Con “hư một khúc”

09/03/2021 - 18:08

PNO - Đến nước này thì chị không nhịn nữa, uốn cây phải uốn từ lúc còn non, chứ để thành cây thành rừng rồi thì uốn sao được.

Chồng chị luôn tự hào có tuổi thơ êm đềm và hạnh phúc khi chưa từng bị một cái roi nào vào mông, chưa từng bị mắng, cùng lắm chỉ là úp mặt vào tường hoặc bắt đọc sách, chép phạt. Khi biết chị từng trèo cây rách quần áo, tắm ao, phơi nắng và ăn bao trận đòn thì anh nói chị bị bạo hành. Rằng chị được dạy dỗ không khoa học. 

Chúng tôi thống nhất dạy con kiểu “kết hợp” - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock
Chúng tôi thống nhất dạy con kiểu “kết hợp” - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock

Nuôi dạy hai đứa con, anh ​chỉ nhỏ nhẹ nhắc nhở chúng. Khổ nỗi, thời xưa đâu có ti vi, đâu có điện thoại thông minh hay YouTube với game online. Ngày nghỉ, con trai xem ti vi cả buổi đến bỏ cơm. Chị mắng con thì anh nói với con cái phải nhẹ nhàng.

Anh đưa con vào phòng nói chuyện. Chẳng biết người nói người nghe thế nào mà ngày mai vẫn… y chang. Chị cáu kỉnh thì anh nói dạy trẻ con phải từ từ, làm gì như lũ quét vậy.

Chị cắn răng đợi. Chị đợi hai ngày tới một tuần và thấy tình hình còn tệ hơn khi thằng con bắt đầu lì, làm lơ khi thấy bố chỉ nhắc nhở kiểu phủi bụi, còn mẹ thì đã im lặng. Đã vậy, thêm đứa con gái tỵ nạnh: “Em được chơi, sao con không được chơi?”. 

Đến nước này thì chị không nhịn nữa, uốn cây phải uốn từ lúc còn non, chứ để thành cây thành rừng rồi thì uốn sao được. Chị tịch thu chiếc điều khiển ti vi của con trai, thu lại chiếc iPad của con gái và ra quy định một ngày chỉ được xem từ giờ này đến giờ này, sau đó là đọc sách, nhảy dây, đánh cờ và học online. 

Thấy mẹ “cứng”, hai đứa quay sang vòi vĩnh bố. Sau đó anh giận, nói chị không tôn trọng anh. Trong nhà lời bố mẹ phải chắc chắn một là một, hai không thể là ba. Chị “đạp chân” anh thế thì làm sao dạy con? 

Đi làm về anh vào phòng nằm… dỗi. Cơm nước nhà cửa mặc chị lo. Hai đứa con cũng lỉnh vào phòng với bố. Chị len lén ngó, thấy ba bố con mỗi người một góc ôm điện thoại. 

Thế này thì còn dạy dỗ gì nữa! Chị mở cửa phòng, yêu cầu hai con về phòng nghe nhạc cho bố mẹ nói chuyện. Chị chưa kịp mở miệng anh đã ôm đầu: “Anh mệt với mớ lý sự của em lắm!”. 

Anh nói, con nít ngoài ăn ngủ, học hành còn phải chơi đùa giải trí mới lớn được. Con nít là một người chưa lớn chứ không phải là người lớn thu nhỏ mà chị lấy barem của chị áp cho con. Ngày xưa ba má cho anh thỏa sức ăn ngủ, vui chơi mà anh có hư đâu, anh học hành đàng hoàng, thi đâu đậu đó. Anh bảo con trẻ hư khúc nào sửa khúc đó chứ em không thể áp đặt hay đánh mắng con.

Nghe anh nói mà chị thêm ức: “Anh nói nghe coi, hồi xưa anh làm gì cho hết ngày?”.

“Thì anh chạy ra đồng, ra bờ ao câu cá, chơi nặn nồi đất… Mấy trò đó giờ làm gì còn, nên con nó phải coi ti vi, chơi game thôi!”, anh đáp.

Chị tức giận: “Em có phản đối con chơi, con xem đâu. Chính vì nay không có những trò chơi như ngày xưa nên em yêu cầu con phải phân chia giờ giấc hợp lý. Anh nói là hư đâu sửa đấy thì nay con bắt đầu hư rồi đó. Chúng xem ti vi qua giấc trưa, lén lấy điện thoại chơi game tới hai giờ sáng… Từ giờ khi anh nói em sẽ im lặng và em yêu cầu ngược lại. Không phải mẹ vừa la, ba lại nhào vào bênh thì làm sao con biết nể sợ nữa?”.

Anh im lặng nghe chị nói, ban đầu có vẻ chưa ưng, nhưng dần dần chân mày giãn ra. Chị nói từ đầu đến đũa, phân tích từng việc từng chuyện và cuối cùng ơn trời là anh thấy đúng và đồng ý dùng biện pháp “cứng rắn kết hợp mềm dẻo”.

Thật may là anh đã không ngoan cố mang ngày xưa của anh áp vào ngày nay và hai đứa con mới chỉ “hư một khúc”…

Ngọc Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI