Con hoang

08/01/2016 - 07:41

PNO - Tôi muốn yêu thương nó hết lòng vì trẻ con vô tội, nhưng tôi cứ ám ảnh mãi những hồi ức oán hận thì làm sao mầm yêu thương đâm chồi được?

Từ nhỏ đến lớn, không hiểu sao tôi lại thường xuyên bị đòn. Ba má đánh tôi đã đành, các anh chị cũng hay ức hiếp tôi. Tôi cố làm tốt mọi việc để tránh bị đòn, nhưng dường như cả nhà đánh tôi đã quen tay. Tôi sợ nhất là những trận đòn của ba vì ông không đánh bằng roi, mà đá vào người, đấm vào đầu, vào mặt.

Vừa đánh, ba vừa gào lên: “Đồ con hoang, tại mày mà tao không cất đầu lên nổi!”. Đợi ba đánh đã tay, má mới lôi tôi ra: “Ông đánh nữa, nó chết bây giờ”. Tôi ôm má, tìm sự chở che. Có lẽ sợ ba chướng mắt, nên má đẩy tôi ra: “Ra vườn chặt củi, làm cỏ, cho heo ăn, xắt chuối… đi”. Tôi lủi nhanh ra vườn trong buồn tủi, uất nghẹn. Tôi thường hỏi má: “Sao ba gọi con là con hoang?”. Má gạt đi: “Ông ấy giận, nói gì chẳng được”.

Chiều hôm đó, sau trận đòn nhừ tử của ba, mặt tôi đầy máu. Lúc lau những vết máu trên mặt tôi, má nói: “Con không thể ở đây được nữa, để má đưa con về với mẹ ruột”. Tôi rụng rời nhìn má, quên cả cơn đau. Hóa ra mẹ ruột của tôi lại là dì Út.

Dượng Út đi làm ăn xa, có khi cả năm mới về nhà một lần; mẹ tôi ở nhà qua lại với người khác, sinh ra tôi. Mẹ sợ điều tiếng nên gửi tôi cho má. Đêm đó, tôi khóc đến nỗi như không còn nước mắt để khóc nữa. Dì Út - mẹ tôi trước giờ ít khi gần gũi tôi.

Một năm trước, dượng Út qua đời. Giờ tôi về với dì Út - mẹ, chắc mẹ sẽ rộng lòng đón tôi. Thực tế không như tôi đã nghĩ. Mẹ nín lặng khi nghe má kể lý do trả tôi về. Tôi cũng không khóc, không ôm chầm lấy mẹ và các anh chị để nhận nhau. Ai cũng e dè. Những người ruột thịt như đang dựng lên một bức tường để ngăn tôi trở về.

Con hoang
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Về với mẹ, cuộc sống của tôi cũng không khá hơn chút nào so với trước kia. Tôi còn nhớ năm mẹ sắp gả chị Hai. Hôm ấy trời chuyển mưa mù mịt, tôi tất bật lo gom củi. Chị Hai và chị Ba còn đang bận rộn thử áo mới. Mưa ập đến, củi ướt hết. Chị Hai mắng tôi té tát, rồi nói với mẹ: “Hôm đám mẹ gửi đồ con hoang này đi đâu thì gửi, ở đây lỡ người lạ hỏi, mất công mang nhục”. Nước mắt tôi chan cùng nước mưa. Rốt cục, tôi vẫn là phận con hoang.

Hết lớp 10, tôi xin mẹ lên Sài Gòn làm công nhân, rồi bán thêm mấy thứ lặt vặt trước cửa phòng trọ. Nhờ mọi người thương, tôi bán cũng đắt hàng. Quầy hàng của tôi ngày một phong phú hơn. Hàng tháng, tôi đều gửi tiền về cho mẹ để thực hiện bổn phận làm con. Khi lấy chồng, tôi đã có nhà riêng, có cửa tiệm khang trang. Chồng tôi siêng năng, hiền lành. Nghe tôi kể cuộc đời trôi nổi của mình, anh xót xa bảo sẽ thương chiều tôi, cho tôi một mái gia đình ấm áp.

Đời có ai học được chữ ngờ. Tôi thiếu tình thân nên luôn rộng lòng với gia đình. Các anh chị cần tiền, tôi luôn giúp đỡ. Lúc mở cửa hàng tự chọn, tôi đưa gần chục đứa cháu ở quê lên phụ bán, trả lương hậu hĩnh. Đứa cháu gái con chị thứ Tư lanh lợi hoạt bát, tôi giao cho làm thủ quỹ.

Để mua được hàng rẻ, tôi thường đi các tỉnh lùng kiếm đầu mối. Mải mê công việc, lại quá tin tưởng người thân của mình, nên tôi ít xét nét, kiểm tra. Lần đó, tôi về nhà sau mấy ngày đi vắng, thấy cháu gái có biểu hiện khác lạ, còn hỗn láo cả với chồng tôi.

Tôi tra hỏi, mới biết chuyện động trời là một lần chồng tôi say rượu, đã cưỡng bức cháu. Giờ cháu mang thai gần năm tháng, còn lấy của tôi số tiền lớn. Cháu mặc cả với chồng tôi, đòi làm vợ lẽ. Đất trời như sụp đổ. Tôi nằm vùi mấy ngày, chỉ muốn chết cho xong.

Tôi dắt cháu về quê, tạ lỗi với mẹ tôi và anh chị Tư. Chị gào khóc, bảo tôi độc ác, khác máu tanh lòng nên mới dung túng để chồng làm bậy. Nỗi đau của chị, tôi thấu tận tâm can nên cúi đầu nín lặng, chấp nhận nghe chị sỉ vả. Khoảng thời gian đó, tôi sống mà như chết. Cửa hàng không ai quản lý, dẫn đến thua lỗ. Tôi không còn ý chí để xốc lại công việc, phó mặc cho trời.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI