Con kêu ca gì, mẹ đáp ứng đó

24/03/2020 - 14:37

PNO - Không ít phụ huynh nhét vào ba lô của con đồ ăn cao cấp để ăn riêng hoặc yêu cầu gắn quạt riêng chỗ con ngồi...

Mấy ngày nay, học sinh của tôi liên tục share những bộ hình đối lập giữa các du học sinh ưa kêu ca và các thanh niên tình nguyện. Những tấm hình chụp ở cùng một khu cách ly tại TPHCM.

Đa số các em nêu cảm xúc giận dữ, cho rằng các du học sinh "không biết điều". Dù có thể khu cách ly được dọn gấp gáp để đổi công năng từ ký túc xá sinh viên sang điểm cách ly, nên không có chiếu, mền, thì việc gia đình gửi vào cho con là cần thiết. Nhưng đáng buồn ngoài những đồ dùng cơ bản, thức ăn nước uống theo nhu cầu cá nhân thì còn có tủ lạnh, thậm chí cả bia và những món đồ cồng kềnh khác.

Không ít gia đình gửi cả tủ lạnh vào khu cách ly cho con. Ảnh từ Internet
Không ít gia đình gửi cả tủ lạnh vào khu cách ly cho con. Ảnh từ Internet

Một phụ huynh viết trên Facebook: "Con mình cũng đi cách ly, định không tiếp tế gì cả, nhưng đến khi con nhắn gửi vô cho con sim 3G, quạt và ổ điện, thì đành phải làm. Vì phòng sinh viên dọn đi chưa có chiếu, mền, quạt, suốt đêm con không ngủ được". Trước đó phụ huynh này từng phản đối đám đông phụ huynh trước cổng khu cách ly, vì nghĩ điều kiện ăn ở của các con giống những khu cách ly chỉn chu khác của quân đội.

Chia sẻ của chị được bạn bè thông cảm, vì tâm lý người làm cha làm mẹ bao giờ cũng vậy, luôn muốn con vui, khoẻ. Sẽ chẳng ai nỡ trách phụ huynh tiếp tế cho con vài thứ liên quan đến ăn ngủ mà lực lượng cách ly chưa chuẩn bị kịp. Nhưng muốn biến phòng cách ly thành nơi tiện nghi với tủ lạnh, bia... thì lại làm quá rồi.

Suốt những năm làm giáo viên chủ nhiệm, nhiều lần tôi chứng kiến phụ huynh chăm lo chiều chuộng con thái quá. Ví như lớp tổ chức đi dã ngoại, đồ ăn thức uống đã chuẩn bị đầy đủ cho tất cả các thành viên ăn chung. Nhưng không ít phụ huynh nhét vào ba lô của con đồ ăn cao cấp để ăn riêng, vì sợ con đói. Tôi không khuyến khích các em mang thức ăn riêng, vì việc ăn chung với lớp giúp tăng sự đoàn kết gắn bó, không phân biệt giàu nghèo...

Có phụ huynh còn đề nghị tự lắp một cái quạt ở chỗ ngồi của con ở trên lớp vì con đi học về toàn than thở: nóng quá, học không "vào". Tất nhiên yêu cầu đó không được đáp ứng, vì mọi học sinh đều bình đẳng khi đến trường. Đôi khi vì con kêu ca để né tránh chuyện học, phụ huynh lại nghĩ có thể khắc phục bằng cách đó.

Để chuyển đồ tiếp tế vào khu cách ly, lực lượng hậu cần phải căng sức làm việc giữa trời nắng. Ảnh từ Internet
Để chuyển đồ tiếp tế vào khu cách ly, lực lượng hậu cần phải căng sức làm việc giữa trời nắng. Ảnh từ Internet

Theo quan sát của tôi, những đứa con được ba mẹ chiều chuộng, đòi gì được nấy, thường cô đơn, rất khó hoà đồng với tập thể. Chưa kể vì được bảo bọc từ nhỏ nên khi lớn lên sẽ luôn ỷ lại thụ động, trông chờ vào người khác.

Có những thời điểm cha mẹ cần phải biết kiềm chế tình thương và bớt chăm sóc con để chúng có cơ hội trưởng thành, tập thích nghi với hoàn cảnh. Chứ chỉ cần cực khổ một chút, không thoải mái như ở nhà là than thở, cầu cứu ba mẹ, thì làm sao mà lớn.

Trở lại câu chuyện tiếp tế trong khu cách ly, tôi nghĩ phụ huynh nên động viên con hãy nhìn những tình nguyện viên đang phải nằm dưới đất để phục vụ mình, con sẽ thấy quý trọng những thứ đang có. Hãy giúp con hiểu để vui vẻ tận hưởng điều may mắn của mình, thay vì con phàn nàn, kêu ca gì, mẹ cũng vội vàng đáp ứng.

Lam Hà (Giáo viên THPT tại Quảng Trị)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI