Giá heo hơi nay chỉ còn 25.000đ/kg mà heo vẫn còn mãi trong chuồng không có người mua. Heo tồn, trọng lượng cứ tăng dần, vượt qua mức xuất chuồng bình thường. Con heo “quá lứa” nặng 130-150kg, lớp mỡ lưng dày, không được thị trường Việt Nam chuộng. Trước đó, heo vừa đủ trọng lượng xuất chuồng thì thương lái Trung Quốc không mua, đề nghị nuôi tiếp.
Người chăn nuôi nhìn mức giá cao ngất ngưởng, đã giữ heo lại nuôi thêm, giờ vướng cảnh “lỡ thì”, thương lái Trung Quốc ngưng mua, thị trường dội hàng, có nhà tồn hơn hai trăm con, con nào con nấy quá lớn, khóc không thành tiếng. Người nuôi cố hy vọng dịp cuối năm, nhu cầu sẽ tăng mạnh, nhưng đã cận tết, giá đã âm so với chi phí chăn nuôi rồi mà vẫn ế, chẳng còn đường nào lấy lại được chút vốn.
Tình trạng này tuy đã được báo trước, nhưng vẫn không tránh khỏi. Từ con cá, rễ cây, lá khoai lang, trái dừa, cái gì dính đến thương lái Trung Quốc bao nhiêu năm qua đều hứng chịu những cơn lao đao về giá. Giờ là con heo quá lứa lỡ thì, người nông dân không chỉ lên bờ xuống ruộng, lỗ “méo mặt”, mà còn phải chịu thêm cái tiếng hám lợi, không nhìn xa trông rộng. Ngẫm chuyện heo mà đau lòng!
Mấy tháng đầu năm, giá heo tăng, cũng do thương lái Trung Quốc thổi giá, mỗi ngày hàng trăm xe tải chở heo thịt qua biên giới. Người tiêu dùng trong nước bị thiệt do giá thịt heo tăng. Nay giá heo hạ nhưng giá bán thịt heo lại chưa hạ, do các công ty chế biến thực phẩm trước đó đã ký hợp đồng mua heo ở mức giá không giảm.
Nói tới nói lui, người tiêu dùng nào có được thụ hưởng cái lợi của việc giảm giá tăng giá. Một nhà quản lý từng nhận xét, cái bệnh của ngành chăn nuôi nước ta là cả quá trình đều bị chia cắt, từng giai đoạn, từng khâu luôn tranh thủ phần lợi về mình, không có tư duy bảo vệ nhau để cùng phát triển, phát triển bền vững.
Quyền lợi lớn nhất đến được với người tiêu dùng thời gian gần đây là quyền chọn mua thịt heo có nguồn gốc rõ ràng, có quy trình giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sở Công thương TP.HCM đã triển khai đề án công khai thông tin nguồn gốc sản xuất và quy trình sản xuất thịt heo an toàn; công bố công khai các điểm bán thịt heo có thể truy xuất thông tin.
Từ giữa tháng 12/2016, người mua có thể sử dụng điện thoại thông minh hoặc các máy quét đặt sẵn tại nơi bán, quét mã trên miếng thịt heo, sẽ nhận được toàn bộ thông tin về miếng thịt, từ nơi sản xuất đến nơi giết mổ. Cách làm này đã nhận được hiệu ứng tích cực từ người tiêu dùng.
Thị trường xuất hiện ngay sự phân biệt hai hệ thống: hệ thống mua bán “mù”, không biết thông tin và hệ thống mua bán công bố minh bạch thông tin sản phẩm. Niềm hy vọng quy trình quản lý tiến bộ, văn minh này mới chớm làm sạch miếng thịt, làm yên lòng người tiêu dùng, thì lại xuất hiện ngay một lượng heo thịt lớn không biết xử lý thế nào, bán đổ bán tháo kiểu gì.
Liệu có phải đây là một đòn trả đũa đánh vào những cố gắng quản lý thị trường thực phẩm, làm chùn lòng những người dân vừa bắt đầu đặt lòng tin vào một hệ thống quản lý tiên tiến hơn?
Cứ tưởng sau khi công khai dữ liệu nguồn gốc thịt heo, quy trình nuôi heo, xuất chuồng, giết mổ, tiêu thụ… sẽ không còn manh mún, không còn bị chia cắt bởi lợi ích cục bộ; nhưng khối heo thịt “quá lứa lỡ thì” kia cứ như quả bom tấn nổ giữa thị trường thịt heo mùa tết này, gây hỗn loạn giá cả, bất minh chất lượng, khiến cái tư duy chấp nhận mua thịt heo giá cao hơn một chút nhưng thịt có nguồn gốc rõ ràng, có nguy cơ sớm thành “đầu voi đuôi chuột”.
Việc tăng đàn heo ồ ạt, chỉ nhằm vào giá mua của thương lái Trung Quốc đang đẩy nhiều gia đình nông dân vào cảnh thua lỗ, nợ nần. Cũng không thể chỉ trách một bộ phận người chăn nuôi hám lợi, bởi họ cũng chỉ làm theo quy luật thị trường, có cầu ắt có cung.
Cũng như những chiêu trò khác do thương lái Trung Quốc từng gây ra, cú giảm giá heo hơi cuối năm nay sẽ là một trái đắng cho những người nhẹ dạ. Tuy nhiên, việc rút ra bài học gì từ quả đắng ấy lại là chuyện của các nhà quản lý thị trường.
Đã đủ bài học chưa để những người quản lý phải nghĩ đến việc nghiêm túc tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi, nâng cao năng lực, giá trị cạnh tranh, phát triển ngành chăn nuôi một cách chủ động, bền vững để giữ được mô hình quản lý chất lượng thịt heo theo chuỗi non nớt, đang oằn mình trước những cơn bão giá? Thêm con heo quá lứa lỡ thì hẳn là đã quá đủ, thậm chí đã thừa…
Bích Ba