Con hư tại bố

14/04/2016 - 10:00

PNO - Chị từng bảo, người lớn còn không dứt ra được mấy cái trò chơi đầy hấp dẫn ấy, đừng nói tới trẻ con chưa hiểu biết gì.

Cái cảnh bà mẹ “dẫn độ” thằng con ở độ tuổi học cấp II từ tiệm net cuối hẻm ra, vừa đánh vừa khóc vừa kể vốn khá quen mắt với cả khu phố này. Nó trốn nhà ra đây ăn dầm nằm dề. Nó bỏ học thêm, học chính khóa. Nó ăn trộm tiền bạc đồ đạc trong nhà. Con ơi là con! Sao mà mẹ khổ với con đến thế này? Con muốn mẹ phải làm sao thì con mới vừa lòng đây hở con?

Người ta ngó xem, chỉ trỏ vài lần rồi cũng thấy nhàm. Chuyện đâu phải mới hay cá biệt. Chỉ riêng thằng con trai đang ở giai đoạn ương bướng là vẫn thản nhiên, lầm lũi bước. Mặt nó đanh lại. Nó hầu như chẳng đếm xỉa gì đến bà mẹ “không biết xấu hổ nên cứ lu loa lên với cả thiên hạ”, câu mà nó thường lầm bầm với mẹ. Cứ như thể, bà mẹ mới là nhân vật phản diện trong vở diễn đầy bi kịch mang tên “con cái ghiện game” này vậy.

Gặp lúc đang “tâm trạng”, bà mẹ khốn khổ ấy kể rằng, ngày trước bố thằng bé chiều con quá. Cứ cho con mượn điện thoại, máy tính bảng để xem chơi cho biết với người ta. Rồi tập tành nhập môn mấy cái game trẻ con. Từ cái hồi nó còn bập bẹ đánh vần, đã biết đòi “Bố cho con mượn máy chơi ga me nhé?”.

Con hu tai bo
Ảnh minh họa: Internet

Chồng chị buồn cười khi đứa con trai duy nhất trong nhà phát âm Việt hóa ngộ nghĩnh như vậy, nên lần nào cũng sẵn lòng. Mà chị vừa la con vừa cản chồng hoài chẳng được. Không phải chồng chẳng biết tác hại của các trò nhoay nhoáy trên cái màn hình phẳng đầy cám dỗ ấy, nhưng “hư hỏng hay ghiền là chuyện của con người ta, của mấy gia đình cá biệt không quan tâm con cái ấy. Chứ con mình ngoan như này…”.

Chị từng bảo, người lớn còn không dứt ra được mấy cái trò chơi đầy hấp dẫn ấy, đừng nói tới trẻ con chưa hiểu biết gì. Chị khổ tâm nhận ra con mình mê dán mắt vào ti vi từ bé xíu. Dù rất thích đeo theo mỗi khi mẹ ra ngoài đi chợ hoặc lo công việc, nhưng nếu đang xem ti vi, thì thằng bé chẳng màng bám mẹ nữa. Chị chia sẻ cùng anh nỗi âu lo của mình, nhưng lần nào anh cũng thẳng thừng gạt đi, cho rằng chị quá cả nghĩ, lo bò trắng răng. Con còn nhỏ, phải cho nó thoải mái chút chứ, có đâu mà cái gì cũng cấm đoán, “không được phép”.

Những khái niệm như phụ đỡ việc nhà, đi chơi công viên, câu cá, đạp xe hay hồ bơi, với con chị dần dà thành xa lạ. Cuộc chiến giữa chị và hai cha con ngày càng gay gắt, mà phần thắng luôn nghiêng về phe kia. Chị bất lực nhìn anh dễ dãi với con, trong cảm giác hả hê thỏa mãn rằng, con nó yêu bố, chuyện gì cũng tỉ tê tâm sự với bố, muốn mua gì ăn gì chơi gì cũng bảo bố.

Mẹ khó quá, hay la, cái gì cũng sợ, làm sao con dám gần gũi. Đó là lời phản ứng của con chị, khi chị mắng con lười vận động, suốt ngày ăn xúc xích, đồ rán, tăng cân và cận nặng. Mà mức độ “gà công nghiệp” ấy ngày càng tăng, chứ không hề giảm sút. Chỉ có việc học thì con chị lơ là dần…

Bây giờ thì chồng chị buông, bảo rằng cha mẹ sinh con trời sinh tính. Đâu phải lỗi của chúng ta. Con trai chị trở thành một cậu bé mặt mũi lờ đờ, thân hình phục phịch, coi các thứ thiết bị thông minh và máy tính có nối mạng là lẽ sống. Đi đâu với gia đình, chỉ cần xung quanh có ai đó bấm bấm chơi game trên điện thoại là con chị bất chấp quen lạ, sấn lại gần. Mọi giao tiếp thông thường trở thành xa xỉ. Ngay cả chị, bà mẹ bất lực giữ con khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc sống hiện đại, cũng khó có thể mở lời trò chuyện được với con, dù chỉ một lúc ngắn ngủi…

Tức giận đổ lỗi cho chồng cũng chẳng giải quyết được gì. Tự trách mình thiếu cương quyết, chưa đủ cứng rắn để bảo vệ con là cảm giác thường trực trong chị. Dù muộn, chị biết mình sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Không thể nào...

Hải Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI