Con kể, ba nghe

15/10/2024 - 12:38

PNO - Vài lần thử kể chuyện, tôi bị thằng bé nhận xét thẳng thừng: “Ba đừng kể nữa! Ba kể… chán quá hà. Truyện đó con biết rồi”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hồi còn nhỏ, chắc cũng phải trên 35 năm rồi, những buổi tối như thế này, bọn nhỏ chúng tôi lại quây quần bên chiếc radio rè rè của ông ngoại để nghe chương trình thiếu nhi Bà Tám kể chuyện của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM.

Mỗi tuần, bà Tám chỉ kể có 2 ngày, mỗi lần kể đâu chừng 15 phút. Bao nhiêu là trông đợi, bao nhiêu là mong chờ. Sau này lớn lên, hiểu thêm về ngành thu âm, lồng tiếng, tôi biết có những diễn viên lồng tiếng hay phát thanh viên có thể giả được nhiều giọng khác nhau.

Không biết ngày đó, ai là người đóng vai bà Tám trong chuyên mục ấy, nhưng trong tâm trí của chúng tôi đã vẽ ra hình ảnh một bà cụ tóc trắng như cước, cái miệng móm mém, ánh mắt hiền từ, chờ đến tối để ngồi vào bên trong cái radio mà kể chuyện. Mà chuyện nào của bà cũng ngắn, bọn trẻ chúng tôi nghe chưa đã thèm, bà đã vội “chào tạm biệt các cháu”.

Bây giờ, internet, công nghệ phát triển. Đứa nhỏ nhà tôi, dù chỉ mới học mẫu giáo, cũng đã rành cách mở YouTube, dùng công cụ tìm kiếm bằng âm thanh (đọc tên truyện) để tìm ra rất nhiều phiên bản phim, truyện cổ tích.

Không còn cảnh trẻ con trông chờ cả tuần để nghe truyện như chúng tôi ngày xưa. Tôi cũng đã vài lần thử làm “ông Tám kể chuyện” dụ con, nhưng bị thằng bé nhận xét thẳng thừng: “Ba đừng kể nữa! Ba kể… chán quá hà. Truyện đó con biết rồi”.

Tiu nghỉu, tôi đành nghĩ cách khác để buổi tối của 2 ba con thú vị hơn. “Ba kể chán thì Tũn kể cho ba nghe nhé” - tôi gợi ý. Không ngờ, thằng bé hào hứng. Nó bắt đầu kể đủ thứ chuyện mà nó xem được trên điện thoại: chuyện tốt có, chuyện nhảm có, chuyện vô bổ, kể cả những chuyện độc hại không phù hợp lứa tuổi cũng được cậu chàng kể cho ba nghe một cách đầy hào hứng.

Tôi nghe mà đâm hoảng, nhưng ráng kìm chế; bởi chỉ cần nghiêm mặt la rầy, lần sau thằng bé mất hứng, sẽ không còn muốn kể cho ba nghe nữa.

Tôi kiên nhẫn lắng nghe, chỗ nào hay thì bày tỏ sự thích thú, chỗ nào chưa hay, chưa phù hợp thì khéo léo hỏi: “Ui, có vụ này nữa hả, ba mới biết đó. Tũn coi cái này ở đâu? Ba thấy chuyện này có chỗ chưa hay nè”. Cứ thế, tôi nhập vai làm bạn của thằng bé 5 tuổi, thuộc vanh vách tên những nhân vật hoạt hình đang là “hot trend”, biết được mỗi khi xem điện thoại của ông bà ngoại hay xem ké của anh chị họ thì thằng bé xem gì, biết trang nào tốt, trang nào nhảm, kênh nào độc hại để hướng dẫn cho con.

Những buổi tối, khi vợ tôi rửa chén, dọn dẹp gian bếp cũng là thời gian 2 ba con rủ rỉ cùng nhau. Con nói là chính, còn ba chỉ lắng nghe, thi thoảng hưởng ứng và “nhắc nhẹ”. Thấy không bị la rầy, Tũn rất mê ba, có chuyện gì vui, có bí mật gì cũng ưu tiên: “Để con kể ba nghe”.

Từ câu chuyện của con trai, tôi mới cảm nhận rõ thời đại đã thay đổi, cách giáo dục một chiều - chỉ cho trẻ nghe những gì tốt đẹp thông qua truyện cổ tích, ngụ ngôn như cách ngày xưa mà chúng ta được dạy - đã không còn hiệu quả. Cũng không thể cấm đoán bọn trẻ tiếp cận thế giới mạng bao la với đầy rẫy chuyện xấu, chuyện tốt lẫn lộn. Thay vào đó, chúng ta nên tìm cách đến gần hơn với trẻ và đồng hành cùng con trong thế giới nhiều thứ khôn lường này.

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI