Đất bị quy hoạch treo hơn 20 năm. Cha mẹ bó gối nhìn vườn tược bị “đóng đinh”; con cái lớn lên, bữa nào nhớ tô cơm hến của mẹ thì quay về, hít hà mùi nhớ rồi đi, bởi nếu ở lại, đời họ sẽ mãi “lờ đờ nước hến”. Cơm hến làm vang danh Huế, còn dân Cồn Hến thì buồn như xác hến…
|
Bà Nguyễn Thị Thủy, vợ ông Phải. Gia đình ông bà sống bằng nghề bỏ rau cho các quán cơm hến |
Tô cơm hến không có hến sông Hương
Gần 16g, nắng vẫn chát chúa sông Hương, tôi qua Cồn Hến. Tôi nhớ gần 30 năm trước, những chiều sương sa, những sáng mơ hồ, khói sóng phủ kín mặt sông. Từ cầu Tràng Tiền ngó xuống, doi đất dài và ngút xanh này như có phép biến hình trôi bềnh bồng giữa màu lam của khói, mờ đục của sương và nước sông lúc xanh lúc tím.
Và lúc đó, có rất nhiều ánh lửa. Lửa của những khoang thuyền đời vạn đò cắm cúi phận mình với sông. Lửa của những chiếc thuyền đánh cá lanh canh kiếm ăn khi người ta bắt đầu đi chơi tối và ngái ngủ khi trời còn sớm. Lửa của những bếp lò nghi ngút nấu hến. Những bóng người nước ngang bụng mà cứ đi thụt lùi, vừa đi vừa giật khi tay giữ chặt một đoạn tre nhô lên mặt nước. Dân sông nước sẽ rành, đó là người cào hến.
“Ừ, đó là cái cào hến, con cũng biết à? Chừ đố mà tìm ra cái cào nớ, cũng không bói mô ra ai làm được cái nớ” - ông Hồng Nguyên Ngộ, chủ quán cơm hến Như Ý ở kiệt 7, đường Ưng Bình, xòe bàn tay - “Chú nhớ cái cào đan tre, nức bằng mây, chừa khoảng cách giữa các thanh nan đủ cho con chắc (con hến nhỏ) rớt xuống, chỉ lấy con to, làm rứa mới còn hến lớn tiếp rồi đẻ, mới nuôi sống người được mấy trăm năm từ thời ông bà chứ, có mô tận diệt như chừ”. Chừ hến ở mô ra? “Quảng Trị chứ mô” - giọng ông mơ màng - “Hồi nớ, gần 30 năm trước, buổi sáng, mấy bà dưới làng Lại Thế lên đây mua rồi gánh đi, một đoàn mấy chục người nối nhau, ui, có máy hình chụp đẹp lắm”. Câu chấm dứt của ông như trôi đứt theo ký ức dằng dặc trong người đàn ông đã qua tuổi 60. Đến đời con ông là đời thứ tư ở đất này.
|
Cơm hến còn đó, điệu buồn cũng dai dẳng từ lâu |
Hồi đó, dân xây dựng hoàng thành, họ Phạm, làng Trọng Đức, được đưa ra cồn ở, gọi là dân lanh canh Trọng Đức. “Lanh canh” là gõ mái chèo xua cá, làm hến. Đất phù sa khiến Cồn Hến là chốn ngát xanh của đồ la ghim, mạ, bắp. “Hồi chú lớn lên, ở đây có chừng 50 hộ, có khi hơn chút, không như chừ mô. Dân làm hến cũng nhiều, cứ xuống sông Hương mà cào, vì ngon lắm nên mới có danh cơm Cồn Hến”. Nhãn hiệu, tên gọi còn đó, nhưng hương vị, thức vật đi mất mô tê rồi.
“Đây, nhà chú bán quán, nhưng có hến sông Hương mô, phải trên 20 năm rồi, con hến ni dở chứ không ngon. Rồi rau, phải có chuối sứ xắt nhỏ, rau thơm, môn, mắm ruốc phải lấy từ cửa Thuận lên, cầu kỳ lắm mới ra tô cơm hến… Chừ có mô, chỉ còn môn, rau thôi”.
Biết vậy, nhưng phải sống, không thì xà quần cũng đói mờ mắt. Bà Lan, vợ ông, trước khi mở quán thì bán kẹo, bánh, làm mũ, tất tả đứt hơi. Mỗi ngày, bà bán nửa ký hến ruột, khi khách đông thì bán được 1kg, lời được chừng 100.000-200.000 đồng. Tôi ngồi riết hai giờ, chẳng thấy tăm hơi khách. “Ít lắm, chủ yếu sinh viên, mỗi tô cơm hến giá từ 8.000-15.000 đồng, lấy lên nữa họ la làng” - bà Lan nhỏ nhẹ.
Tôi nhớ hồi đi học, đói xanh xương, ở Huế 4 năm mà cơm hến chỉ có trong mơ, bởi làm gì có tiền ăn sáng mà chơi sang vậy, dù đó là thức ăn bình thường của người lao động bình dân. Giờ quay lại, ăn chỉ thấy cay. Chắc là do tôi vốn tệ khoản ẩm thực, hay là dư vị buồn tẻ từ giọng ông chủ quán ám vào, như nghẹn, như thấy trong mắt ông có hơi thở thoi thóp của con hến vừa bị tống vào nước sôi: “Năm đó, có con bé lớp Chín, sáng sớm đi gánh hến qua phố bán giúp mẹ, rớt cầu Phù Lưu xuống sông chết, tội lắm. Nghề hến là nghề hạ bạc. Theo chú, nếu ở đây mà cúng tổ, thì phải cúng bà tên là Bướm. Đến đời bà là đời thứ tư, khi chú lớn lên thì bà cũng đã lớn tuổi, một mình lui cui thuê người cào, rồi nấu, đưa bán. Nghĩ đời bạc, lúc bà sắp chết, con cái kể lại, chỗ cổ của bà sôi sục sục như mình nấu nồi hến”…
|
|
Tôi lội trong làng, hỏi chuyện mấy người, đếm được đây còn sáu lò hến, trong khi vào thời hưng thịnh, có trên 20 lò. Chỉ tay vào cái bi giếng một phần ba chìm trong đất phủ đầy vỏ hến, ông Lê Viết Phải, nhà ở ngay đầu cồn, cười chua chát: “Lò hến của bà chị dâu tui đó, bỏ 15 năm rồi. Vợ chồng tui cũng bỏ lâu, chỉ làm rau mua từ Phong Điền vô, bỏ mối cho các quán. Bốn người làm, từ tước vỏ tới xắt nhỏ, ngày kiếm 100.000-200.000 đồng. Hến hiếc chi nữa chú, tàn tạ lâu rồi. Bám nghề ni, chỉ có chết đói”.
Quay sang đồng nghiệp là người ở đây, giọng ông buồn rớt: “Huế mình em biết rồi, mấy tháng mưa là dân làm hến đói rã họng, nên mới có câu “gác cào, rào họng”.
Làng bây giờ chỉ còn vài người tuổi ông bám nghề, nhớ nghề, thương nghề tổ mà kiếm ăn từ con vật sống trong cát bùn, chung thủy đến tội tình nuôi bao kiếp người đi qua nổi nênh. Xóm đầu cồn này còn lại là phường Giang Hến. Tôi vô nhà thờ tổ nghề, nghe nói tháng Sáu mới cúng tổ. Lặng phắt. Mấy dòng câu đối tinh tươm, sắc nét; tường sơn phết như còn mới. Khi không còn gì nữa, người ta cũng ráng níu kéo ký ức. Đó là thái độ chịu ơn sâu thẳm không lời từ đất, từ sông, một hành xử đi ra từ trái tim thật thà khôn nguôi với nguồn cội…
Biết đi về đâu?
Phải lội sâu vô xóm, mới vỡ vụn trong tôi mặc định rằng, ở đây cây cối sum suê, nhà cửa phong quang. Chen chúc chật cứng. 755 hộ với 3.600 khẩu lèn vô nhau trên diện tích 33ha.
“Đó là dân nơi khác đến là chính anh ơi, chứ dân Cồn Hến chính gốc, lớn lên đi hết, chỉ còn cha mạ họ ở lại, mô chừng 100 hộ chứ mấy. Chính gốc cũng có nghĩa là chỉ chừng đó nhà có bìa đỏ nhà, đất. Bìa đỏ cũng vô nghĩa thôi, làm về đút bỏ tủ cất, vì ngân hàng không cho vay, tách thửa cũng không được, nên dân muốn làm ăn lớn cũng đâu có được” - ông Lê Văn Phú, Phó chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ nói mà như không buồn nhắc.
Ông cũng như dân Cồn Hến, quá chán ngán chuyện quy hoạch treo hơn 20 năm ở Cồn Hến rồi. Người ta tới Huế, thấy dự án, nhà cửa mọc ầm ầm, nhưng Cồn Hến vẫn y nguyên thế.
“Phải nhà đầu tư thiệt lớn mới làm nổi. Chừng nớ dân, đền bù, rồi đưa họ đi đâu, bó tay, nên ai cũng ngán. Nhiều người tới rồi lui ra”. Vậy tại sao cứ treo, dân nói ăn rồi đi họp miết, đo đạc miết, chán đến mức không muốn đi nữa? “Thì tỉnh làm quy hoạch mà, còn biết hồi mô…”.
Biết hồi mô? Con cái lớn lên, muốn có nhà, cứ xây, nhưng sẽ không được đền đồng cắc nào khi giải tỏa, còn bao giờ giải tỏa thì chịu. Điệp khúc họp, quy hoạch, đầu tư cứ xoay vần bao năm rồi. Bà con nói, hồi chế độ ông Diệm đến ông Thiệu, cũng quy hoạch, nói miết tới chừ, lâu lâu lại thấy họ đo, kê khai, nhưng khi hỏi “rồi tụi tui đi mô”, họ lắc đầu không biết.
Không tính được đường ra, đất không nở, chỉ người là sinh ra, nhấp nhô, trôi nổi, cố bám, làm đủ nghề, từ thợ nề, làm mũ nhựa, xe ôm, bán bánh canh, nậm, lọc… Chẳng ai giàu nổi. Nhưng biết đi đâu?
|
Trẻ con ở đây rồi sẽ rời khỏi Cồn Hến |
Không đi được thì ở, ráng mà chịu, nhất là mùa lụt, cứ như toàn bộ nước sông Hương dồn về đây. Ông Lê Viết Phải cười ngao ngán: “Đó, lụt vừa rồi, nước qua ngang cửa sổ, còn trận lụt năm 1999 thì nước nằm trên bàn thờ Phật”. Đường qua Cồn Hến chỉ độc cây cầu sắt Phù Lưu có trước năm 1975.
Tôi qua cầu, qua bên kia đường Trịnh Công Sơn ngó lại, có chiếc thuyền rồng du lịch chạy ngang đầu mũi cồn, nghe như vọng điều gì chua chát. Dưới sông, đoạn mé dưới cầu Đông Ba một đoạn, sân khấu cho Festival Huế 2018 còn đêm nay nữa sẽ hạ màn. Nơi đây, đêm kia có diễn vở Âm vọng sông Hương, là nhát cắt về đời sống dân sông Hương nối tiếp, gắn bó tận tình cùng dòng sông như điệu hò Huế mãi không phai. Từ đây bơi qua chỗ Cồn Hến không đủ dài một thôi nước. Bao đời người Huế tận tình với sông Hương, nhưng con sông có nuôi họ đủ sống không, từ cái ăn đến tâm hồn?
Tôi nhớ bà Lan chủ quán cơm hến Như Ý nói, nhà bà là hiếm hoi ở cồn này nuôi đủ ba đứa con học hết đại học. Học xong, tụi nó ra đi. Nuôi con mà nước mắt chảy dài vì cực, lúc lên nhận bảng tuyên dương Gia đình hiếu học, bà cười mà khóc, rằng tuyên dương mấy cũng không bằng cực khổ mà vợ chồng con cái đã nếm trải những năm tháng đó, bởi ở đây không nhà mô cực bằng nhà bà.
Ở đây chỉ có được một cái, theo ông Ngộ, tuy lụt là đặc sản, nhưng chưa bao giờ có người chết vì lụt. Nước lụt về đây, như không chảy, dù bên Đập Đá lúc chưa ngăn như bây giờ chảy xiết. Cồn Hến là thế đất “tả Thanh Long” trong phong thủy, nhìn từ cung đình ra, còn trên cồn Dã Viên là “hữu Bạch Hổ”. Cầu Bạch Hổ, ngày tôi đi học đã nghe đã chứng kiến bao người chết, buồn đời, buồn tình, lên cầu gieo mình xuống sông.
“Cồn Hến không có ai chết vì nước lụt, dẫu lút tới bàn thờ, nhưng dân Cồn Hến thì sống dật dờ, lờ dờ như nước hến”. Lời ông Ngộ buồn xo. Sân khấu chưa kịp dọn, còn đó mấy cái vó bắt cá dựng lên làm cảnh. Vùng đầm phá Tam Giang giờ cũng bị tận diệt rồi, cá mắm quay lơ. Tất nhiên, không thấy cái cào hến “gia bảo” của dân cồn…
Trung Việt