điều: Giúp người là việc tốt, là lòng tốt, nhưng lòng tốt cần đi kèm với kỹ năng, kiến thức và sự tỉnh táo mới có thể hiệu quả, đảm bảo an toàn.

Mẹ cần thường xuyên trò chuyện, đóng vai với con trong rèn luyện cách xử lý tình huống nhằm đảm bảo an toàn ( Ảnh minh họa: Freepik)
Mẹ cần thường xuyên trò chuyện, hướng dẫn con trong rèn luyện cách xử lý tình huống nhằm đảm bảo an toàn (Ảnh minh họa: Freepik)

Là một người mẹ có 2 con nhỏ, tôi thường xuyên tìm đọc những thông tin, tài liệu về giáo dục và các kỹ năng, phương pháp trong đồng hành, nuôi dạy trẻ. Mới đây, tôi bắt gặp danh sách những kinh nghiệm, gợi ý tình huống rèn luyện kỹ năng sống chia sẻ trên Facebook rất hay. Tác giả viết:

"Khi đi qua đoạn đường vắng, gặp người lạ hỏi đường, nhờ giúp đỡ, nhờ cầm đồ, nhờ lấy đồ, nhờ dẫn đường, mẹ có thể dặn con: Con không nên trả lời, không giao tiếp với người lạ khi con đang ở một mình, hãy tìm cách rời khỏi khu vực vắng người và bị người lạ đeo bám.

Khi bạn của con bị ngã, bị thương hoặc khóc, mẹ có thể dặn con: Con không nhất thiết phải tìm mọi cách để đỡ bạn, bế bạn lên, nhất là gần khu vực nguy hiểm như ao hồ, khu bếp có khói lửa, những vực đất mấp mô, ban công, tầng cao… Lúc đó phản xạ đúng là con nên chạy thật nhanh đi tìm người lớn gần đó rồi hô to để mọi người chú ý.

Khi trong nhà thấy khói, ngửi thấy mùi cháy hoặc báo cháy, báo chập điện, mẹ dặn con: Con cần bỏ xuống đồ chơi, sách vở ngay lập tức, tìm cách thoát khỏi phòng, không nên trốn trong tủ/ghế/giường, hãy chạy nhanh ra ngoài và gọi người lớn.

Khi con lạc bố mẹ ở siêu thị, công viên, khu vực công cộng đông người, mẹ dặn con: Con không không chạy lung tung tìm, con hãy khóc to hoặc nói to lên về tình trạng của mình, tìm những cô chú, những người mặc đồng phục hoặc một ai đó đang đi cùng con nhỏ để nhờ giúp đỡ tìm lại bố mẹ (trẻ từ 3 tuổi là bắt đầu dạy con nhớ số điện thoại và địa chỉ nhà mình để tiện liên lạc khi có sự cố bị lạc).

Khi có người lạ cho quà, rủ con đi chơi, mẹ dặn con: Con không được nhận, không tự ý đi theo, con nên trả lời người lạ là “Con sẽ hỏi ý kiến ba/mẹ con trước”.

Khi đang vui chơi, sinh hoạt nhưng vô tình con bị rơi rớt đồ đạc vào khu vực nguy hiểm như sông suối, ao hồ, khu vực có nhiều dị vật hay quá lạ lẫm, mẹ dặn con: Không cúi xuống vớt đồ, hãy gọi người lớn. Ba mẹ sẽ không trách giận mà luôn sẵn sàng nghĩ cách giúp con".

Cuộc sống phong phú, muôn màu và luôn đa dạng hơn những gì ghi trong sách vở. Chúng ta dù yêu thương các con đến mấy thì tất nhiên vẫn không thể bên con mọi nơi mọi lúc, không thể đi cạnh bên con suốt cả cuộc đời. Điều chúng ta có thể làm tốt nhất chính là truyền đạt, rèn luyện, trang bị cho các con về kiến thức, khả năng xử lý tình huống thật thông minh, phù hợp.

Xin đừng dạy trẻ làm anh hùng khi sức lực và tuổi đời các con còn nhỏ, hãy dạy các con về kỹ năng thể hiện lòng tốt một cách linh hoạt, hiệu quả và đảm bảo an toàn. Trong bất cứ trường hợp nào, an toàn vẫn là ưu tiên số một.

Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Liệu bạn còn gợi ý nào thêm về những tình huống rèn luyện kỹ năng sống hay cho các con?

Minh Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI